(Tổ Quốc) - Bị kim khâu đâm vào ngực lúc đang chơi, tuy nhiên phải đến 2 năm sau khi bé H có biểu hiện mệt mỏi, nôn mửa, đau bụng thì người nhà mới đưa vào bệnh viện. Tại đây, các bác sỹ đã phát hiện một đoạn kim dài 4cm đã rỉ sét trong lồng ngực của bé.
Trung tuần tháng 10 vừa qua, Bênh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và phẫu thuật gắp dị vật thành công cho bé N.T.T.H (3 tuổi, Nghệ An), bị kim đâm xuyên lồng ngực. Theo người nhà bệnh nhi, khoảng một tuần trước ngày nhập viện, bé H có biểu hiện mệt mỏi, sốt, nôn, đau bụng.
Chiếc kim khâu đã rỉ sét được lấy ra từ lồng ngực bé gái. |
Khi đi khám ở bệnh viện tỉnh, qua chụp X-quang các bác sỹ tình cờ phát hiện dị vật ở lồng ngực bên phải của cháu bé, nghi là kim khâu. Bệnh nhi được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi và tiếp tục điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ tiến hành chụp X-quang và xác nhận có một chiếc kim dài khoảng 4 cm nằm ở vị trí thành ngực lưng bên phải của bé gái. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật nội soi lấy dị vật ra khỏi lồng ngực của bé.
Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết khi được 1 tuổi, bé Hà từng bị ngã, sau đó xuất hiện sưng tấy vùng lưng. Tại thời điểm đó, bé Hà đã được điều trị nhiễm trùng tại chỗ, vết thương ổn định và không có dấu hiệu bất thường.
Bác sỹ Nguyễn Văn Linh – Phó giám đốc Trung tâm nội soi rôbốt - Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp tham gia phẫu thuật cho biết: “Cây kim khâu bị đâm ở lưng bé Hà đã di chuyển, đi qua lồng ngực, xuyên vào phổi. Từ lồng ngực của bệnh nhi, kíp mổ rút ra một chiếc kim khâu dài khoảng 4 cm đã gỉ sét. Rất may, chiếc kim đã không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cháu bé. Sau 6 ngày phẫu thuật, bé Hà đã ổn định và được ra viện."
Các bác sĩ cảnh báo, người lớn sau khi sử dụng các vật sắc nhọn như kim khâu cần cất chúng vào nơi an toàn, ngoài tầm với của trẻ. Trường hợp biết mình đánh rơi kim cha mẹ cần tìm kiếm kỹ càng, không để kim bị rơi nằm lại trên sàn nhà, gây nguy hiểm cho các bé, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Thế Công