(Tổ Quốc) - Việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy toàn diện những tiềm năng, giá trị của hồ Tây là một trong ưu tiên quan trọng hàng đầu của quận Tây Hồ nói riêng và Hà Nội nói chung.
- 27.04.2023 Hà Nội: Quyết dọn sạch “rác sắt” trên Hồ Tây
Hồ Tây có diện tích hơn 526ha, chu vi 18km, là một trong những hồ lớn nhất của Thủ đô. Không chỉ có ý nghĩa quan trọng với Hà Nội về mặt sinh thái hay kinh tế, hồ Tây còn chưa đựng kho tàng văn hóa đồ sộ suốt chiều dài lịch sử, có thể coi như một báu vật thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội.
Khu vực Hồ Tây có hệ thống di sản, di tích đậm đặc, chỉ riêng khu vực quanh hồ Tây hiện còn có hơn 20 ngôi đình, đền, chùa được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng. Với lợi thế vị trí độc đáo, hồ Tây gần như bao trọn không gian văn hóa lịch sử. Đây là nơi lưu giữ những chứng tích và cả những huyền tích về sự hình thành và phát triển kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.
Việc khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị của hồ Tây là một trong những ưu tiên quan trọng của Hà Nội cũng như quận Tây Hồ. Tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020-2023; nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn quận Tây Hồ diễn ra tháng 1 vừa qua, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đồng ý chuyển giao việc quản lý hồ Tây về cho quận Tây Hồ thay vì 8 sở, ngành cùng quản lý như trước đây. Cùng với đó, Bí thư Hà Nội yêu cầu các sở, ngành cần chung tay cùng quận Tây Hồ quản lý hồ Tây theo chức năng nhiệm vụ để địa danh này thực sự phát triển, trở thành một điểm đến văn hóa, du lịch tiêu biểu của Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng giao quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng đề án cụ thể để khai thác hiệu quả những tiềm năng, giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận. "Quan điểm là bằng mọi giá phải lưu giữ, bảo tồn và phát huy toàn diện những tiềm năng, giá trị của hồ Tây".
Chia sẻ quan điểm về bảo tồn và phát huy giá trị của hồ Tây, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố cho rằng, hồ Tây là khu vực tiềm năng rất lớn, và đặc biệt là tiềm năng về văn hóa bởi chưa có khu vực nào có giá trị văn hóa xác định chặt chẽ như ở đây.
Chưa bao giờ chúng ta thấy được tiềm năng mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa, không gian văn hóa ở khu vực hồ Tây như hiện nay.
Đi ngược lại lịch sử, từ thời phong kiến, rất nhiều doanh nhân, nhà văn hóa đã quan tâm đến khu vực hồ Tây như: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Trãi... Hơn nữa, chưa bao giờ khu vực hồ Tây và bán đảo Quảng An có nhiều di tích tầm cỡ quốc gia như vậy. Có tới 30 di tích quốc gia đã xếp hạng và còn gần 25 di tích chưa xếp hạng nhưng rất có giá trị.
Một điều đặc biệt nữa, đây là khu vực mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long Hà Nội, đặc biệt là làng nghề, cả làng nghề thủ công, làng nghề ẩm thực,...
Do vậy, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng quy hoạch phát triển hồ Tây, trong đó có Quy hoạch khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An phải tiếp cận được tổng thể, thấy được mục tiêu phát huy, khai thác giá trị văn hóa rất phong phú, rất đa năng của khu vực này.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hồ Tây có giá trị như vậy chắc chắn trong tương lai không xa sẽ khai thác, tổ chức các hoạt động du lịch, dịch vụ trên mặt nước và điều này đã được đặt ra từ rất lâu. Vậy việc kết nối giữa giao thông thủy với các dịch vụ mặt nước Hồ Tây như thế nào phải làm cho rõ hơn. Đặc biệt là giao thông đường bộ, kết nối không chỉ qua tuyến đường Đặng Thai Mai, mà còn qua các tuyến đường đê Lạc Long Quân, Âu Cơ như thế nào và gắn kết với các tuyến đường vành đai ở ven Sông Hồng mà chúng ta đang quyết tâm triển khai như thế nào?
Đồng quan điểm, TS. KTS Hoàng Hữu Phê khẳng định, việc xây dựng Hồ Tây thành trung tâm văn hóa mới của Thủ đô sẽ là hướng đi đúng đắn. Các hạng mục công trình như trục cảnh quan đi bộ, quảng trường, bảo tàng nghệ thuật... là các thành tố vật thể cần thiết cho trung tâm văn hóa mới. Tuy nhiên, yếu tố quyết định cho thành công của trung tâm văn hóa này lại chính là các yếu tố phi vật thể, hay là phần hồn của nó.
TS. Hoàng Hữu Phê cho rằng, khu Trung tâm văn hóa hồ Tây phải phản ánh các giá trị xã hội cốt lõi, phù hợp với cảnh quan đô thị và trở thành một cực vị thế nổi bật.
Về vấn đề hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di sản hiện nay, theo TS. Hoàng Hữu Phê, trước hết cần phải nói rằng, đứng trước một khu vực hay công trình có các yếu tố di sản cần bảo vệ và phát huy, ta có ba cấp độ xử lý, tùy theo mức độ quan trọng và tình huống đô thị: Bảo tồn lịch sử, Tôn tạo di sản và Tái phát triển.
Hồ Tây là một cảnh quan lịch sử, do vậy nên được ứng xử theo cách tiếp cận tôn tạo di sản thay vì bảo tồn lịch sử. Trong cách tiếp cận này, không nhất thiết phải giữ nguyên trạng hoặc phục hồi nguyên trạng các yếu tố vật thể, mà phải giữ cho được các đặc tính phi vật thể, tức là hồn cốt của nơi chốn, các giá trị căn bản của cái thường được gọi là trí nhớ văn hóa. Để thực hiện được cần lập một thiết chế thích hợp là khu vực tôn tạo/bảo tồn, nơi lưu giữ các đặc điểm kiến trúc/tự nhiên được coi là có giá trị và cần được bảo vệ.
Về mặt thiết kế công trình, hiện nay tại khu vực hồ Tây chưa có công trình tầm cỡ nào về hoạt động văn hóa nghệ thuật được xây dựng và đây là một cơ hội lớn để đầu tư cho những công trình biểu tượng bề thế. Công trình cũng phải phản ánh trình độ, mức độ phát triển hiện tại của xã hội chúng ta.
Về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông phải được quan tâm hàng đầu, đặc biệt đối với các khu vực tập trung nhiều hoạt động văn hóa – biểu diễn công cộng. Việc xử lý nước thải và chất thải rắn cần phải bảo đảm ngăn chặn ở mức cao nhất các khả năng xảy ra ô nhiễm đối với một diện tích đáng kể mặt nước tự nhiên.
Theo TS. Hoàng Hữu Phê, đây là nơi tập trung cao nhất các hoạt động văn hóa – văn nghệ, nên cách tiếp cận quy hoạch và kiến trúc phù hợp với một số lượng người rất lớn cần được cân nhắc kỹ, đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn và chất lượng môi trường.
Có thể nói, Khu vực hồ Tây được đánh giá có rất nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt khu vực bán đảo Quảng An với vị trí trung tâm, tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa mang đặc trưng bản sắc Thăng Long – Hà Nội nếu được khai thác, phát triển hợp lý sẽ mang lại giá trị to lớn về du lịch và văn hóa cho Thủ đô.