• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển kinh tế nhờ giữ nghề đúc đồng hàng trăm năm tuổi

Kinh tế 06/12/2023 07:53

(Tổ Quốc) - Nhiều người dân tại làng nghề đúc đồng truyền thống Huế có công ăn việc làm, thu nhập ổn định nhờ giữ gìn và phát triển nghề đúc đồng đã có từ hàng trăm năm.

Làng nghề làm ra "Bảo vật quốc gia"

Đúc đồng là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, làng nghề đúc đồng hiện nằm ở ven bờ Nam sông Hương, trên địa bàn phường Phường Đúc và một phần của phường Thủy Xuân, TP Huế.

Theo tìm hiểu, làng trước đây có nguồn gốc từ tổ chức của những thợ thuyền cùng nghề đúc dưới thời Chúa Nguyễn vào đầu thế kỷ 17. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn - Kinh Nhơn, thủy tổ của nghề này là cụ Nguyễn Văn Lương, quê làng Đồng Xá, Siêu Loại (Bắc Ninh ngày nay). Khi xây dựng Huế thành kinh đô, các Chúa Nguyễn đã trưng tập thợ khéo cả nước về đây làm những công trình, vật dụng phục vụ nhu cầu của cung đình. Qua hơn 300 năm hình thành, phát triển với những thăng trầm của lịch sử, đến nay nghề đúc đồng tại làng vẫn giữ được thương hiệu và là công việc mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân.

Phát triển kinh tế nhờ giữ nghề đúc đồng hàng trăm năm tuổi - Ảnh 1.

Bảo vật quốc gia "Cửu Đỉnh" trước Thế Miếu (Đại Nội Huế) là một sản phẩm của làng nghề đúc đồng Huế.

Tên tuổi của làng nghề đúc đồng truyền thống Huế được nhắc đến với những tác phẩm đã trở thành kiệt tác di sản văn hóa vật thể kinh thành Huế như: Vạc đồng ở Đại Nội (1631-1684); Chuông chùa Thiên Mụ (1710); Cửu Vị Thần Công đặt trước Ngọ Môn (1803-1804); Cửu Đỉnh đặt trước Thế Miếu (1835-1837); Chuông chùa Diệu Đế (1846) cùng rất nhiều các vật dụng thờ cúng bằng đồng "từ trong cung ra ngoài nội" ở Huế. Nhiều tác phẩm trong số này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Các nghệ nhân tại làng nghề hiện nay cũng tài hoa không kém những thế hệ đi trước. Nhiều sản phẩm đã cho thấy được trình độ, sự phát triển liên tục ở đỉnh cao của kỹ thuật và nghệ thuật đúc đồng tại làng nghề như: tượng Trần Hưng Đạo cao 10,2m, nặng 21,6 tấn đặt tại quảng trường 3/2 (TP Nam Định); tượng Như Lai cao 4,3m đặt tại chùa Kim Thành (Gia Lai); tượng Hồ Chí Minh tại làng Kim Liên (Nghệ An) và TP Huế; Trống đồng đặt tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định)...

Phát triển kinh tế nhờ giữ nghề đúc đồng hàng trăm năm tuổi - Ảnh 2.

Các sản phẩm của làng nghề đúc đồng truyền thống Huế được yêu chuộng bởi sự độc đáo và tinh xảo qua bàn tay của những người thợ có nhiều kinh nghiệm.

Ngoài các sản phẩm truyền thống đặc trưng, làng đúc đồng truyền thống Huế còn sản xuất ra các sản phẩm lưu niệm tinh xảo để phục vụ người yêu văn hóa trưng bày và khách du lịch như: tượng danh nhân, trống đồng, bình hoa, các biểu tượng văn hóa tiêu biểu của Huế và đất nước.

Ổn định kinh tế nhờ giữ nghề

Theo các nghệ nhân tại làng nghề truyền thống Huế, để làm nên một sản phẩm đúc đồng phải trải qua nhiều công đoạn rất vất vả như: Sú đất, nặn khuôn, giáp khuôn, chèn khuôn, bố khuôn để đưa vào lò. Sau đó là nung khuôn, pha chế hợp kim, nấu chảy đồng rồi ra cơi, rót khuôn, làm nguội, đánh bóng, nhuộm sản phẩm… Mỗi công đoạn đều quan trọng như nhau, không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ mà cần cả sự cần cù, chịu khó của người làm thợ. Có những sản phẩm làm ra rất kỳ công, để hoàn thiện phải mất hàng tháng trời với hàng chục nhân lực tham gia chế tác.

Phát triển kinh tế nhờ giữ nghề đúc đồng hàng trăm năm tuổi - Ảnh 3.

Một nghệ nhân tại làng nghề truyền thống đúc đồng Huế đang chế tác chuông đồng kích thước lớn.

Bằng bí quyết riêng biệt mang thương hiệu hàng trăm năm, những sản phẩm làm ra dưới bàn tay của các nghệ nhân tại làng nghề đúc đồng Huế có giá trị cao về chất lượng, nghệ thuật. Nhiều sản phẩm ra lò được người tiêu dùng yêu mến, đón nhận. "Tiếng lành, đồn xa" nên cũng có không ít cá nhân, đơn vị lặn lội từ xa tìm đến Huế để "đặt hàng" cho các nghệ nhân.

Với những giá trị về văn hóa và lịch sử, năm 2013, làng nghề đúc đồng Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là Làng nghề truyền thống theo Quyết định 725/QĐ-UBND. Đến nay, tại làng nghề có 9 nghệ nhân trong đó có 1 nghệ nhân nhân dân, 3 nghệ nhân ưu tú, 5 nghệ nhân Thừa Thiên Huế.

Theo UBND thành phố Huế, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát triển làng nghề đúc đồng truyền thống Huế luôn nhận sự quan tâm của các cấp chính quyền. Các cơ sở, HTX, doanh nghiệp, hội nghề đúc Huế tại làng nghề đã được hỗ trợ đào tạo nghề, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào gia công sản phẩm đúc. Sản phẩm đúc đồng Huế cũng được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể.

Phát triển kinh tế nhờ giữ nghề đúc đồng hàng trăm năm tuổi - Ảnh 4.

Nhiều người dân tại làng nghề đúc đồng truyền thống Huế có công ăn việc làm, thu nhập ổn định nhờ giữ gìn và phát triển nghề.

Ngoài ra, các cơ sở cũng được vận động tham gia các Hội chợ triển lãm, Festival nghề truyền thống Huế; tham gia các cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm do thành phố Huế cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Qua đó, đã giúp quảng bá rộng rãi hơn nữa thương hiệu của làng nghề đúc đồng truyền thống Huế đến với mọi người.

Hiện tại, làng nghề đúc đồng truyền thống Huế có 32 cơ sở sản xuất, trong đó có 1 HTX, 3 công ty, 28 cơ sở. Số lượng lao động thường xuyên theo thống kê năm 2022 khoảng 120 người; doanh thu năm 2022 ước đạt 40 tỷ đồng. Việc giữ gìn, phát triển làng nghề đúc đồng có tuổi đời hàng trăm năm đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, mang lại mức thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Nhiều cơ sở còn có thêm nguồn thu từ việc phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm.

Phú Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ