(Tổ Quốc) - Những việc làm của ông Đàm Văn Tiến đã góp phần làm thay đổi kinh tế, đời sống văn hóa xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sán Dìu ở huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Đạo Trù là xã miền núi khó khăn của huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), có tổng diện tích đất tự nhiên là 7.456 ha. Xã có hai dạng địa hình chính là địa hình đồi núi thấp và những cánh đồng hẹp. Diện tích đất rừng khoảng 5.800 ha, chiếm gần 80% tổng diện tích đất tự nhiên. Với vai trò là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Đàm Văn Tiến (dân tộc Sán Dìu) ở thôn Tân Lập, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã luôn tích cực tuyên tuyền, vận động nhân dân, gia đình, dòng họ thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực phát triển kinh tế - văn hóa xã hội; chung tay xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Là một người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tham gia công tác, được Đảng ủy phân công là Chủ tịch Hội nông dân, ông Tiến nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã, góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Ông Tiến phối hợp với các ban ngành đoàn thể trong xã tuyên truyền cho nông dân vùng dân tộc thiểu số Sán Dìu xã Đạo Trù chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang các loại cây có giá trị kinh tế cao như: trồng ớt, cà chua, cây ăn quả, dưa, đặc biệt là cây ba kích giống thương phẩm có giá trị kinh tế rất cao; phối hợp làm tốt công tác tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội và tuyên truyền cho nhân dân thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật thay đổi giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao;; xây dựng các mô hình trong chăn nuôi, mô hình trồng cây dược liệu, mô hình phát triển các loại giống cây con mới có giá trị kinh tế.
Giai đoạn 2011- 2016, ông Tiến đã phối hợp với hội nông dân tỉnh thực hiện mô hình hình trồng cây ba kích thương phẩm và ươm nhân giống một số cây dược liệu như: sâm châu, cỏ xước, kim tiền thảo, lạc tiên, lá lốt trên địa bàn xã, đặc biệt cây ba kích tím thương phẩm có giá trị kinh tế cao. Mô hình được đón nhiều đồng chí lãnh đạo ở trung ương và của tỉnh về thăm và đánh giá kết quả mô hình góp phần làm thay đổi đời sống kinh tế văn hóa xã hội vùng dân tộc thiểu số trong điều kiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Mô hình cũng được đánh giá đã làm chuyển biến nhận thức của người dân trong xã thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư đặc biệt thực hiện nghị quyết 03 của tỉnh Vĩnh Phúc về phát triển kinh tế nâng cao đời sống của nhân dân nhằm đảm bảo kinh tế ổn định cuộc sống gắn với việc thực hiện phát triển kinh tế xã hội quốc phòng an ninh và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Tiến đã cùng phối hợp vận động nhân dân hiến được 24.910m2 đất làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.. .
Những việc làm của ông đã góp phần làm thay đổi kinh tế, đời sống văn hóa xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sán Dìu.
Ông Tiến cho biết, trong thời gian tới, phát huy những thành tích đã đạt được ông sẽ tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 ở địa phương mình, góp phần phát triển kinh tế- xã hội cho quê hương.
Đánh giá và ghi nhận những đóng góp trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao tặng Bằng khen cho ông Tiến và mới đây nhất ông được tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.