(Tổ Quốc) - Triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, tại nội dung phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016). Theo đó, Bộ tập trung chỉ đạo phát triển 5 ngành công nghiệp văn hóa: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quảng cáo và du lịch văn hóa.
Đẩy mạnh triển khai Chiến lược, Bộ đang tích cực tham mưu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, các quy định pháp luật chuyên ngành nhằm tạo hành lang pháp lý khuyến khích phát triển sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL.
+ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chúng ta đang tập trung xây dựng thể chế để phát triển CNVH. Trong khi các nước đã phát triển vấn đề này từ những năm 1990. Theo ông mất bao lâu để chúng ta xây dựng thành công ngành CNVH và hòa nhịp được với thế giới?
- Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng: Quan điểm của Đảng, Chính phủ về phát triển các ngành CNVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được khẳng định: các ngành CNVH là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành CNVH.
Trên cơ sở mục tiêu đề ra phát triển các ngành CNVH trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu, chúng ta cố gắng phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2030 doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội; phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.
+ Đi sau các nước, vậy chúng ta có tiềm năng hay lợi thế gì để phát triển CNVH, đặc biệt là tạo ra sự khác biệt so với các nước thưa ông?
- Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng: Thực tiễn trong quá trình triển khai, thực hiện Chiến lược đã chứng minh các yếu tố tác động đến sự phát triển các ngành CNVH như: Hệ thống văn bản chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho thấy trong lĩnh vực văn hóa nói chung và CNVH nói riêng đã có sự thay đổi cơ bản. Thừa nhận có thị trường văn hóa phẩm và công nhận sản phẩm văn hóa như là hàng hóa được lưu thông trên thị trường; tạo điều kiện cho thị trường văn hóa phẩm phát triển bằng chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế; khuyến khích ngành CNVH phát triển thông qua một số chính sách cụ thể.
Nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn về phát triển kinh tế và văn hóa, trong thời gian vừa qua, nhất là sau khi có chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa, các thành phần kinh tế khác nhau đã tham gia khá mạnh mẽ vào phát triển các lĩnh vực khác nhau trong lĩnh vực CNVH. Thị trường văn hóa phẩm xuất hiện hàng loạt các sản phẩm văn hóa đáp ứng yêu cầu văn hóa, thẩm mỹ, nghệ thuật của công chúng. Các kênh truyền thông truyền tải các giá trị văn hóa, nghệ thuật đến với công chúng cũng đa dạng và sinh động, đặc biệt là thông qua truyền hình, mạng internet.
Công cuộc đổi mới diễn ra hơn 30 năm qua, đã tạo ra những thay đổi nhiều mặt tới môi trường văn hóa - xã hội Việt Nam. Trên lĩnh vực phát triển văn hóa, việc kiên định triển khai đường lối, chính sách, giải pháp phát triển văn hóa đã từng bước hình thành môi trường văn hóa có khả năng cởi trói sức sản xuất văn hóa, giải phóng năng lực sáng tạo, từng bước tạo ra những khuôn khổ thể chế có khả năng tạo điều kiện cho các ngành nghề CNVH phát triển, từng bước nâng cao chất lượng văn hóa, thỏa mãn các đòi hỏi ngày càng đa dạng về nhận thức, hưởng thụ văn hóa của người dân, đồng thời thúc đẩy văn hóa hội nhập sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa.
Sự tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện đại đã làm tiền đề cho sự xuất hiện nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin. Hàng loạt các thông tin về lĩnh vực CNVH như giải trí, lễ hội, điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, du lịch văn hóa đang hướng tới đáp ứng nhu cầu đa dạng, sinh động của công chúng khắp nơi trên thế giới. Xã hội thông tin mang lại những cơ hội thuận lợi cho sự phát triển CNVH, kích thích sức sáng tạo năng động của CNVH Việt Nam hội nhập với thế giới.
+ Thời gian tới chúng ta sẽ tập trung vào những vấn đề gì trong chiến lược xây dựng các ngành CNVH của Việt Nam thưa ông?
- Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng: Thời gian tới chúng ta sẽ tập trung vào một số nội dung nhằm phát triển các ngành CNVH Việt Nam như:
Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về phát triển các ngành CNVH với sự phát triển kinh tế - xã hội;
Tập trung rà soát, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển CNVH, nâng cao hiệu quả thực thi quyền tác giả, quyền liên quan;
Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê cho các ngành CNVH tiến tới luật hóa công tác điều tra thống kê quốc dân hàng năm;
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành CNVH. Đây là yếu tố then chốt đảm bảo sự phát triển cho các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam;
Tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa;
Thu hút và hỗ trợ đầu tư, xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành CNVH sẵn có lợi thế, tiềm năng;
Phát triển thị trường, từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong nước thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng;
Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam;
Đặc biệt là việc tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược để đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo.