• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển làng nghề thành điểm du lịch hấp dẫn

Văn hoá 24/10/2021 15:42

(Tổ Quốc) - Thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13-7-2012 của HĐND thành phố về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, làng nghề Vạn Phúc đã và đang hướng đến là một thị trường mua sắm nổi tiếng đồng thời là điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.

Làng nghề nghìn năm

Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Là một trong hơn 1.000 làng nghề truyền thống đã và đang tồn tại ở Việt Nam, song ít có làng nào có truyền thống văn hóa lịch sử đẹp như làng lụa Vạn Phúc.

Phát triển làng nghề thành điểm du lịch hấp dẫn - Ảnh 1.

Làng nghề Vạn Phúc có hơn 1000 năm truyền thống

Qua các thư tịch cổ cho thấy, mảnh đất Vạn Phúc ngày nay đã được hình thành phát triển từ năm 865 sau Công nguyên. Thủa ấy, trong một lần đi kinh lý trên sông, khi đậu thuyền sát bên dòng sông Nhuệ, Cao Biền phải thốt lên: “Đất Vạn Bảo (tức Vạn Phúc) núi sông uốn khúc, long hổ ôm quanh, hai bên hai giếng nước nuôi dưỡng tụ khí rồng xanh. Đây thật là cảnh thanh nhàn”. Bà Lã Thị Nga – vợ của Cao Biền – thấy vùng đất này thơ mộng đã về ngụ tại đây, bà dạy dân cách làm ăn. Khi và qua đời, nhớ ơn công đức của bà, dân Vạn Bảo đã tôn bà làm Thành hoàng làng và lập miếu thờ. Tuy nhiên, một số tài liệu và hiện vật cổ còn giữ lại cho thấy, nghề dệt ở Vạn Phúc ra đời cách đây khoảng 1.000 năm, vào khoảng thế kỷ XIII. Vì thế, bà Lã Thị Nga chưa hẳn là vị tổ nghề như nhiều người từng nói, nhưng bà chính là người có công khuyến khích nhân dân duy trì và phát triển làng nghề, đưa nghề dệt trở thành nghề truyền thống ở Vạn Phúc.

Lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các đời vua nhà Nguyễn, từ vua Khải Định đến vua Bảo Đại đều sai sứ thần ra tận Vạn Phúc mua sa, gấm đem về dùng.

Lụa Vạn Phúc cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nội, thường được nhắc đến trong thơ ca xưa.

“The La, lĩnh Bởi, chồi Phùng

Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn.”

Từ sản phẩm của một làng, lụa, gấm Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hóa đơn thuần trở thành một sản phẩm của văn hoá, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông, của quê hương Việt Nam.

Phát triển làng nghề thành điểm du lịch hấp dẫn - Ảnh 2.

Lụa Vạn Phúc bền, đẹp, mềm mại, nhẹ nhàng

Lụa Vạn Phúc bền đẹp, khoác tấm áo lên người sẽ thấy mềm mại và nhẹ nhàng. Cái nét đặc sắc và độc đáo ấy chính là nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện, tinh đời của người dân Vạn Phúc. Trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn bao giờ cũng trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát. Trong các loại lụa cổ truyền Vạn Phúc, nổi tiếng nhất có lẽ là lụa Vân, một loại lụa tưởng chừng như đã thất truyền nếu không có sự khôi phục của các nghệ nhân làng nghề.

Nét đặc biệt của lụa Vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung là ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như mẫu Song hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý … khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động.

Bởi vậy, lụa Vạn Phúc không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1938), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp, rất được ưa chuộng tại các nước Pháp, Thái Lan, Indonesia… Từ 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu; từ 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, thu ngoại tệ về cho đất nước.

Phát triển làng nghề thành điểm du lịch hấp dẫn - Ảnh 3.

Tuyến phố sầm uất ở Làng Vạn Phúc

Đưa làng nghề thành điểm du lịch hấp dẫn

Được mệnh danh là “cái nôi” của gấm lụa, sản phẩm chất lượng cao, lịch sử hình thành lâu đời, làng lụa Vạn Phúc nhanh chóng trở thành điểm du lịch làng nghề nổi tiếng giữa Hà Thành.

Tính đến nay, trên địa bàn phường Vạn Phúc có 400 hộ dân tham gia sản xuất lụa và 244 hộ sản xuất tại khu điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề, sản lượng lụa hàng năm đạt 1,7 triệu mét lụa các loại, doanh thu đạt được khoảng 115 tỷ đồng/năm. Ngoài dệt lụa, còn có 150 cửa hàng của các hộ gia đình kinh doanh các mặt hàng liên quan đến lụa. Mỗi năm, Vạn Phúc thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm.

Để phát triển du lịch bền vững, quảng bá sản phẩm, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: khu phố ẩm thực, phố hoa sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm. Ngoài ra, quận Hà Đông và phường Vạn Phúc còn thành lập hợp tác xã Vụn Art, mang lại thu nhập cho người khuyết tật bằng việc tận dụng các mảng vải vụn để ghép tranh lụa xuất khẩu ra nước ngoài.

Nhằm mang đến một môi trường du lịch cộng đồng thân thiện, gần gũi, phường Vạn Phúc thường xuyên tuyên truyền, tổ chức tập huấn về giao tiếp ứng xử cho người dân. Các hộ dân mở cửa hàng trên tuyến phố lụa phải đăng ký gian hàng đạt chuẩn với sở du lịch về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo đảm chất lượng về hàng hóa cho người sử dụng.

Người dân Vạn Phúc luôn ý thức và tự giác trong việc giữ gìn và tạo cảnh quan trên các tuyến phố lụa để tạo một không gian du lịch sạch đẹp- thân thiện, dễ chịu nhất cho du khách. Chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương trong việc quản lý đô thị, một số tuyến đường và khu di tích được chỉnh trang, tạo thoải mái, thuận lợi cho du khách, làm đẹp đô thị.

Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động du lịch và cuộc sống của người dân Vạn Phúc dần trở lại bình thường. Các cơ sở sản xuất, cửa hàng, điểm tham quan ở làng lụa cũng chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch theo quy định và sẵn sàng đón khách trong bối cảnh bình thường mới./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ