(Tổ Quốc) - Hoạt động mua bán trong phiên chợ này sẽ được thỏa thuận và giao dịch bằng lá cây chứ không phải bằng tiền mặt như bình thường.
Những phiên chợ quê thì có thể chúng ta đã nghe và bắt gặp rất nhiều, tuy nhiên đã bao giờ, bạn nghe thấy phiên chợ giao dịch bằng lá cây?
Đúng nghĩa đen của giao dịch bằng lá, thay vì tiền mặt, mọi người sẽ dùng lá cây để mua tất cả mọi thứ, từ rau, thịt, cá cho đến hoa quả hay các món quà vặt kẹo, bánh, chè, nước giải khát...
Tên gọi đúng của phiên chợ đặc biệt này là chợ Lá, thường diễn ra vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm tại Hòa Thành, Tây Ninh.
Không phải phiên chợ truyền thống từ những thế kỷ trước, chợ Lá bắt đầu được khởi xướng từ năm 2010, bởi một bác sĩ, đó là bác sĩ Bùi Quốc Thái.
Theo thông tin trên báo Tây Ninh, bác sĩ Bùi Quốc Thái là một thầy thuốc Nam, hay làm từ thiện. Ban đầu, ông chỉ khởi xướng ra một phiên chợ nhỏ, kiểu một bữa tiệc "nội bộ", để bạn bè, người thân, hàng xóm, láng giềng, có thể tới giao lưu vào dịp đầu năm mới, chia sẻ những món ngon cho nhau, cùng nhau vui đùa, trò chuyện và giao dịch bằng lá cây.
Ngoài khoản chi phí tự có, bạn bè bác sĩ Thái cùng đóng góp thêm. Ai có gì góp nấy để buổi chợ phong phú thêm về các món đồ ăn, thức uống.
Lâu dần, phiên chợ đặc biệt dần thu hút được sự chú ý của mọi người trong vùng, từ đó qua từng năm, càng ngày càng nhiều người tham gia. Các mặt hàng có ở phiên chợ cũng ngày một đa dạng và phong phú hơn.
Đến nay, quy mô của chợ Lá bao gồm khoảng 20 gian hàng của người bán, nhưng khách tới thăm thì rất đông. Chợ bắt đầu hoạt động từ khoảng 5 giờ sáng, sau 1, 2 tiếng thì vãn dần.
Ý nghĩa của việc dùng lá thay cho tiền
Cũng theo thông tin trên báo Tây Ninh, có một lý do đặc biệt khiến lá là thứ được chọn để thay thế tiền trong phiên chợ này, chứ không phải bất cứ một thứ gì khác.
Một số người dân bản địa cho rằng, tiền thường được gọi vui là phù du, cũng như chiếc lá. Vì vậy ít nhiều tiền gì không quan trọng, miễn là mọi người sống chan hòa, lương thiện, biết quan tâm và yêu thương nhau.
Chợ Lá được tổ chức không chỉ để bà con trao đổi, mua bán hàng hóa, mà còn là dịp gặp gỡ, giao lưu đầu xuân, năm mới.
Với bất kỳ ai từng tham gia phiên chợ Lá Tây Ninh, đều cho đây là một hoạt động thú vị, lành mạnh, vui vẻ và cần được phát huy hơn nữa. Bởi chợ Lá Tây Ninh dần trở thành một nét đẹp văn hoá riêng biệt không dễ đâu có được
Chị Thu Trang, xã Trường Hòa, thị xã Hòa Thành, một người đã tham gia bán hàng ở chợ Lá 5 năm cho biết, bản thân đến chợ không phải để kiếm lời. Chị mang hàng hóa đến để chia sẻ, rồi nhận lại những lời chúc tốt lạnh đầu năm mới, đó chính là niềm vui hoan hỷ của chợ Lá mang lại.
Chị Hồng Nga, một trong những vị khách từng tới chợ Lá để trao đổi hàng hóa cũng chia sẻ, chị từng cùng con trai đến phiên chợ này. Khi muốn mua 1 món hàng, chỉ cần đưa một chiếc lá, lá gì cũng được, rồi nhận được món mình thích với số lượng nho nhỏ để nhường phần cho những người sau nữa. Tất cả mọi người đều rất vui vẻ, không gian xung quanh đông đúc, tấp nập và tràn đầy tiếng cười nói.
Khi mạng xã hội phát triển, những câu chuyện và hình ảnh về phiên chợ Lá mộc mạc, bình dị ở Tây Ninh dần được lan tỏa và được nhiều người biết tới hơn, đặc biệt là các du khách từ những địa phương khác.
Ngoài chợ Lá, ở Tây Ninh cũng có một số địa điểm du lịch nổi bật khác, du khách không nên bỏ lỡ. Có thể kể tới như rừng cao su, núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng hay Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát.
Nếu có dịp ghé thăm mảnh đất vùng Tây Nam Bộ Việt Nam này, đặc biệt là đúng vào dịp tháng Riêng - khoảng thời gian diễn ra Chợ lá, hãy cố gắng sắp xếp thời gian để thử tham gia một lần. Chắc chắn đó sẽ là một trải nghiệm rất độc đáo và thú vị vào dịp đầu năm mới cho bạn và cả gia đình.