• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát huy vai trò tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Văn hoá 13/05/2020 08:15

(Tổ Quốc) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách vô cùng quý giá, là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thử thách để đi đến thành công, làm cho vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Phát huy vai trò tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19  - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, năm 1955. Ảnh: Time

Năm 2020, là năm kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 45 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 75 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, đây cũng là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng đặt ra trước toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần nỗ lực phấn đấu để thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời cũng vào thời điểm này, ngay từ đầu năm, đại dịch Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam đã đặt ra một thử thách không nhỏ cần phải giải quyết và xử lý. Chính vì vậy, việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ vận dụng và phát huy giá trị trong sự nghiệp lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam đồng sức, đồng lòng đoàn kết nhất trí để vượt qua mọi khó khăn, gian lao và thử thách để chiến thắng đại dịch Covid19.

Đại đoàn kết dân tộc là một giá trị tinh thần to lớn, một truyền thống quý báu của dân tộc được các thế hệ cha ông gìn giữ và phát huy giá trị. Trong suốt mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, đoàn kết đã trở thành một động lực to lớn, một hành động thiết thực để dân tộc ta vượt qua mọi thử thách và phát triển bền vững. Trên nền tảng giá trị được hun đúc bởi truyền thống lịch sử của cha ông, đoàn kết dân tộc đã sớm hình thành, luôn chiếm vị trí quan trọng trọng tư tưởng Hồ Chí Minh và đã được Người kế thừa để phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong đường lối lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và là một bộ phận quan trọng hợp thành hệ thống tư tưởng của Người.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng giá trị của tinh thần đoàn kết và đoàn kết dân tộc. Với nhãn quan chính trị sắc bén, cùng với tầm nhìn, sự nhận thức đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về đại đoàn kết dân tộc và Người luôn tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của mình thể hiện ở các quan điểm:

Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò của đoàn kết dân tộc. Đầu năm 1955, tại Hội nghị đại biểu mặt trận Liên-Việt toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm: "Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác" 1. Từ quan điểm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của đại đoàn kết dân tộc và khẳng định đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài và là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng để phát huy sức mạnh của cả dân tộc trong cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn kết làm ra sức mạnh là sức mạnh, là cội nguồn, là then chốt của sự thành công: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công"2.

Thứ hai, đại đoàn kết dân tộc là một mục tiêu, một nhiệm vụ hàng đầu, là đường lối chiến lược quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam.

Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa đoàn kết và thành công. Có đoàn kết mới có thắng lợi. Càng gặp kẻ thù lớn, càng gặp khó khăn thử thách thì lại càng phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi và vững chắc để giành thắng lợi. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người nhận thức sâu sắc đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành-bại, được-mất trong các cuộc đấu tranh chống mọi kẻ thù. "Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi"3. Để lý giải một nước Việt Nam nghèo nàn và lạc hậu lại có thể đương đầu đánh bại những thế lực lớn và hiện đại, Người nói: "Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng; Quyết không làm nô lệ, chỉ có một ý chí: Quyết không chịu mất nước. Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Sự đồng lòng của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại"4. Từ đó, Người cho rằng, đoàn kết trong Đảng là tiền đề cho đại đoàn kết dân tộc và đại đoàn kết dân tộc là cơ sở để đoàn kết quốc tế. Đó là đường lối chiến lược kết hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo thành sức mạnh to lớn làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho mọi thế hệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"5.

Thứ ba, đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp, lực lượng, đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, kiều bào kể cả những người đã lầm đường, lạc lối nhưng biết hối cải trở về. Nói cách khác, theo Người, khối đại đoàn kết dân tộc bao gồm: "Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lạp dân chủ"6 gắn với chiến lược: "Toàn dân đoàn kết nhất trí thì chúng ta nhất định xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh"7.

Thứ tư, "Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết toàn dân"8

Đây được coi là nguyên tắc trong tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để làm tốt đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nguyên tắc phải tin vào dân, dựa vào dân vì lợi ích của dân để đoàn kết toàn dân, phát động các phong trào thi đua yêu nước trong lao động, học tập, sản xuất và chiến đấu. Phải đoàn kết lâu dài, rộng rãi, chặt chẽ, tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo trong một Mặt trận thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng để "Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà"9. Và Người luôn khuyến khích: "Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ"10. Trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần đạo đức khoan dung, độ lượng với người, trân trọng phần thiện để quy tụ, tập hợp rộng rãi mọi lực lượng gắn với sự chân thành, thẳng thắn, thân ái giúp nhau cùng tiến bộ.

Trên cơ sở nguyên tắc đoàn kết toàn dân là sức mạnh nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phương pháp tuyên truyền trong vận động nhân dân. Nội dung tuyên truyền phải đáp ứng đúng nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân và yêu cầu của thực tiên cách mạng, phù hợp với từng đối tượng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo với yêu cầu đòi hỏi: "Cương lĩnh tuyên truyền phải hết sức giản đơn, ai ai cũng hiểu được, nhớ được. Đoàn kết, đánh địch, cứu nước, chỉ 6 chữ ấy thôi là đủ"11. Để làm được điều đó thì Người yêu cầu: Đảng phải chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Đảng phải làm cho Nhà nước thật sự là của dân, do dân, vì dân. Không ngừng cải cách bộ máy hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước quản lý bằng pháp luật. "Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân"12. Trong đó, lấy Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội làm cầu nối gắn kết để toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

2. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đao đức, phong cách Hồ chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" 13. Ngảy 15 tháng 5 năm 2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, những năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã thực hiện, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.

51 năm Bác đã đi xa, nhưng tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được phát huy ngày càng sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhất là mỗi khi đất nước bước vào những giai đoạn thử thách đầy gian nan, tư tưởng đó lại càng được nâng cao giá trị khi đại dịch Covid-19 hiện nay đang phủ một màu u ám lên toàn thể nhân loại nói chung và mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam nói riêng.

Tính đến hết ngày 20/4/2020, trên thế giới có hơn 2.418.429 người nhiễm covid19 được xác nhận với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, 165.739 người tử vong. Trong đó, Mỹ có 764.265 người mắc, 40.565 người tử vong; Italia 178.977 người mắc, 23.660 người tử vong; Pháp 152.894 người mắc, 19.718 người tử vong… Hiện tại, đại dịch Covid-19, vẫn tiếp tục gia tăng số người bị nhiếm bệnh và tử vong trên toàn cầu.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Chính trong cơn hoạn nạn vì đại dịch, lòng người Việt Nam được lan tỏa rộng khắp và đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục được phát huy giá trị để đất nước chiến đấu và chiến thắng giặc Covid-19. Việt Nam, một đất nước nhỏ bé, còn nghèo nàn và lạc hâu. Một đất nước có 7 tình biên giới phía Bắc có chung đường biên giới 1.435km trên đất liền với Trung Quốc - nơi được coi là tâm dịch bùng phát virus SARS-CoV2 nhưng cùng thời điểm đến ngày 20/4/2020 chỉ có 268 người nhiễm Covid-19. Trong đó, đã chữa khỏi 214 người và không có ai bị tử vong, gần 6 ngày liên tục không có người mắc mới.

Ngay từ những ngày đầu tháng 12/2019, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc Ngày 23/01/2020, trước Tết Nguyên Đán Canh Tý, khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh và đến ngày 29/01/2020, lúc này dịch Covid-19 mới được xem là căn bệnh viêm đường hô hấp cấp do Virus Corona chủng mới gây ra mới chỉ tập trung lây lan ở 18 quốc gia trên thế giới thì Trung ương Đảng ta đã nhận định đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, lây lan nhanh và chưa có vắc xin và thuốc đặc trị đặc hiệu nên diễn biến phức tạp, có khả năng lan rộng và bùng phát rất cao. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Công văn số 79-CV/TW gửi các cấp, ban ngành yêu cầu phải coi đây là nhiệm vụ "trọng tâm, cấp bách" để tạp trung lãnh đạo, chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Mặt trân Tổ quốc và toàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp đề ra. Bộ Chính trị kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiễn sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, đồng sức vào cuộc mạnh mẽ.

Nếu trước kia, trong thư "Kính cáo đồng bào", ngày 6 thánh 6 năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam đoàn kết để đánh đuổi Pháp, Nhật: "Chúng ta phải đoàn kết lại…", việc cứu nước là việc chung của mọi người Việt Nam, ai cũng gánh một phần trách nhiệm: "Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng…"14 thì trong trận chiến chống dịch Covid-19, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Đảng, Chính phủ Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người để sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể đẩy lùi dịch bệnh.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, toàn hệ thống chính trị của cả nước cùng đồng lòng phát huy sức mạnh đại đoàn kết để chống dịch. Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế - cơ quan chuyên ngành của Chính phủ đã khởi động các cơ sở y tế phòng, chống dịch tuyến tỉnh; các bệnh viện tuyến trung ương; bệnh viện thuộc ngành công an, quân đội; bệnh viện dã chiến của quân đội chủ động ứng phó, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 7/3/2020, khi bệnh nhân số 17 được phát hiện tại Hà Nội, việc chống lại giặc Covid-19 được đẩy lên cao trào trong phạm vi rộng khắp cả nước. Thông tin về tình hình dịch được cập nhật hàng giờ, hàng ngày,công khai, minh bạch, quyết không giấu dịch. Kể từ đây, nhân dân cả nước, từ Bắc, chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược đã đồng sức, đồng lòng cùng chung tay chống dịch. Dù phải chịu rất nhiều bất tiện, thậm chí là thiệt thòi về lợi ích kinh tế và hơn thể nữa, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ các cụ già đến các em bé, đã có vô vàn những hành động rất đẹp và hết sức ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh cả về vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch với ý chí và tinh thần đoàn kết "Việt Nam quyết thắng đại dịch" lên đến đỉnh cao. Khi nhân dân xã Xuân Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc thành trọng điểm về dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện nhiều lời động viên và hành động cụ thể thể hiện sự chia sẻ, động viên người dân Sơn Lôi vững vàng vượt qua khó khăn. 14 ngày nhân dân phố Trúc Bạch cách ly cuộc sống xã hội bên ngoài là đủ 2 tuần lễ hơn 1000 người dân khu phố được đón nhận tình người ấm áp qua những phần quà nhân dân các nơi đem đến tiếp tế trong sự xẻ chia đồng cảm. Và khi Bệnh viện Bạch Mai trở thành ổ dịch thì chính nơi đây tình người lại càng được gần gũi và ấm áp hơn khi được đón nhận sự chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần dành cho các bệnh nhân đang điều trị và những thiên thần áo trắng đang ngày đêm âm thầm, lặng lẽ hy sinh chiến đấu để chữa bệnh, cứu người. Khi khẩu trang trở nên khan hiếm thì nhiều cá nhân, tổ chức đã phát miễn phí cho người dân, có những em bé đã dành số tiền mừng tuổi ít ỏi để góp vào chung sức cùng cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhập nguyên liệu, gác lại đơn hàng để tập trung sản xuất khẩu trang miễn phí. Người dân ở nhiều địa phương tích cực tham gia hiến máu nhân đạo để dự phòng nếu dịch lan rộng. Hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân, tương ái của mọi người dân Việt Nam được thể hiện mọi lúc, mọi nơi. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội sẵn sàng nhường nơi ở, sinh hoạt của mình làm khu cách ly, phơi thân ngoài biên ải, các chốt kiểm dịch để bảo vệ bình an cho Tổ quốc. Hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ nơi cửa khẩu, không quản hiểm nguy, túc trực 24/7 tại vị trí phân công. Hàng nghìn sinh viên trường y tình nguyện sẵn sàng lên đường . Hàng trăm khách sạn, resort được hiến tặng trở thành nơi cách ly. Hàng trăm tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ và người dân quyên góp. Tổ quốc luôn giang rộng vòng tay đón hàng vạn công dân trở về. Tất cả các dịch vụ ăn ở, đưa đón, thăm khám, chữa trị đều được miễn phí kể cả người nước ngoài. Một lần nữa ý Đảng hợp với lòng dân được phát huy cao độ bởi sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: Khó vạn lần dân liệu cũng qua.

Hiện nay, mặc dù nước ta đã đã khống chế được mức độ lây lan và đạt được những thắng lợi bước đầu. Nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp và phía trước vẫn còn tiềm ẩn không ít những rủi ro và nguy cơ. "Thời gian tới đây,chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa"15. Để vượt qua và chiến thắng đại dịch Covid-19, chỉ có thể đoàn kết đồng lòng, đồng thuận mới có thể biến nguy thành cơ theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà"16.

Th.s Cao Hải Yến

NỔI BẬT TRANG CHỦ