• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phim Tết: Chiếu xong rồi… ‘xếp xó’

Văn hoá 16/02/2012 11:05

(Toquoc)- Phim Tết Việt Nam vẫn được làm đơn thuần chỉ để chiếu Tết. Dù công bố doanh thu đến hàng chục tỷ đồng thì qua dịp Tết, những bộ phim đó không để lại chút ấn tượng gì với người xem và chịu chung số phận “xếp xó”.

(Toquoc)- Phim Tết Việt Nam vẫn được làm đơn thuần chỉ để chiếu Tết. Dù công bố doanh thu đến hàng chục tỷ đồng thì qua dịp Tết, những bộ phim đó không để lại chút ấn tượng gì với người xem và chịu chung số phận “xếp xó”.

Dù trên thế giới vẫn tồn tại hai dòng phim nghệ thuật và phim giải trí, song phải công nhận rằng những bộ phim giải trí của các nước bạn vẫn được cố gắng thực hiện một cách nghệ thuật thì ở Việt Nam, người ta lại cố tình tách bạch hai khái niệm này. Người ta đang bao biện và gắn mác phim giải trí cho những bộ phim tình cảm, hài được làm một cách nhạt nhẽo, thậm chí là cẩu thả. Và mặc nhiên, nhiều bộ phim Việt Nam ra đời đang thỏa mãn nhu cầu giải trí bình dân của khán giả nhưng chẳng đóng góp gì cho sự phát triển của nền điện ảnh. Đặc biệt là những bộ phim Tết.

Cũng như mọi năm, các nhà làm phim Tết lại tiếp tục công bố doanh thu khủng. Trong 5 bộ phim Việt ra rạp mùa Tết này, không phim nào công bố doanh thu dưới chục tỷ. Dẫn đầu là Hello cô Ba 25 tỷ, tiếp theo là Thiên mệnh anh hùng 16 tỷ; Lời nguyền huyết ngảiLệ phí tình yêu không công bố con số cụ thể như cũng “bố cáo” thu hồi vốn sau 10 ngày công chiếu. Đứng cuối bảng 5 bộ phim Tết này là Vũ điệu đường cong.



Phim Tết vẫn được làm theo Mô-típ hài hời hợt để đơn thuần câu khách



Nếu doanh thu nói được lên chất lượng chuyên môn của phim Việt Tết thì đó là điều đáng mừng. Song, tâm lý xem phim dễ dãi, xem cho vui trong dịp lễ Tết đã tạo nên mảnh đất màu mỡ cho kiểu làm phim hài câu khách có cơ hội phát triển.

Hello cô Ba của ông bầu Phước Sang bị giới chuyên môn chỉ trích, chê cười “phim không khác gì một chuỗi tấu hài ghép lại” nhưng lại đứng đầu doanh thu. Và không chỉ năm nay, ông bầu nổi tiếng biết kiếm tiền này, năm nào cũng chỉ làm phim hài, hời hợt, câu khách với những chiêu PR và dàn sao chân dài. Công chùa teen và Ngũ hổ tướng (2010); Thiên sứ 99 (2011) đều công bố doanh thu khủng. Những bộ phim Tết có nét giống nhau ở chỗ, kéo người xem đến rạp, cười rồi quên. Nhiều khi, khán giả không cười vì những tình tiết trong phim mà cười vì sao lại có thể nghĩ ra tình tiết ngớ ngẩn thế.

Lệ phí tình yêu công bố thu hồi vốn sau 10 ngày chiếu. Bộ phim này cũng được kéo dài thời gian ra rạp đến hết tháng 2 và đặc biệt là dịp Valentine vẫn còn kiếm về bộn tiền cho nhà sản xuất và phát hành. Bộ phim cũng theo lối mòn phim Tết của BHD như Cô dâu đại chiến (2010) hay Những nụ hôn rực rỡ (2011).  Tuy nhiên, đây lại là bộ phim kém thu nhất so với hai bộ phim trước. Phải chăng, khán giả đã bắt đầu chán cái motip yêu- giận hờn, hiểu lầm- yêu… Lạm dụng cảnh hôn hít, lạm dụng hình ảnh khoe thân của các diễn viên “hot” như Minh Hằng, Ngọc Quyên…các mâu thuẫn được giải quyết quá nhanh gọn và vô lý, nhiều cảnh gây khó hiểu cho người xem khiến bộ phim chẳng đọng lại điều gì ở khán giả kỹ tính.

Không công bố con số doanh thu, cũng chẳng quảng bá rầm rộ, Vũ điệu đường cong nhận vị trí cuối bảng của 5 bộ phim Tết năm nay. Nếu so sánh cốt chuyện, cách làm phim thì Vũ điệ đường cong là bộ phim được làm cẩn thận hơn hẳn hai bộ phim trên. Tuy nhiên, không có các diễn viên “hot”, không có chiêu trò PR, bộ phim Tết này chỉ xếp vào loại “hài, lãng mạn, xúc động” vừa đủ.

Phim dành cho giải trí dịp Tết không có nghĩa là không cần hướng đến tiêu chí nghệ thuật để chinh phục người xem

Hai bộ phim đáng kể nhất của dịp Tết 2012 là Thiên mệnh anh hùngLời nguyền huyết ngải.

Thiên mệnh anh hùng- bộ phim cổ trang xoay quanh thảm án Lệ Chi Viên khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Các nhân vật lịch sử được đan xen giữa các nhân vật hư cấu tạo nên câu chuyện khá hấp dẫn mang yếu tố thực và ảo. Những phong cảnh đẹp mắt, hình ảnh, phục trang…đều được đầu tư công phu nên không ngạc nhiên khi bộ phim nhận được sự ưu ái của công luận. Có thể nói, Victor Vũ và ê-kíp làm phim đã làm được một bộ phim dã sử tốt nhất trong khả năng hiện có. Doanh thu từ bộ phim mới chỉ đạt được hơn một nửa kinh phí đầu tư song Thiên mệnh anh hùng có thể tiếp tục tăng doanh thu bởi bộ phim có thể chiếu mọi dịp, không chỉ dịp Tết. Đây mới chính là hướng đi bền vững.

Khán giản kéo đến rạp xem Lời nguyền huyết ngải có lẽ bởi cái tên đạo diễn Bùi Thạc Chuyên- được xem là đạo diễn phim nghệ thuật- giờ lại làm phim kinh dị chiếu Tết. Khi mà thể loại hài, kịch, tình cảm đã  “bội thực” trong dịp Tết, thì một bộ phim mang đề tài, phong cách mới mẻ và có chiều sâu như Lời nguyền huyết ngải lại dễ kéo khán giả ra rạp hơn. Và doanh thu 16 tỷ chỉ trong 8 ngày Tết đã cho thấy thành công của Bùi Thạc Chuyên. Dù chưa thực sự nhận được đánh giá cao từ dư luận và giới chuyên môn, nhưng Lời nguyền huyết ngải đã góp phần “đổi món” cho người xem bớt nhàm chán với những bộ phim Tết chỉ thuần phục vụ nhu cầu giải trí.

Nhìn vào thực tế trên dễ dàng có thể nhận thấy phần lớn phim Tết từ nhiều năm nay đã đi theo lối mòn: hài, lãng mạn. Điều này, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn lý giải: “Khán giả ngày Tết vẫn có tâm lý xem phim để cười cho vui. Bởi vậy, các nhà làm phim cứ chiều theo thói quen đó. Rồi dần dần, nhu cầu của khán giả có khác thì các nhà làm phim vẫn quen lối mòn cũ mà không nghĩ rằng, cần thay đổi món, đổi khẩu vị, định hướng thẩm mỹ cho khán giả”.

Mục đích làm phim nói cho cùng vẫn là lợi nhuận. Bởi vậy, có những nhà làm phim chỉ chọn Tết để sản xuất, chỉ làm phim hài với những ngôi sao nhằm thu hút khán giả tới rạp. Chính Bùi Thạc Chuyên cũng thừa nhận: “Ngày Tết, số đông khán giả đến xem phim là để giải trí. Nên, khi đã xác định làm phim giải trí, những người làm phim trong đó có đạo diễn phải chiều lòng số đông khán giả đó”. Tuy nhiên, đạo diễn cũng thừa nhận, không phải cứ hài, cứ giải trí là làm cẩu thả, dễ dãi. Điều này phụ thuộc vào tự trọng của đạo diễn.

Chính vì cách làm phim dễ dãi, ăn xổi theo mùa mà những bộ phim Tết hiện nay dù công bố mức doanh thu thuộc hàng “khủng” thì vẫn không nằm ngoài quy luật: chiếu xong rồi… xếp xó, không để lại dấu ấn nào trong lòng khán giả và dư luận. Có lẽ, chỉ khi nào, các nhà làm phim Tết không phân biệt phim nghệ thuật hay phim giải trí, mà chỉ quan tâm đến mục tiêu sản xuất những bộ phim nghiêm túc và chất lượng thì mới hy vọng, phim Tết Việt sẽ có những bộ phim được khán giả nhớ đến sau khi bước ra khỏi rạp./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ