(Tổ Quốc) -Dịp nghỉ hè, nhu cầu vui chơi giải trí của thiếu nhi tăng lên đáng kể. Trong khi có những kênh sóng truyền hình 24/24 giờ phát phim hoạt hình ngoại, các rạp chiếu cũng tràn ngập phim ngoại thì phim Việt vẫn vắng bóng.
Rạp tràn phim ngoại
Có đến 6 bộ phim hoạt hình chiếu rạp vào dịp hè và tất cả số đó đều là phim ngoại nhập.
Đầu tiên phải kể đến bộ him hoạt hình lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết kinh điển vượt mọi thời đại “Đảo giấu vàng” của văn hào Robert Louis Stevenson, bộ phim hoạt hình “Doraemon: Nobita và Đảo giấu vàng” đã khắc họa nên một cuộc phiêu lưu kì thú của chú mèo máy đáng yêu Doraemon và người bạn Nobita.
Tiếp đến là bộ phim Kikoriki: Du hành vượt thời gian kể về chú thỏ Kikoriki - một trong những nhân vật mang tính biểu tượng nhất của hoạt hình Nga hiện đại. Phiên bản điện ảnh đã chính thức đổ bộ màn ảnh rộng Việt Nam mùa hè này với nhiều màu sắc, vui nhộn và đầy ý nghĩa. “Kikoriki: Déjà vu” (tựa Việt: Kikoriki: Du hành vượt thời gian) xoay quanh nhân vật chú thỏ Kikoriki.
Khai thác từ bộ truyện tranh hấp dẫn, bộ phim hoạt hình “Doraemon: Nobita và Đảo giấu vàng” dư sức thu hút các khán giả nhí tới rạp |
Giải cứu Tí Nị là bộ phim hoạt hình mang thông điệp tích cực về mối quan hệ giữa trẻ con và đồ chơi. Trong phim, những món đồ chơi tưởng chừng vô tri đã cố gắng cứu cô chủ bé con của mình khỏi những thứ đồ chơi của xã hội công nghệ vốn hút cạn năng lượng tích cực từ trẻ con. Nhà sản xuất hy vọng sau bộ phim những đứa trẻ sẽ biết yêu thương những món đồ chơi, thú nhồi bông "tầm thường" của mình hơn thay vì chỉ chăm chú vào các đồ chơi công nghệ như nhiều trẻ em trên thế giới hiện nay.
Kế đến là bộ phim Leo da Vinci: Truy tìm kho báu dành cho các bé yêu thích phiêu lưu mạo hiểm để bắt đầu mùa hè thú vị. Bộ phim kể về chuyến phiêu lưu của Leo da Vinci và những người bạn trên con đường truy tìm kho báu với nhiều bất ngờ kỳ thú
“Ong nhí phiêu lưu ký - Đại chiến cúp Ong Mật” là câu chuyện về chuyến phiêu lưu của ong Maya cùng cậu bạn thân Willi, và với những đồng đội đến từ Đồng hoa Anh túc (Poppy Meadow). Với đồ họa ấn tượng và câu chuyện mang nhiều bài học ý nghĩa, “Ong nhí phiêu lưu ký - Đại chiến cúp Ong Mật” đem đến một câu chuyện ý nghĩa các gia đình dịp hè này.
“Isle of dogs” (Đảo của những chú chó) là bộ phim hoạt hình độc đáo dành tặng cho các em thiếu nhi. Với cách tạo hình mới mẻ, cùng nét hài hước tinh tế, không ngạc nhiên khi siêu phẩm mới của đạo diễn Wes Anderson nhận được nhiều lời khen tại hai liên hoan phim Berlin và SXSW.
Trong khi phim ngoại nở rộ ở các rạp chiếu và các kênh truyền hình thì phim nội vắng bóng.
Vì sao thiếu phim Việt?
Trong năm 2017, có đến 13 phim hoạt hình Việt được sản xuất (trong đó 12 phim của Hãng phim Hoạt hình VN, 1 phim của VTV7). Đặt trong tương quan số lượng sản xuất các thể loại phim của nước ta, có thể nói lượng phim hoạt hình được sản xuất cũng không ít. Thế nhưng, ít có bộ phim được quảng bá rộng rãi, hiếm có phim ra rạp và càng thiếu vắng kênh truyền hình phát hành thường xuyên những bộ phim này.
Phim hoạt hình Việt cần mang hơi hướng xã hội hiện tại- ảnh minh họa |
Lý do phim hoạt hình Việt “lép vế” đã được NSND, Đạo diễn Phương Hoa chỉ ra trong Hội thảo đánh giá chất lượng phim tham dự giải Cánh diều hồi tháng 4 vừa qua. Nữ đạo diễn cho rằng: “Phim hoạt hình của chúng ta không có gì mới, thiếu đột phá trong đề tài cũng như cách thể hiện. Hầu hết là đề tài độc thoại. Phim không có gì xuất sắc. Với 1 vài phim có tìm tòi ý tưởng nghệ thuật thì cách thể hiện chưa tới, đôi khi là ngô nghê”.
Đó là một trong những nguyên nhân khiến phim hoạt hình Việt đang thiếu sức hấp dẫn.
“Chúng tôi thèm phim mang hơi hướng xã hội hiện tại. Đó là một trong những yếu tố khiến phim hoạt hình ngoại hấp dẫn khán giả”- NSND Phương Hoa chia sẻ.
Bên cạnh đó, những yếu tố khiến phim hoạt hình Việt còn thiếu sức “cạnh tranh” là kỹ thuật làm phim còn đơn giản, thô sơ. Trong khi vài năm trước, mỗi năm có 7-8 phim hoạt hình 3D thì 1, 2 năm trở lại đây, chỉ còn 1-2 phim 3D được sản xuất. Lý do là máy móc bị lạc hậu, không thực hiện được phim 3D nữa.
Chất lượng không cao là một trong những lý do khiến các rạp chiếu, kênh truyền hình “nói không” với phim hoạt hình Việt. Chưa kể, phim hoạt hình Việt cũng mới chỉ dừng lại ở những phim có thời lượng khoảng 10 phút. Không phù hợp để chiếu rạp. Trong khi phim chiếu rạp đòi hỏi thời lượng phải từ 30 phút.
“Phim hoạt hình làm ra chỗ để chiếu rất khó, không động viên được cho người sáng tác. Nhưng để có đầu ra cho phim hoạt hình thì những người làm phim hoạt hình cần thay đổi. Trong đó, cần làm làm phim dài chiếu rạp”- Nữ đạo diễn Phương Hoa nhận định.
Để phim hoạt hình ngoại không tràn ngập rạp chiếu mỗi dịp hè, Tết, thiết nghĩ, việc thay đổi cách làm phim hoạt hình nội là cần thiết. Chỉ đến khi những người làm phim thực sự thay đổi, làm phim đáp ứng nhu cầu khán giả chứ không phải làm những gì mình có, thì lúc ấy, mới hy vọng có những bộ phim hoạt hình Việt chiếu rạp./.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!