• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề

Thời sự 25/02/2017 16:49

Tại TP. Hồ Chí Minh ngày 24/2 đã diễn ra Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp tổ chức.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị (ảnh: VL)

Dự hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cùng các đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các chức sắc tôn giáo; đại diện các địa phương, tổ chức UNICEF, Đại sứ quán nhiều nước và đại diện các cơ sở tôn giáo có nhiều đóng góp trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, từ sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức Hội nghị về việc biểu dương, phát huy vai trò tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề. Do đặc điểm là đất nước đã trải qua nhiều năm chiến tranh, lại thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh và những tai nạn, rủi ro trong cuộc sống nên số đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội ở nước ta lớn, bao gồm: người nghèo, người có HIV, người nghiện ma tuý, người khuyết tật, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành gia đình... Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại, hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố và người dân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Đảng và Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách và giành nhiều nguồn lực chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người yếu thế, người có công bảo đảm an sinh xã hội. Các thành viên tổ chức thuộc Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức tôn giáo đã kế thừa và phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam, tổ chức nhiều mô hình, hình thức trợ giúp đối với những nhóm dân cư yếu thế, bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Để tiếp tục chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là đối tượng bảo trợ xã hội, người dân có hoàn cảnh khó khăn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, về phía Bộ LĐ-TB&XH cùng các Bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các địa phương có những cơ chế, chính sách và chương trình hợp tác thiết thực, bảo đảm phát huy vai trò của tổ chức tôn giáo trong việc chăm lo đời sống người dân, công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề. Đặc biệt cần lồng ghép các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành để đào tạo cho các tổ chức tôn giáo về nhân lực làm bảo trợ xã hội và dạy nghề. Đồng thời, giải quyết các chính sách trợ cấp xã hội, cấp bảo hiểm y tế cho các đối tượng tại các cơ sở tôn giáo để bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe và trao đổi với các tổ chức tôn giáo, chức sắc để có giải pháp, mô hình hay, sáng tạo và hiệu quả trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội và dạy nghề. Cùng với đó, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện phát triển cơ sở bảo trợ xã hội, dạy nghề.

Đối với các địa phương, cần phải quan tâm, bố trí đất đai tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho cơ sở trợ giúp xã hội, các tổ chức tôn giáo hoạt động và phát triển. Đối với các tổ chức tôn giáo nhất là các vị chức sắc tôn giáo cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và dạy nghề.



Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện nay, cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo, hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số 2.600 nhân viên. Các cơ sở này không chỉ hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội là tín đồ của các tôn giáo mà còn hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt tôn giáo tại địa phương. Về các cơ sở dạy nghề, tính đến nay, có 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo. Hàng năm, tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề ngắn hạn cho hơn 2.000 người.

Hiện nay, hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội và dạy nghề cũng còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn thấy rõ là còn nhiều cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo đã tổ chức nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội nhưng không đủ điều kiện để thành lập cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định. Điều này dẫn đến việc một số đối tượng bảo trợ xã hội sống trong cơ sở này chưa được giải quyết các chính sách trợ giúp xã hội như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí. Công tác khai sinh, đăng ký hộ khẩu cho trẻ em bị bỏ rơi chưa được quan tâm, chưa được thực hiện đầy đủ. Bên cạnh đó, một số cơ sở có cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị phục hồi chức năng, gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động. Đây cũng là những khó khăn mà các cơ sở dạy nghề gặp phải bởi kinh phí chủ yếu để thực hiện các hoạt động có được từ sự tự nguyện đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Các cơ sở dạy nghề thuộc các tôn giáo gần như chưa được hưởng chính sách xã hội hóa của Nhà nước về dạy nghề. Đất đai làm trường do các trường phải tự mua hoặc được hiến tặng; chưa tiếp cận được các chính sách về vốn, tín dụng ưu đãi…

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề của đơn vị mình; những thuận lợi và khó khăn cũng như kiến nghị với Trung ương, các bộ, ngành liên quan nhằm hỗ trợ nhất là về cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Các đại biểu đều cho rằng, những hoạt động bảo trợ xã hội, dạy nghề mà các tổ chức tôn giáo đang làm hiện nay không phải xuất phát từ mục đích muốn được tôn vinh mà vì nhìn thấy đó là việc làm tốt đẹp, muốn được chung tay cùng cả cộng đồng giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế.

  

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời những năm qua, các tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể phát động; góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề của Đảng, Nhà nước. 

Các tập thể, cá nhân có những đóng góp to lớn cho hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề nhận bằng khen  (ảnh: VL)

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trân trọng ghi nhận, cảm ơn, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng, dấn thân của các vị trong việc tham gia phát triển hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kêt toàn dân tộc.

Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề.

Các địa phương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ngành Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát, vận dụng đầy đủ các chính sách của nhà nước đã có cho các cơ sở trợ giúp xã hội và dạy nghề, dù ở khu vực công lập hay ngoài công lập: chính sách về bảo hiểm y tế, đất đai, giấy khai sinh, đăng ký tạm trú, miễn giảm học phí… Đối với các cơ sở chưa được cấp phép cần rà soát bổ sung các thủ tục để sớm hoàn thiện. 

Bên cạnh đó cần tiếp tục phát hiện, tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình tốt của các tôn giáo tham gia hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề. Các cơ sở trợ giúp xã hội và dạy nghề của tôn giáo cần tiếp tục tích cực, chủ động nâng cao chất lượng các hoạt động chăm sóc, giáo dục, đào tạo nghề; tập trung bồi dưỡng đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên, cộng tác viên, người phục vụ trong các cơ sở ngày càng thân thiện, có kỹ năng và tâm huyết, trách nhiệm với công việc.

Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng ngành LĐ-TB&XH các cấp cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các tổ chức tôn giáo và các cá nhân tôn giáo trong việc tham gia phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội và dạy nghề đạt chất lượng cao, nhằm chăm sóc những người yếu thế trong xã hội, để họ cảm thấy ấm áp, có nơi nương tựa trong cuộc sống.

Cũng nhân dịp này, 20 tập thể và 27 cá nhân đã được nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và của Bộ LĐ-TB&XH vì đã có nhiều thành tích trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề./.



 

Nguồn: dangcongsan.vn

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ