(Tổ Quốc) - Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 300 địa điểm, di tích lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến, nhiều nhất cả nước. Hà Nội xác định, cần thiết phải phát huy giá trị di tích lịch sử kháng chiến, đưa các di tích thành "địa chỉ đỏ" trong giáo dục, truyền thông về lịch sử cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc đến thế hệ trẻ.
Giàu tiềm năng
Trong gần 6.000 di tích hiện có, hệ thống di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội chiếm số lượng khoảng 380 di tích và địa điểm lưu niệm sự kiện.
Di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội là minh chứng cho các phong trào yêu nước, phong trào cách mạng của nhân dân Thủ đô và sự phát triển liên tục của các phong trào ấy mà đỉnh cao là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Minh chứng cho các sự kiện này là các di tích cách mạng kháng chiến như nhà số 5D Hàm Long, nhà số 75 Hàng Nón, căn hầm nhà số 90 Thợ Nhuộm, Nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà số 48 Hàng Ngang, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Vạn Phúc...
Nhưng, trong thực tế, phần lớn các di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội hầu như chưa phát huy được hết giá trị. Trong số 380 di tích loại này trên địa bàn thành phố, chỉ có Nhà tù Hỏa Lò thường xuyên có khách tham quan; nhà số 48 Hàng Ngang, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Vạn Phúc thi thoảng đón các đoàn khách trong những dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước; số còn lại đều rơi vào cảnh thưa vắng khách. Nhà của gia đình cụ Nguyễn Thị An ở Phú Thượng, Tây Hồ- là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc trên chặng đường từ Việt Bắc về Hà Nội năm 1945... Hay di tích nhà bà Hai Vẽ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), mặc dù nằm gần đường An Dương Vương cũng thưa vắng khách. Ngôi nhà 5D Hàm Long, mặc dù thường xuyên có các trưng bày chuyên đề nhưng thi thoảng mới có khách tìm đến để tìm hiểu thông tin.
Lý giải nguyên nhân, Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho rằng: “Các di tích cách mạng kháng chiến ít nhiều chưa hấp dẫn, tư liệu trưng bày chưa đầy đủ nên chưa thu hút được khách tham quan. Các tài liệu, hiện vật trưng bày còn khuôn mẫu, tẻ nhạt, không phong phú như các bảo tàng, do vậy, chưa thu hút được du khách đến hoặc trở lại với di tích. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý di tích trực tiếp cũng chưa có sự đổi mới trong hoạt động chuyên môn và công tác tuyên truyền, quảng bá”.
Tăng cường đổi mới
Những năm qua, ngành Văn hóa Thủ đô đã nỗ lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di tích cách mạng kháng chiến. Nhiều cách làm hay đã tạo bước chuyển cho hệ thống di tích quan trọng này, thu hút thế hệ trẻ đến với các địa chỉ văn hóa, lịch sử.
Để các di tích cách mạng kháng chiến được bảo tồn song song với việc phát huy giá trị di tích, ông Trương Minh Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và lắng nghe ý kiến của du khách để điều chỉnh kịp thời các hình thức phát huy giá trị di tích.
“Cần hỗ trợ công nghệ hiện đại trong việc trưng bày, thuyết minh và tăng cường các hoạt động tương tác, trải nghiệm để thu hút giới trẻ đến với di tích cách mạng kháng chiến. Song song đó, ngành Văn hóa cần kết hợp với các nhà trường, đưa học sinh đến các di tích cách mạng kháng chiến để tìm hiểu thực tế kết hợp với các bài học trong chương trình, giúp các em hiểu sâu, nhớ lâu hơn về các di tích”.
Nằm độc nhất trên con phố Hỏa Lò thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, di tích Nhà tù Hỏa Lò được biết đến là “địa ngục trần gian” ngay giữa lòng Hà Nội. Nhà tù được người Pháp xây dựng năm 1896, từng là nơi giam cầm hàng ngàn chiến sĩ, nhà hoạt động cách mạng của Việt Nam.
Thời gian gần đây, di tích Nhà tù Hỏa Lò đón nhận được sự ủng hộ và quan tâm của nhiều đối tượng du khách, đặc biệt là các bạn trẻ tìm đến với di tích với mong muốn được tìm hiểu lịch sử và “sống lại” một thời quá khứ vẻ vang của dân tộc. Số lượng du khách đăng ký tham quan đông đến mức các tour lúc nào cũng trong tình trạng 'cháy vé'.
Những câu chuyện, sự kiện hay nhân vật lịch sử được đội ngũ truyền thông của di tích sáng tạo bằng nhiều hình thức thể hiện, vừa mang tính thời sự, lại bắt kịp xu hướng đang thịnh hành trên mạng xã hội. Điển hình có thể kể đến việc lồng ghép hóm hỉnh câu đố, lời bài hát, hình ảnh minh hoạ… với thông tin gắn liền tới lịch sử tưởng chừng “vô cùng khô khan”.
Đến nay, trang chủ “Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic” đã thu hút hơn 125.000 người theo dõi, nhận được hàng ngàn lượt yêu thích, tương tác và chia sẻ mỗi ngày. Ngoài Facebook, Ban quản lý của di tích còn chú trọng phát triển nội dung trên các nền tảng mạng xã hội khác như Instagram, Spotify… bằng những “chuyến du hành thời gian”.
Nhằm tăng cường thu hút khách đến với hệ thống di tích cách mạng kháng chiến trong thời gian tới, ông Đỗ Đình Hồng cho biết: “Mỗi địa danh lịch sử cách mạng kháng chiến là những "địa chỉ đỏ”, “trường học” trực quan sinh động, di sản văn hóa vô giá, ghi dấu sự kiên cường, bất khuất của quân dân Thủ đô trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập. Các địa danh lịch sử cách mạng kháng chiến đã và đang được đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt giá trị, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ".
Việc ứng dụng công nghệ để tăng tính hấp dẫn cho các điểm di tích đã được áp dụng, triển khai trong thời gian qua. Tại Di tích ngôi nhà số 90 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là một trong những địa chỉ đỏ tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, nơi đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam dự thảo bản Luận cương chính trị vào tháng 10/1930, ngày 23/11 đã lần đầu tiên ra mắt ứng dụng công nghệ thông tin (sách điện tử) trên nền tảng công nghệ số trong hoạt động trưng bày nhằm tích hợp nhiều tư liệu, hình ảnh, bài viết trong màn hình cảm ứng, góp phần tăng tính tương tác, trải nghiệm mới cho du khách.
Sở VHTT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức sưu tầm tài liệu liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử; xây dựng video clip về các di tích tiêu biểu, hoàn chỉnh chương trình thuyết minh, giới thiệu nội dung di tích để bồi dưỡng năng lực hướng dẫn, thuyết minh cho cán bộ cơ sở; tổ chức các hoạt động mít tinh, hội thảo chuyên đề, trò chơi tìm hiểu kiến thức lịch sử cách mạng... để tăng tính hấp dẫn, qua đó thu hút khách đến với các di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội./.