Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh
(Tổ Quốc)- Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phùng Hoàng Anh cho rằng, để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững Thủ đô, cần có một kế hoạch trước mắt và dài hạn, một lộ trình tư duy khoa học, quản lý theo hướng bền vững thì mới mang lại hiệu quả như mong muốn.
Cần có một kế hoạch trước mắt và dài hạn, một lộ trình tư duy khoa học
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nội dung Chỉ thị nêu rõ, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, Đảng bộ Hà Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hóa trong Chương trình công tác lớn của Thành ủy ở nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, được xác định là khâu đột phá của Chương trình số 06-CTr/TU (nhiệm kỳ Đại hội XVII).
Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Tại Chỉ thị này, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội toàn Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm.
Trao đổi về vấn đề này với báo chí, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phùng Hoàng Anh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) cho biết, trong sự nghiệp phát triển văn hóa, vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện được thành phố Hà Nội xác định là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt, góp phần thúc đẩy thành phố ngày càng phát triển hiện đại, văn minh, giàu bản sắc văn hóa và xứng tầm với vị thế Thủ đô trong thời kỳ mới.
Trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long, người Hà Nội đã kết tinh bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, phẩm chất thanh lịch, tinh tế. Đó chính là những giá trị văn hóa góp phần xây dựng nên một Hà Nội được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, trở thành niềm tự hào của cả nước.
Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa, ẩm thực, lễ hội… Tuy nhiên, Hà Nội cũng nhìn nhận, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Điều đó có nguyên nhân khách quan song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Vì vậy, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phùng Hoàng Anh cho rằng, để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững Thủ đô, cần có một kế hoạch trước mắt và dài hạn, một lộ trình tư duy khoa học, quản lý theo hướng bền vững thì mới mang lại hiệu quả như mong muốn.
Thực hiện đồng bộ tất cả giải giáp để có những chuyển biến thực sự
Cùng trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, Chính quyền Thủ đô đặt ra trong nhiều nhiệm kỳ qua.
Vì vậy, việc Hà Nội ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là một hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Hà Nội - mảnh đất là trái tim của Tổ quốc, nơi hội tụ và tỏa sáng những giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời cũng là nơi giữ nhịp đập, điều tiết cho sự phát triển chung của đất nước.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “Nói đến Thủ đô Hà Nội, trong lòng mỗi người con đất Việt đều xúc động, tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, thành phố vì hoà bình, để rồi “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.
"Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chính là để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Thủ đô, cũng như để người Hà Nội trở thành những tấm gương sáng, đẹp đẽ nhất, đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam" - ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Nhấn mạnh về 9 nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nhiệm vụ nào cũng rất quan trọng, và cần thực hiện đồng bộ tất cả giải giáp để có thể có những chuyển biến thực sự. Tuy nhiên, nên bắt đầu từ những việc nhỏ, có thể thực hiện được bởi từng người.
"Chúng ta có thể thực hiện tốt nhiệm vụ: Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. Mỗi công dân Thủ đô trong sinh hoạt, hoạt động đầu tư, cần giữ gìn, có văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, đề cao lòng tự trọng, gìn giữ và lan tỏa chữ “tín” với các đối tác trong và ngoài nước; để Hà Nội trở thành một “đô thị đáng sống”, điểm đến hấp dẫn về lịch sử, văn hóa và con người đối với du khách trong và ngoài nước" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm./.