• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển du lịch di sản bền vững: Bài học kinh nghiệm từ Ấn Độ

Du lịch 14/08/2019 10:17

(Tổ Quốc) - Ấn Độ luôn tự hào về các di sản văn hoá phong phú và đa dạng của mình. Chính vì vậy, các sản phẩm du lịch liên quan tới văn hoá luôn đóng một vai trò quan trọng tại quốc gia châu Á này.

Chính phủ Ấn Độ hiểu rõ tầm quan trọng của du lịch trong nền kinh tế, đặc biệt là vai trò của du lịch di sản. Bất kỳ chính sách nào hướng tới phát triển du lịch di sản đều liên quan tới thiết lập các sản phẩm và trải nghiệm, phát triển hạ tầng cơ sở, marketing và bảo vệ. Các cơ quan khác nhau của Chính phủ ở cấp độ trung ương như Bộ Du lịch, Bộ Văn hoá và Bộ các vấn đề nhà cửa & đô thị - đều triển khai các bước chủ động, tích cực trong lĩnh vực này. Họ đã đưa ra nhiều chính sách, chiến lược hiệu quả dành cho du lịch di sản tại Ấn Độ.

19

Ảnh minh họa. Nguồn: Sanskriti

MỘT SỐ KẾ HOẠCH VÀ CHÍNH SÁCH ĐÁNG CHÚ Ý NHƯ SAU:

KẾ HOẠCH HRIDAY

Năm 2015, Bộ các vấn đề nhà cửa & đô thị, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai kế hoạch Phát triển và mở rộng thành phố di sản quốc gia Yojana (HRIDAY) nhằm phát triển các thành phố một cách toàn diện.

Mục tiêu của kế hoạch là: "Bảo tồn và hồi sinh linh hồn của thành phố di sản, nhằm thể hiện đặc điểm độc đáo của thành phố thông qua việc khuyến khích nét hấp dẫn về mặt thẩm mỹ, khả năng dễ tiếp cận, môi trường thông tin phong phú và an ninh. Để thực thiện các chiến lược và kế hoạch phát triển thành phố di sản, với mục đích cải thiện toàn bộ môi trường sống, bên cạnh tập trung vào các vấn đề cụ thể bao gồm vệ sinh, an ninh, du lịch, tái hồi sinh di sản và sức sống; từ đó duy trì bản sắc văn hoá của thành phố".

Kể từ khi bắt đầu kế hoạch trên, tổng cộng đã có 4,23 tỷ rupi được phân bổ cho 77 dự án. Kế hoạch được triển khai ở 12 thành phố là Ajmer, Amaravati, Amritsar, Badami, Dwarka, Gây, Kanchipuram, Mathura, Puri, Varanasi, Velankanni và Warangal.

Ưu tiên của kế hoạch là phát triển cơ sở hạ tầng và tái hồi sinh hạ tầng đô thị xung quanh các khu vực di sản được Bộ Văn hoá, Chính phủ Ấn Độ và chính quyền địa phương xác định. Các sáng kiến bao gồm phát triển nguồn nước, vệ sinh, quản lý rác thải, đường xá, đường đi lại, đèn đường, hạ tầng du lịch, đường điện, các dịch vụ phục vụ cho người dân…

KẾ HOẠCH SWADESH DARSHAN

Swadesh Darshan là một trong những kế hoạch quan trọng nhất của Bộ Du lịch Ấn Độ. Mục tiêu là tập trung vào phát triển chất lượng hạ tầng cơ sở nhằm đem tới các trải nghiệm, hạ tầng tốt hơn, phục vụ du khách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế liên quan. Kế hoạch được thực hiện trong giai đoạn 2014-2015 với 74 dự án có tổng số tiền đầu tư là 59,87 tỷ rupi.

28

Ảnh minh họa. Nguồn: Sanskriti

Kế hoạch không chỉ giới hạn ở lĩnh vực du lịch di sản mà còn có quy mô rộng hơn. Về cơ bản là phát triển du lịch theo kế hoạch dựa trên 13 chủ đề khác nhau bao gồm: phật giáo, ven biển, sa mạc, sinh thái, di sản, Himalaya, Krishna, Đông Bắc, Ramayana, nông thôn, tâm linh, Sufi, Tirthankar, thiểu số, hoang dã. 

Phát triển khu vực di sản tại Rajasthan, Telengana, Uttarakhand, Puducherry, Punjab, Vahnagar-Modehera-Patan, Uttar Pradesh, Madhyra Pradesh, Gujarat, Assam… là các dự án theo chủ đề "Di sản du lịch". Một số chủ đề khác cũng bao gồm yếu tố di sản. Ví dụ, chủ đề phật giáo liên quan tới các di tích, tượng đài…; trong khi chủ đề nông thôn tạo tiền đề cho phát triển nhiều sản phẩm di sản văn hoá phi vật thể.

"5 năm qua được coi là một thước đo cho Du lịch Trải nghiệm và các di sản thế giới tại Ấn Độ… trong việc hấp dẫn du khách quốc tế. Trong thực tế, gần 85% du khách tới Ấn Độ đều tới thăm một hoặc nhiều hơn các di tích, di sản của đất nước,  dù là phục vụ cho mục đích tham quan hay công việc.

Du lịch di sản tại Ấn Độ có tiềm năng vô cùng lớn… Tuy vậy, thách thức mà Ấn Độ phải đối mặt cũng rất nặng nề, đặc biệt là trong vấn đề bảo tồn và bảo vệ môi trường…

Nhu cầu cấp bách hiện nay là có một tầm nhìn rõ ràng và một kế hoạch có tính thực tiễn cao, trong đó đã tính đến tất cả những điểm mạnh - điểm yếu của chúng ta và sự liên quan của cộng đồng tới các mục tiêu phát triển bền vững, đem tới bảo tồn, tăng trưởng, không khí sạch, nước sạch, năng lượng và di sản…" Pronab Sarkar, Chủ tịch Hiệp hội điều hành tour Ấn Độ (IATO) cho biết.

CHƯƠNG TRÌNH TIẾP NHẬN MỘT DI SẢN

Đây là một nỗ lực hợp tác giữa Bộ Du lịch, Bộ Văn hoá cùng một số ban ngành liên quan, và được bắt đầu triển khai từ năm 2017. Chương trình nhắm kết hợp tất cả những mục tiêu của các cơ quan Chính phủ Ấn Độ, từ đó thiết lập một nền tảng cho những công ty tham gia vào việc hoàn thành và hiện thực hoá các mục tiêu trên.

Cụ thể hơn, chương trình hướng tới kêu gọi các công ty sử dụng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CRS) vào phát triển du lịch di sản Ấn Độ. Chương trình khuyến khích các công ty nhà nước/tư nhân và các cá nhân "tiếp nhận" một di sản và góp phần khiến du lịch tại di sản đó trở nên bền vững hơn thông qua phát triển, điều hành và duy trì hạ tầng cơ sở du lịch chất lượng cao.

22

Ảnh minh họa. Nguồn: Sanskriti

CÁC MỤC TIÊU CHÍNH CỦA CHƯƠNG TRÌNH BAO GỒM:

•           Phát triển hạ tầng cơ sở du lịch cơ bản.

•           Quảng bá giá trị văn hoá và di sản, giúp sinh kế tại khu vực.

•           Mở rộng nét hấp dẫn du lịch theo cách bền vững thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng thế giới tại các khu vực di sản.

•           Tạo việc làm thông qua việc kêu gọi sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư địa phương.

•           Phát triển hạ tầng du lịch bền vững và đảm bảo vận hành - duy trì phù hợp.

Chương trình này đã và đang nhận được những phản hồi tích cực. "Tiếp nhận di sản" là dự án phi lợi nhuận và là một phần của phát triển du lịch có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, hầu hết các chính quyền bang của Ấn Độ đều có những chính sách du lịch riêng nhằm thu hút đầu tư. Một số bang đã nhận ra tiềm năng của du lịch di sản, từ đó ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực du lịch này và xây dựng các chính sách hỗ trợ.

TRƯỜNG HỢP MINH HOẠ: DỰ ÁN SANSKRITI - BANG ANDHRA PRADESH

Andhra Pradesh là bang có lượng khách du lịch nội địa cao thứ ba của Ấn Độ. Điểm đến của hầu hết du khách tới bang chính là Đền Tirumala Sri Venkateswara Swamy - một trong những điểm du lịch tôn giáo nổi tiếng nhất của đất nước. Đúng với thói quen du lịch tôn giáo tại Ấn Độ, các du khách thường chỉ ở lại điểm du lịch này từ 1-2 ngày.

Trong bối cảnh này, Andhra Pradesh đã triển khai Dự án Sanskriti - một hình mẫu du lịch nông thôn độc đáo, tập trung vào nghệ thuật và thủ công của bang. Ý tưởng là cuộc sống làng quê tại Andhra đem lại những trải nghiệm đa dạng và đáng nhớ. Du khách tham quan bang hoặc có ý định tham quan bang sẽ kéo dài thời gian ở lại của mình khi họ có nhiều lựa chọn hơn để khám phá những nét độc đáo của Andhra Pradesh.

Theo mô hình, bốn xã đã được lựa chọn, trong đó, mỗi xã bao gồm ba làng với địa điểm gần với các khu vực có nhiều khách du lịch. Mỗi ngôi làng có những nét độc đáo riêng biệt, không trùng lặp như thủ công, ẩm thực, trang trại, di sản…

Dự án có 5 khía cạnh và được triển khai trong vòng 18 tháng như sau:

•     Định hướng cho cộng đồng làng: Thông qua một loạt các cuộc gặp gỡ, cộng đồng nghệ nhân được giải thích về tầm quan trọng và tiềm năng du lịch, giúp gia tăng sinh kế. Những người đứng đầu cộng đồng được đưa tới tham quan và học tập các mô hình tương tự ở những địa phương khác. Các uỷ ban được thành lập để đảm bảo cho dự án được hoạt động trơn tru và thuận tiện.

•      Đào tạo dân làng: Người dân được đào tạo các kỹ năng cần thiết cho du lịch như hướng dẫn du lịch, nấu ăn, homestay, an toàn sức khoẻ…

•    Định hướng trải nghiệm: Các chương trình tham quan một ngày và hai ngày được xây dựng, với hướng tập trung rõ ràng vào nghệ thuật - thủ công và cuộc sống nông thôn.

•      Phát triển hạ tầng cơ sở: Các hạ tầng cơ sở cơ bản phục vụ cho khách du lịch được phát triển.

•      Quảng bá và marketing: Các chương trình và trải nghiệm tham quan được quảng bá rộng rãi qua nhiều kênh và hoạt động khác nhau.

•     Dự án trên được đánh giá là một trường hợp minh hoạ kinh điển của du lịch bền vững, trong đó đã hội tụ được các nguyên tắc như phát triển kinh tế; thịnh vượng cho địa phương; công bằng xã hội; đáp ứng kỳ vọng của du khách; lợi ích cho cộng đồng; đa dạng văn hoá…

"Ấn Độ là một đất nước có nền văn hoá và di sản phong phú. Tiềm năng du lịch di sản dẫn tới phát triển du lịch trong nước tại Ấn Độ, gần đây mới được phát hiện. Chính quyền trung ương và các chính quyền bang đang triển khai các bước đi thích hợp để phát triển du lịch di sản thông qua nhiều chiến lược, kế hoạch và chính sách khác nhau.

Chúng tôi đã thực hiện nhiều sáng kiến để phát triển du lịch di sản tại bang Andhra Pradesh. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh phát triển toàn diện tại tất cả các di sản nổi bật của chúng tôi thông qua những chương trình do nhà nước và địa phương hỗ trợ. Chúng tôi đang quảng bá các điểm đến ít được biết tới hơn bằng cách đưa chúng vào guồng quay của du lịch…",  Mukesh Kumar Meena, Bộ trưởng Du lịch và văn hoá, bang Andhra Pradesh cho biết.


Lan Phương (Lược dịch theo Culturalindian)

NỔI BẬT TRANG CHỦ