• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam

14/05/2010 09:15

(Cinet)-Tuy quy mô còn khiêm tốn, nhưng trên thực tế, công nghiệp văn hoá ở Việt Nam đã được hình thành và đang ngày càng phát triển dưới sự quản lý của Nhà nước.

(Cinet)-Tuy quy mô còn khiêm tốn, nhưng trên thực tế, công nghiệp văn hoá ở Việt Nam đã được hình thành và đang ngày càng phát triển dưới sự quản lý của Nhà nước.

Hoạt động quảng cáo mở rộng với tốc độ nhanh, đạt 20 đến 30%/năm.Hoạt động quảng cáo mở rộng với tốc độ nhanh, đạt 20 đến 30%/năm.

Theo định nghĩa của UNESCO, công nghiệp văn hoá là các ngành công nghiệp “kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hoá các nội dung vô hình hay hữu hình”. Đặc tính quan trọng của các ngành công nghiệp văn hoá là chúng tập trung vào việc phát huy và gìn giữ tính đa dạng văn hoá, bảo đảm tính dân chủ trong tiếp cận văn hoá.

Kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, nhận thức đối với văn hoá đã có những thay đổi đáng kể. Một mặt chúng ta chú ý đến việc phát huy những giá trị tinh thần văn hoá cao đẹp, mặt khác xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc phải thích ứng với yêu cầu của nền kinh tế thị trường.

Theo TS. Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL), trong nền kinh tế thị trường thì phần lớn các sản phẩm văn hoá đều trở thành hàng hoá, được bán rộng rãi. Các khâu sản xuất, phân phối, tiêu dùng và lưu thông trên thị trường cũng phải thích nghi với quy luật và quy tắc của nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, cũng theo TS. Nguyễn Văn Tình, ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của phát triển công nghiệp văn hoá, nên hàng loạt vấn đề như: mâu thuẫn giữa các giá trị văn hoá mang tính trừu tượng, định tính với hiệu quả kinh tế mang tính cụ thể, định lượng; mâu thuẫn giữa tính cấp bách của phát triển văn hoá với nhận thức lạc hậu của xã hội đối với công nghiệp văn hoá; mâu thuẫn giữa khả năng tăng trưởng nhanh chóng của tiêu thụ sản phẩm văn hoá với sự lạc hậu của phương thức sản xuất…đã được đặt ra.

Trước thực tế ấy, các nhà quản lý văn hoá Việt Nam đã xác định: xây dựng công nghiệp văn hoá là tiến hành xây dựng văn hoá trong một bối cảnh mới, là sử dụng điều kiện thuận lợi của cơ chế thị trường, công nghệ, kỹ thuật cao tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của sự nghiệp văn hoá ở Việt Nam.

Phát triển văn hoá thích ứng sự phát triển của xã hội đòi hỏi cần có cơ chế công nghiệp, tận dụng cơ chế công nghiệp và thông qua thị trường để phát huy tối đa nguồn tài nguyên văn hoá. Phát triển công nghiệp văn hoá là nhu cầu của việc phát triển kinh tế quốc dân và phát triển xã hội. Do đó, công nghiệp văn hoá có vai trò đáng kể trong việc xây dựng và kiện toàn thể chế văn hoá thích ứng với cơ chế của nền kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp văn hoá là cơ hội để văn hoá Việt Nam tham gia tích cực vào thị trường văn hoá quốc tế, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Theo TS. Nguyễn Văn Tình, văn hoá Việt Nam trở thành một trong 3 trụ cột: Chính trị, kinh tế, văn hoá; đồng thời là “quyền lực mềm” không thể thay thế. Tuy vậy, hiện công nghiệp văn hoá ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Công nghiệp văn hoá ở Việt Nam bao gồm các lĩnh vực: Báo chí, phát thanh, truyền hình, Internet; xuất bản, in, phát hành; điện ảnh, sản xuất phim, phát hành và chiếu bóng; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo; hoạt động kinh doanh thương mại vật tư, thiết bị chuyên ngành văn hoá và các hoạt động dịch vụ văn hoá khác.

Hiện nay ở Việt Nam hệ thống sản xuất, phân phối các sản phẩm văn hoá chủ yếu do nhà nước đảm nhiệm. Các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi chính phủ tham gia các hoạt động công nghiệp văn hoá còn hạn chế.

“Nhìn chung, các doanh nghiệp văn hoá còn nhỏ. Việc đầu tư cho các hoạt động văn hoá còn thấp so với các ngành khác, hiện chiếm khoảng 0,3% GDP”- Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết.

Trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, Internet: Hiện cả nước có trên 700 tờ báo, tạp chí, 66 đài phát thanh- truyền hình đều do nhà nước quản lý.

Tương tự như vậy, trong lĩnh vực xuất bản, in ấn, phát hành: hiện ở Việt Nam chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản.

Tư nhân tham gia các hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu thông qua các hình thức liên kết…

Từ khi Luật Điện ảnh ra đời, nhiều hãng phim nhà nước chuyển sang mô hình doanh nghiệp và một số doanh nghiệp tư nhân được thành lập. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, tranh thiết bị hạn chế… nên các hãng phim nhà nước dù chuyển đổi hình thức hoạt động vẫn chủ yếu sống dựa vào đơn đặt hàng của nhà nước.

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, ngoài 129 đơn vị do Nhà nước quản lý, có gần 200 ban, nhóm nghệ thuật tư nhân với hơn 150 CLB nghệ thuật hoạt động chủ yếu tại Hà Nội và tp.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhiều đơn vị còn mang tính thương mại tạo ra những tác phẩm thiếu chất lượng; đội ngũ sáng tác, đạo diễn, diễn viên trẻ tài năng thiếu trầm trọng; trình độ quản lý chưa thích ứng với cơ chế thị trường trong khi đó vẫn nạn sao chép, vi phạm bản quyền tăng cao…

Trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo: Thị trường tranh phát triển khá phong phú, nhưng chủ yếu là tự phát. Trong khi đó, hoạt động quảng cáo mở rộng với tốc độ nhanh, đạt 20 đến 30%/năm. Dù vậy, tính chuyên nghiệp cũng chưa thực sự cao.

TS. Nguyễn Văn Tình, đánh giá: Nhìn chung trong những năm vừa qua, nhà nước đã đầu tư mọi lĩnh vực trong ngành văn hoá. Nhưng, sự đầu tư ấy còn thấp so với nhu cầu.

TS. Lương Hồng Quang (Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam) cho biết, trong bảng thống kê cơ cấu tổng sản phẩm trong nước theo thực giá chi theo ngành kinh tế, các hoạt động văn hoá và thể thao chỉ chiếm 0,55% năm 1995 và năm 2008 tụt xuống còn 0,44%.

“Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam mới chỉ những bước đi ban đầu, sơ khai”-TS. Lương Hồng Quang nhận định.

Các chuyên gia văn hoá đã nhận định, để xây dựng một nền công nghiệp văn hoá, Việt Nam cần có những bước đột phá từ tư duy đến thực tiễn.

5 việc mà TS. Nguyễn Văn Tình chỉ ra là: Đổi mới tư duy xây dựng quan niệm mới về công nghiệp văn hoá; Tạo sự chuyển biến về hệ thống chính sách và cơ chế quản lý văn hoá khoa học; có chiến lược xây dựng công nghiệp văn hoá; Đẩy nhanh cải cách các đơn vị văn hoá và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Cụ thể hơn, TS.Lương Hồng Quang đề xuất hướng phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam trên cơ sở làm tốt các công tác: Cải cách các thể chế, chính sách phù hợp; Đào tạo người sáng tạo; xây dựng các kỹ năng quản trị hiện đại cho các tổ chức nghệ thuật và nghệ sỹ’ Giáo dục nghệ thuật và sự phát triển sáng tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế.

 

TV

NỔI BẬT TRANG CHỦ