(Tổ Quốc) - Phó Vụ trưởng Vụ lữ hành Nguyễn Đạo Dũng khẳng định, phát triển du lịch nông thôn là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông thôn rất đa dạng, phong phú và đặc sắc
Tại Hội nghị Giải pháp phát triển và Xúc tiến đầu tư: Bất động sản Du lịch Nông Nghiệp Việt Nam do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Tổng cục Du lịch chỉ đạo tổ chức vừa diễn ra ngày 25/5, ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng, Việt Nam là đất nước có nguồn tài nguyên nông nghiệp, nông thôn phong phú mà không cần phải đầu tư nhiều. Với diện tích đất nông nghiệp chiếm tới gần 85%, trải dài khắp các địa phương, vùng miền, điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng, tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông thôn hiện nay rất đa dạng, phong phú và đặc sắc.
Bên cạnh đó còn có các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc anh em rất bản sắc… người dân nông thôn luôn cởi mở, thân thiện, chân tình. Đây là tiền đề rất quan trọng để phát sản phẩm du lịch gắn với nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Đạo Dũng nhấn mạnh, phát triển du lịch nông thôn là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã xác định phát triển du lịch nông thôn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời tạo cơ hội cho cộng đồng nông thôn giữ gìn di sản, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thiên nhiên và môi trường sống bền vững, lần đầu tiên đưa phát triển du lịch nông thôn triển khai có ở quy mô quốc gia, được bố trí nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, được hỗ trợ đồng bộ về cơ chế, chính sách.
Việc triển khai Chương trình đồng bộ, hiệu quả với kỳ vọng tạo ra bước ngoặt, sự chuyển biến tích cực cho phát triển du lịch nông thôn, thực sự trở thành động lực góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững khu vực nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo đó, tại quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề. Với vai trò quan trọng và những đóng góp tích cực cho khu vực nông thôn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, du lịch nông thôn nói riêng được coi như động lực để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, đặc biệt là tại các địa phương có tiềm năng du lịch.
Theo ông Nguyễn Đạo Dũng, đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới đã thay nhu cầu của khách du lịch về các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến. Xu hướng phát triển du lịch xanh, thân thiện với môi trường, trải nghiệm văn hóa bản địa ngày càng được quan tâm. Du khách có xu hướng đi theo gia đình, nhóm nhỏ, mong muốn được tăng cường các trải nghiệm mới, đồng thời tìm kiếm các điểm du lịch có không gian, dễ tiếp cận và an toàn. Các tiêu chí này hoàn toàn phù hợp với các điểm đến du lịch nông thôn vốn có đặc trưng với không gian rộng rãi, trong lành, các hoạt động trải nghiệm gần gũi thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa bản địa.
Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gắn với các thị trường mục tiêu
Phó Vụ trưởng Vụ lữ hành cho biết, đến hết năm 2022, cả nước đang có 580 điểm du lịch được công nhận, và gần 1500 điểm du lịch khác đang hoạt động khai thác, trong đó có khoảng 70% điểm du lịch tại khu vực nông thôn, khai thác đặc trưng đời sống, canh tác, văn hóa nông nghiệp. Đây là những một tiềm năng vô cùng lớn, cần có sự khai thác hiệu quả và chỉ đạo, định hướng đúng đắn để phát triển du lịch nông thôn bền vững, nâng cao đời sống cho chính cộng đồng cư dân và phát triển kinh tế địa phương.
Để phát triển du lịch nông thôn bền vững, tận dụng các tiềm năng, cơ hội, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và môi trường sinh thái, du lịch nông thôn, theo ông Nguyễn Đạo Dũng, cần tập trung phát triển du lịch tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, khai thác thế mạnh nổi trội của khu vực nông thôn, tránh tình trạng phát triển theo phong trào; ưu tiên đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn đồng bộ và hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong sự kết nối được với các tuyến điểm du lịch trên địa bàn, trong vùng và với các trung tâm du lịch và thị trường nguồn khách.
Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, đa dạng tính trải nghiệm, các sản phẩm mới… Nâng cao chất lượng của đội ngũ lao động du lịch nông thôn, cải thiện kỹ năng phục vụ, quản trị, năng lực tự chủ và thích ứng với yêu cầu mới về chuyển đổi số và định hướng thị trường để đáp ứng nhu cầu phát triển và hướng tới nhu cầu riêng biệt của các nhóm khách mục tiêu.
Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gắn với các thị trường mục tiêu, trong đó có thị trường khách du lịch nội địa. Hiện nay, nhiều điểm du lịch nông thôn có dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao, có sự kết nối với các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,… luôn duy trì được lượng khách cao, doanh thu tốt, trong đó phần lớn là khách du lịch nội địa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường để thu hút khách du lịch về nông thôn.
Đồng thời, hướng tới tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại khu vực nông thôn, hướng tới thị trường khách có khả năng chi tiêu cao. Chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan của khu vực nông thôn nhằm cung cấp đa dạng trải nghiệm cho du khách.
Thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích
Cũng tại Hội nghị Giải pháp phát triển và Xúc tiến đầu tư: Bất động sản Du lịch Nông Nghiệp Việt Nam, nhiều chuyên gia nghiên cứu đã phân tích kỹ lưỡng và chia sẻ thông tin liên quan đến các vấn đề xoay quanh chính sách của Chính phủ, địa phương, pháp lý và cơ hội đầu tư cho phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam.
Trong đó, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, chính sách phát triển du lịch nông nghiệp được Chính phủ quan tâm đã tạo động lực cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, những loại hình du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược quy củ, bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác. Một trong những nguyên nhân là do thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tham gia phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và giữ chân du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp
Còn theo ông Nguyễn Văn Chung, Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trong nông nghiệp là hết sức cần thiết. Ngày 24/5/2022 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Ngày 21/6/2022, Văn phòng Chính phủ có Văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng ý. Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại như trên, khi được Chính phủ ban hành sẽ tháo gỡ khó khăn cho cả chủ trang trại và cơ quan quản lý nhà nước; tạo hành lang pháp lý để kinh tế trang trại phát triển.