• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Phạt tiền" người dân chụp ảnh bên "phố đồ chơi" trung thu tại Hàng Mã, Hàng Lược có đúng luật hay không?

Du lịch 11/09/2019 07:18

(Tổ Quốc) - Đây được coi như một lời đề nghị giao dịch. Vì thế, nếu khách hàng – du khách nhìn thấy, đọc thấy mà vẫn chụp ảnh thì cũng có thể coi như là đã chấp nhận với giao dịch này.

Xuất hiện những tấm biển "không chụp ảnh"

Từ lâu, con phố Hàng Mã, Hàng Lược đã trở thành một địa chỉ yêu thích của đông đảo người dân thủ đô, đặc biệt là những dịp Trung thu, Giáng sinh hay Tết Âm lịch. Không chỉ được người dân thủ đô yêu mến mà những con phố này cũng đã trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách trong và ngoài nước khi đến với Hà Nội.

batchxxx0201-2-1567953665150674870130

Biển thông báo không chụp ảnh - Ảnh Trí Thức Trẻ

Hai con phố này được biết đến là nơi kinh doanh các mặt hàng thủ công (hàng mã, đồ trang trí trung thu, đèn lồng, hoa lụa, hoa giấy, đồ trang trí mừng giáng sinh, mừng năm mới...). Vì thế, vào những dịp lễ như Trung thu, Giáng sinh hay Tết Nguyên đán, cả dãy phố bỗng trở nên rực rỡ bởi những mặt hàng trang trí và tạo lên sức hấp dẫn đối với người dân và khách du lịch. Khách du lịch đến đây để mua sắm, để dạo chơi, ngắm cảnh phố phường...

Hà Nội, 36 phố phường, là một trong những nét riêng, hấp dẫn đối với khách du lịch. Tại đây, người ta luôn thấy cảnh tượng buôn bán tấp nập, gần như cả ngày lẫn đêm. Những hàng quán, những hàng ăn...tất cả đã tạo ra một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Hà Thành.

Tuy nhiên, dịp gần đây, nếu có dịp đến với khu phố Hàng Mã, Hàng Lược, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những tấm biển cảnh báo có nội dung: "Không chụp ảnh, tắc đường. Cố ý chụp, nhân viên ra thu 500.000/lần", "Không chụp ảnh. Chụp ảnh phạt 100k, xử lý hành chính"...Những tấm biển này được các tiểu thương "trưng" lên đúng vào dịp Trung thu, một trong những thời điểm tuyến phố Hàng Mã và Hàng Lược thu hút đông đảo người tham quan nhất.

Theo chia sẻ của tiểu thương tại đây, thì từ khoảng hai năm nay, một số hộ kinh doanh đã sử dụng cách này để nhằm giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông, gây khó khăn cho việc buôn bán.

Việc cấm khách chụp ảnh được đưa ra lý do giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông không phải không có lý. Bởi ai cũng biết, đường phố Hà Nội, vốn đã nhỏ hẹp, nhất là ở những khu vực phố cổ và Hàng Mã, Hàng Lược cũng không nằm ngoài tình trạng chung này. Lượng xe cộ qua lại, lượng người đến mua bán (cất hàng, giao hàng) cộng với lượng khách tới tham quan... đã khiến cho khu vực này thường hay xảy ra tình trạng tắc đường, đặc biệt ở những giờ cao điểm.

Cần có quy định cụ thể

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ánh Tuyết – Công ty TNHH Lưu Đại Nghĩa cho biết, xét về mặt pháp lý, thì việc những tiểu thương tại phố Hàng Mã, Hàng Lược treo biển yêu cầu không được chụp ảnh và thu tiền khi khách cố tình chụp là không sai. Bởi hàng hóa của các tiểu thương bày bán trên phố là thuộc quyền sở hữu của họ. Trong Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền sở hữu đối với tài sản, có quy định 3 quyền là: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Quyền định đoạt này có thể hiểu là chủ sở hữu có thể dùng hàng hóa đó để bán, tặng, cho, thừa kế hoặc một hình thức nào đó mang lại lợi ích cho họ như cho thuê…cũng không loại trừ việc treo ở đó để cho người khác chụp ảnh và thu tiền.

IMG_0536

Khách du lịch khám phá làng cổ Việt Hải - Ảnh Vi Phong

"Các biển cấm chụp này được tiểu thương bố trí công khai, có nội dung rõ ràng là không chụp ảnh, nếu chụp thì phải mất tiền…Đây được coi như một lời đề nghị giao dịch. Vì thế, nếu khách hàng – du khách nhìn thấy, đọc thấy mà vẫn chụp thì cũng có thể coi như là đã chấp nhận với giao dịch này", luật sư Nguyễn Ánh Tuyết phân tích.

"Trên thực tế du khách, đặc biệt là các bạn trẻ thường hay tụ tập theo nhóm, khoảng 5, 6 người tạo dáng, chụp ảnh trước gian hàng tại phố Hàng Lược, Hàng Mã khá phổ biến và thường xuyên. Việc các bạn trẻ chụp ảnh, tạo dáng như vậy trước một gian hàng vốn đã nhỏ, hẹp tại đây cũng gây ra những bất tiện, cản trở kinh doanh cho các tiểu thương. Nhiều khách hàng muốn vào mua hàng, nhưng thấy có nhóm người đứng tạo dáng chụp ảnh như vậy họ lại đi hàng khác…" luật sư Nguyễn Ánh Tuyết nói.

Cũng theo luật sư Nguyễn Ánh Tuyết, mặc dù việc làm này của các tiểu thương tại Hàng Lược, Hàng Mã không sai, vì hiện tại trong luật dân sự, thương mại và cả du lịch đều không có quy định nào cấm. Nhưng, việc làm này lại vô hình chung làm mất đi sự thiện cảm của khách du lịch, nhất là khách quốc tế. "Thứ nhất là trên biển cấm này của các tiểu thương không kèm theo ngôn ngữ quốc tế (tiếng Anh), nên khách du lịch quốc tế sẽ không hiểu và không biết việc cấm và bị thu tiền. Thứ hai, việc khách du lịch chụp ảnh lưu niệm, rồi chia sẻ trên trang cá nhân cho bạn bè, người thân…cũng là một cách để quảng bá giới thiệu về điểm đến".

Xuất phát từ thực tế trên, luật sư Nguyễn Ánh Tuyết cho rằng, chúng ta cần phải có quy định rõ ràng, cụ thể về vấn đề này, nhất là tại những khu vực du lịch. Có như thế mới quản lý được tốt và giúp cho hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế được đẹp hơn, tránh tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh"./.

Vi Phong

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ