(Tổ Quốc) - Ngày 7/8, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&T) tổ chức Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quyền con người cho các phóng viên, biên tập viên và những người làm công tác thông tin truyền thông tại các tỉnh phía Bắc.
Tại hội nghị, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT) cho biết, quyền con người là một trong những vấn đề được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng và xác định là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị trong trước mắt và lâu dài.
Vì vậy, thời gian qua, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương mới tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, Đảng viên và nhân dân, để mọi người nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người.
Bên cạnh đó, Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam đã quy định rõ ràng và cụ thể về quyền con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội…
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực quyền con người, ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 với mục tiêu: Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về quyền con người qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người; thông tin đầy đủ giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở phạm vi trong nước, khu vực và trên thế giới.
“Theo kế hoạch năm 2024, Vụ Pháp chế sẽ tổ chức 2 Hội nghị phổ biến trong lĩnh vực này tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hội nghị phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người là một trong những nhiệm vụ thường xuyên do Bộ TT&TT tổ chức, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho phóng viên, biên tập viên và các cán bộ quản lý công tác thông tin và truyền thông”, ông Hồ Hồng Hải cho biết.
Trong thời đại công nghệ số, truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội đã trở thành những nền tảng quan trọng, giúp thông tin về nhân quyền được lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi. Điều này không chỉ giúp người dân nắm bắt kịp thời các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền con người, mà còn tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Do đó, việc tổ chức các hội nghị, hội thảo đào tạo, tập huấn cho các phóng viên, nhà báo và các cán bộ truyền thông là cần thiết để có những bài viết chất lượng, hấp dẫn và có sức lan tỏa mạnh mẽ, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động tích cực từ cộng đồng trong lĩnh vực này.
Tại hội nghị, PGS.TS. Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trình bày hai chuyên đề "Đảm bảo quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam" và "Phát huy vai trò của truyền thông báo chí trên lĩnh vực quyền con người".
PGS.TS. Tường Duy Kiên đã nêu các khái niệm về quyền con người; thực tiễn việc bảo đảm quyền con người tại Việt Nam; nhiệm vụ của công tác nhân quyền thời đại mới. Ông cũng trình bày cách nhận diện các đối tượng thù địch và các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
PGS.TS. Tường Duy Kiên khẳng định vai trò quan trọng và nhiệm vụ của báo chí trong bảo vệ và đấu tranh ở lĩnh vực quyền con người.
Trong thời điểm hiện nay, với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, thông tin, báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội; tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; truyền tải ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
PGS.TS. Tường Duy Kiên cũng chỉ ra rằng báo chí cũng có thể vi phạm quyền con người do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua không phải không có một số vấn đề đáng lo ngại như: Vi phạm quyền bí mật đời tư, nhiều thông tin trên báo chí còn thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin, bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút.