• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phiên toà xét xử đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê trở lại làm việc từ ngày 22/1 có gì mới?

Kinh tế 19/01/2018 13:58

(Tổ Quốc) -  Những giải đáp về nguồn tiền, có truy hồi hay không, thiệt hại thực chất thuộc về ai đối với khoản hơn 6.126 tỷ đồng sẽ được tòa án làm rõ trong tuần tới.

Phiên toà xét xử đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê đã kết thúc phiên xét hỏi cuối cùng vào ngày 18/1 và sẽ tiếp tục trở lại làm việc vào 22/1 tới với phần tranh tụng được nhận định là khá căng thẳng.

Phiên xét xử ngày 18/1  (Nguồn: Tri thức trẻ)

Một nội dung đáng chú ý của 2 phiên xử cuối cùng trong phần xét hỏi, là đại diện Ngân hàng Xây dựng (VNCB cũ, nay là CB) chiều ngày 17/1 đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên đòi Sacombank, BIDV và TPBank phải hoàn trả hơn 6.126 tỷ đồng cho ngân hàng CB.

Sáng 18/1, luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho Ngân hàng Sacombank và đại diện TPBank đã đồng loạt lên tiếng trước tòa về việc "đòi tiền" này.

Theo đại diện TPBank, việc ông Phạm Công Danh làm trái, làm mất tài sản thì ông Danh phải chịu trách nhiệm.

Theo nội dung Hội đồng xét xử đã làm rõ những ngày qua thông qua việc xét hỏi các bị cáo và người liên quan thì toàn bộ nguồn tiền vay từ TPBank đã được sử dụng để tăng vốn, trả cho bà Hứa Thị Phấn, nhóm Trần Ngọc Bích, công ty Hải Tiến, trả lãi ngoài và các khoản chi khác, tổng cộng hơn 1.740 tỷ đồng.

Đại diện TPBank dẫn kết luận giám định cho thấy, TPBank không bị thiệt hại, mà thiệt hại thuộc về Ngân hàng Xây dựng. Vì vậy ngân hàng này cho rằng nếu HĐXX phán quyết rằng Ngân hàng Xây dựng bị thiệt hại thì đề nghị HĐXX xem xét thu hồi từ các nguồn tiền được sử dụng nêu trên.

Còn phía Sacombank không bày tỏ quan điểm riêng nhưng đề nghị Ngân hàng Xây dựng giải thích rõ việc tính toán thiệt hại là dựa vào cơ sở nào? Trước câu hỏi này, Ngân hàng Xây dựng cho biết họ dựa vào cáo trạng và kết luận điều tra và việc bồi thường ra sao sẽ do HĐXX quyết định.

Đại diện Sacombank cũng cho biết việc Ngân hàng Xây dựng gửi văn bản đòi tiền các ngân hàng là mới phát sinh sau ngày 4/1, và họ băn khoăn tại sao ngân hàng Xây Dựng lại không tự mình xác định thiệt hại từ trước mà lại phải chờ đến bây giờ?

Trước đó, trong suốt quá trình xét hỏi, các luật sư và các bị cáo đã đề cập nhiều lần đến việc trong số hơn 6.126 tỷ đồng được cho là thiệt hại của Ngân hàng Xây dựng thì có 4.500 tỷ là do các cổ đông nộp vào để tăng vốn từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ.

Tuy nhiên khi không được NHNN chấp thuận cho tăng vốn, thì, theo quan điểm của Ngân hàng Xây dựng, nguồn tiền này đã được hòa vào dòng tiền chung và tiêu hết, và ngân hàng cũng không hạch toán vào khoản nợ phải trả.

Cũng tại phiên xét xử ngày 18/1, hai luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho bà Hứa Thị Phấn đã mở đầu phiên xét xử với phần xét hỏi các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương.

Các luật sư hỏi các bị cáo xoay quanh những tài khoản chuyển tiền cho bà Phấn.  Sau đó, luật sư mời đại diện Ngân hàng Nhà nước lên hỏi là ông Đặng Văn Thảo - phó cơ quan thanh tra NHNN tại VNCB./.

Hà Giang (T/h)

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ