• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm lộ trình đối với 5 ngành công nghiệp văn hóa

Văn hoá 23/05/2022 21:30

(Tổ Quốc) - Chiều 23/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã chủ trì buổi làm việc về tiến độ triển khai Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030.

Cùng tham dự buổi làm việc có Ban soạn thảo cùng đại diện một số đơn vị liên quan Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030.

Theo Dự thảo Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 tập trung vào 5 ngành do Bộ VHTTDL quản lý gồm: Du lịch văn hóa; Điện ảnh; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Nghệ thuật biểu diễn; Quảng cáo.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm lộ trình đối với 5 ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại trên cơ sở xác định các tiềm năng, lợi thế của từng lĩnh vực; phát triển đồng bộ giữa các ngành, khâu sáng tạo, từ việc sản xuất, phân phối, quảng bá và tiêu dùng. Từ đó hình thành và phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh cao và mang lại thu nhập; từng bước trở thành những ngành có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm lộ trình đối với 5 ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát triển 5 ngành công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc và sức sáng tạo của người Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và kỹ năng kinh doanh.

Bên cạnh đó tăng cường công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; khai thác tối đa lợi ích kinh tế trong văn hóa, gắn liền với việc quảng bá đất nước con người Việt Nam; góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế.

Mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục phát triển 5 ngành công nghiệp văn hóa trở thành các ngành có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc gia; tạo ra các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu và lợi thế cạnh tranh nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg (Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030). Trong đó mục tiêu cụ thể là phấn đấu doanh thu của 5 ngành công nghiệp văn hóa có đóng góp quan trọng vào kết quả 7% GDP của các ngành công nghiệp văn hóa và tiếp tục tạo thêm việc làm cho xã hội theo mục tiêu đề ra đến năm 2030…

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm lộ trình đối với 5 ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Các ý kiến góp ý cho Dự thảo Đề án

Tại buổi làm việc, Ban soạn thảo, đại diện các đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Đề án đã đưa ra những góp ý thẳng thắn, thiết thực và tâm huyết.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt ghi nhận nỗ lực của Ban soạn thảo và đề nghị các đơn vị liên quan rà soát lại nội dung, nếu còn thiếu thì bổ sung trong điều kiện có thể. Cùng với đó cần lấy một mốc thời gian đột phá. Bên cạnh tập trung vào 5 ngành đột phá kể trên cũng cần khảo sát và có cái nhìn tổng thể các ngành còn lại. Ban soạn thảo tiếp tục lắng nghe, lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện Dự thảo và thực hiện các bước tiếp theo theo đúng thời gian và quy định - Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh./.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ