(Tổ Quốc) - Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo VĐV và tổ chức thi đấu thể thao ở cấp quốc gia là một trong những mục tiêu quan trọng được đề cấp trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, phần lớn hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo vận động viên và tổ chức thi đấu thể thao ở cấp quốc gia được nâng cấp, từng bước hiện đại hóa.
Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đủ 3 công trình thể thao cơ bản (nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi) và 100% đơn vị hành chính cấp xã có thiết chế thể thao hoặc văn hóa, thể thao đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định. Hầu hết các thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khu đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế có ít nhất một thiết chế thể thao hoặc một điểm tập luyện thể dục, thể thao công cộng.
Tới năm 2045, mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia hiện đại, đủ điều kiện đăng cai ASIAD, trong đó ít nhất 50% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu quốc tế; 100% đơn vị hành chính cấp huyện có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định; 100% đơn vị hành chính cấp xã có công trình thể thao; 100% trường học trong hệ thống giáo dục phổ thông có công trình thể thao.
Xây dựng mạng lưới tổng thể
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, đối với quy hoạch mạng lưới trung tâm đào tạo và huấn luyện thể thao, đây là hệ thống đào tạo nhiều năm, nhiều giai đoạn và cần có sự chung tay, sự phối hợp từ trung ương đến địa phương.
Ngoài 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ) là các trung tâm huấn luyện thể thao vệ tinh đặt tại các địa phương. Cần phối hợp để xây dựng mạng lưới tổng thể trong công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV để hướng tới đạt thành tích tại đấu trường châu lục và thế giới.
Theo báo cáo tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 diễn ra hồi cuối năm 2023 vừa qua, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia vẫn còn đang rất khiêm tốn. Trong đó, Trung tâm HLTTQG Hà Nội chỉ đáp ứng được 50% so với tiêu chuẩn, Trung tâm HLTTQG TP. Hồ Chí Minh là 30%, Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, Cần Thơ còn thiếu một số hạng mục cơ bản như bể bơi, sân đá bóng, đường chạy tiêu chuẩn...
Hiện, ở 4 Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia đang phục vụ tập huấn cùng lúc cho hơn 2.200 VĐV (1.260 đội tuyển và 960 đội tuyển trẻ). So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện đang có một lực lượng VĐV thành tích cao tương đối lớn. Tuy nhiên, về mặt cơ sở vật chất, ngành Thể thao lại đang thiếu các thiết bị hiện đại cả trong tập luyện lẫn hồi phục tại các cơ sở huấn luyện.
"Đối với mạng lưới trung tâm hoạt động thể thao, bao gồm 3 khu liên hợp thể thao quốc gia, mục tiêu để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tầm cỡ quốc tế, ví dụ như SEA Games, ASIAD thì số lượng môn thi đấu khoảng tầm 40 môn, các khu liên hợp thể thao quốc gia chỉ đáp ứng chừng 20 môn, 20 môn còn lại hoặc hơn nữa thì các nhà thi đấu hoặc khu liên hợp thể thao địa phương đáp ứng. Nên việc xây dựng mạng lưới các vệ tinh lân cận đảm bảo cơ sở vật chất, hệ thống tuyển chọn đồng bộ là điều cần thiết hướng tới sự phát triển của Thể thao Việt Nam" - Cục trưởng Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
Phân cấp, phân định trách nhiệm giữa trung ương và địa phương
Dựa trên định hướng phát triển trong thời gian tới, đối với công tác đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, ngành Thể thao đã xây dựng định hướng, kế hoạch, lộ trình để tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và ổn định nguồn kinh phí hoạt động thể thao thành tích cao đến năm 2030.
Trong đó, đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ bảo đảm chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Tiến hành rà soát, phân định địa bàn đào tạo cho các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, phân tích, xác định rõ điều kiện của mỗi Trung tâm để quyết định đối tượng huấn luyện. Hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển các môn thể thao trọng điểm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Giữa trung ương và địa phương sẽ phân cấp, phân định trách nhiệm trong việc phát triển thể thao thành tích cao để đảm bảo tính hệ thống trong việc sử dụng nguồn lực trong việc đào tạo tài năng thể thao. Đồng thời tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư trung hạn để nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất của các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huấn luyện và đào tạo thể thao thành tích cao.
Ông Nguyễn Nam Nhân, Phó Giám đốc Sở VHTT TP. HCM nhận định, mặc dù việc triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Chiến lược tạo cơ hội phát triển ngành kinh tế thể thao, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ thể thao, thiết bị, sự kiện thể thao và thể thao giải trí. Điều này không chỉ tăng trưởng nguồn lực mà còn đóng góp vào GDP của quốc gia.
Trong đó, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề cập đến việc huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích hợp tác công - tư, đây là yếu tố quan trọng để thu hút vốn đầu tư từ tư nhân, tạo nguồn lực bổ sung cho phát triển thể thao trong bối cảnh ngân sách công hạn chế.
"Trong thực tế, phát triển cơ sở hạ tầng thể thao đòi hỏi chi phí lớn cho bảo trì và nâng cấp dài hạn. Việc đảm bảo kinh phí cho những hoạt động này là một thách thức lớn cho tính bền vững của đề án" – ông Nguyễn Nam Nhân nói.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Nam Nhân, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho rằng, mô hình đối tác công – tư là một trong những giải pháp then chốt giúp hoàn thiện mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia.
"Trong Luật Thủ đô 2024, chúng tôi xác định rất rõ mô hình đối tác công-tư (PPP) xây dựng các trung tâm thể thao đẳng cấp quốc tế phục vụ cho các giải đấu lớn ở từng khu vực, địa điểm. Theo đó, quy hoạch chung và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đã được Quốc hội phê duyệt, chúng tôi đã hiện thực hóa vấn đề này cả về đất, chính sách để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Trung ương, Thành phố, quốc tế trên địa bàn thủ đô" – ông Đỗ Đình Hồng nói.