(Tổ Quốc) - Thủ tướng cho rằng việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa cần theo hướng chuyên nghiệp, thương mại, phù hợp với bản sắc dân tộc.
Ngày 28/5, trong chương trình công tác tại Hà Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang nhằm đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023, đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh Hà Giang.
Hà Giang có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, môi trường trong lành
Báo cáo của tỉnh Hà Giang và các ý kiến tại cuộc làm việc cho rằng với những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của mình, Hà Giang hoàn toàn có thể phát triển nhanh, xanh, bền vững, là "phên giậu" vững chắc của Tổ quốc.
Hà Giang có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là vùng đất địa đầu, biên cương Tổ quốc.
Về tiềm năng du lịch, Hà Giang có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, môi trường trong lành, nhiều địa điểm đã được biết đến nhiều trong nước, quốc tế như cao nguyên đá Đồng Văn - công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của đất nước; sông Nho Quế, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cổng Trời, núi đôi Quản Bạ, Mã Pì Lèng - một trong "tứ đại đỉnh đèo" đẹp nhất của Việt Nam, cột cờ Lũng Cú... Hà Giang là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á 2023 do World Travel Awards bình chọn.
Con người Hà Giang giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách; văn hóa các dân tộc đặc sắc với nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, nhiều ngành nghề truyền thống, nhiều lễ hội độc đáo, văn hóa ẩm thực các dân tộc phong phú. Tỉnh có có 1 di sản văn hóa, 1 di sản thiên nhiên được UNESCO ghi danh, 31 di tích xếp hạng cấp quốc gia…
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Đưa văn hóa trở thành động lực, nguồn lực nội sinh của phát triển
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hà Giang cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, càng áp lực lại càng nỗ lực bởi "non cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi".
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển; đẩy mạnh triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển.
Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu đổi mới cách thức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, thiết kế quy trình, thủ tục thông thoáng, nhanh chóng.
Thủ tướng đề nghị Hà Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng tiến độ, chất lượng trong quý III/2023 với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, chỉ ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục được các khó khăn, thách thức của địa phương.
Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực). Rà soát các vướng mắc về thể chế và nêu rõ cơ quan, cấp có thẩm quyền giải quyết, xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư.
Đặc biệt chú trọng phát triển, tăng cường hệ thống trường dân tộc nội trú; nghiên cứu xây dựng Trường Đại học Hà Giang đa ngành, đa cấp (đào tạo cả trình độ cao đẳng, trung cấp), đảm bảo tốt nhất việc tiếp cận giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Phát triển đồng bộ, cân bằng, hài hòa giữa các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, đường lối Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa, các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, xây dựng và phát triển văn hóa theo hướng "dân tộc, khoa học, đại chúng", đưa văn hóa trở thành động lực, nguồn lực nội sinh của phát triển; phát triển văn hóa số, phát huy truyền thống văn hóa của 19 dân tộc trên địa bàn.
Thủ tướng nhắc lại, phát triển văn hóa cũng chính là để góp phần củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa cần theo hướng chuyên nghiệp, thương mại, phù hợp với bản sắc dân tộc.
Hà Giang cần chú trọng đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên cơ sở xây dựng, phát triển các mô hình sinh kế cho người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Thủ tướng yêu cầu Hà Giang phối hợp với các tỉnh miền núi phía bắc để xây dựng, triển khai đề án cụ thể nhằm đẩy mạnh rà phá bom mìn và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đồng thời, giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại với 2 tỉnh biên giới của Trung Quốc; đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu và các hoạt động hợp tác, giao lưu khu vực biên giới.