(Tổ Quốc) -Nghị định 41/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản sẽ có hiệu lực từ 20/5.
Theo đó, quy định tại Nghị định mới này sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng với hành vi vi phạm trong sản xuất, gia công, kinh doanh mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có sử dụng loại kháng sinh không đúng như đã công bố theo quy định hoặc ghi trên nhãn hàng hóa;
Phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;
Và phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các hình thức xử phạt bổ sung.
Vứt động vật mắc bệnh, chết ra môi trường cũng sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn |
Chủ vật nuôi có một trong các hành vi sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật; Vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường; Không chấp hành việc tiêm phòng vaccine dại cho chó nuôi sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.
Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi;
Với cơ sở chăn nuôi tập trung, trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống gia súc, giống gia cầm và bò sữa sẽ bị phạt tiền từ 1,5 – 2 triệu đồng nếu không chấp hành việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ các bệnh tại cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống gia súc, giống gia cầm và bò sữa;
Chủ vật nuôi sẽ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng nguyên liệu thuốc thú y, nguyên liệu thuốc y tế, thuốc y tế để phòng, chữa bệnh động vật; Không thực hiện việc ngừng sử dụng thuốc đối với động vật trước khi giết mổ, khai thác trứng, sữa để làm thực phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền; Kinh doanh con giống mắc bệnh truyền nhiễm…/.
Thái Tùng