• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phim truyền hình 2007 sẽ bứt phá

07/02/2007 00:13

Để thực hiện chủ trương nâng cao tỷ lệ phim Việt trên sóng truyền hình, các hãng phim trong và ngoài nhà nước đang hồ hởi nhập cuộc. Hy vọng năm 2007, phim truyền hình Việt Nam sẽ có những bứt phá cả về số lượng và chất lượng tác phẩm.

Để thực hiện chủ trương nâng cao tỷ lệ phim Việt trên sóng truyền hình, các hãng phim trong và ngoài nhà nước đang hồ hởi nhập cuộc. Hy vọng năm 2007, phim truyền hình Việt Nam sẽ có những bứt phá cả về số lượng và chất lượng tác phẩm.

Từ chủ trương Xã hội hóa

Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2007 vừa qua, đa phần các bộ phim tham gia tranh giải phim truyền hình dài tập đều là những phim được đón đợi khi phát sóng như: Chạy án, Đèn vàng, Nghề báo... Trong đó bộ phim dài 22 tập Chạy án thuộc Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) giành Giải Vàng. Bộ phim đề cập đến đề tài chống tham nhũng - một vấn đề nóng bỏng của đời sống nên đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của công chúng.

Trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình lần thứ 26 (năm 2007), một cuộc hội thảo về Xã hội hóa chương trình truyền hình đã diễn ra. Dư luận quan tâm nhiều nhất đến việc xã hội hóa (XHH) sản xuất phim truyền hình. Ông Nguyễn Khải Hưng - giám đốc VFC, dù tỏ ra ủng hộ xu hướng XHH việc làm phim truyền hình, nhưng cũng lên tiếng cảnh báo về chất lượng của những bộ phim “xã hội hóa” mà hãng Lasta đã sản xuất. Tính đến thời điểm này, Lasta là hãng phim tư nhân sản xuất nhiều phim truyền hình nhất. Tuy những bộ phim của hãng như: Mộng phù du, Nhịp đập trái tim, Chuyện tình yêu, Anh chỉ có mình em, Cái bóng bên chồng... chưa được giới phê bình đánh giá cao, nhưng ngày nào phim của hãng cũng lên sóng và vẫn có được lượng khán giả nhất định, thu hút được nhiều quảng cáo... cũng là điều đáng để nhiều hãng phim xem xét.

Ngoài hai hãng phim truyền hình lớn nhất nước: TFS và VFC đã tạo những dấu nhất định, các hãng phim tư nhân cũng bắt đầu nhập cuộc với những bộ phim truyền hình dài tập và ít nhiều đã gây được sự chú ý của dư luận như: Tuyết nhiệt đới của M&T Pictures, 39 độ yêu, Người mẹ nhí của hãng Phim Việt, Mùi ngò gai của hãng Vifa (Việt Nam) và CJ Media (Hàn Quốc)...

Phim truyền hình nhiều tập đang trở thành một xu hướng và cũng là một thể loại được nhiều người quan tâm. Theo luật điện ảnh ban hành từ ngày 01-01-2007, cứ nhập 2 phim ngoại phải sản xuất một phim Việt Nam, chiếu hai phim ngoại thì phải chiếu một phim nội. Đây là cách để thúc đẩy phim truyền hình Việt Nam. Điều này nằm ngoài khả năng của các hãng Nhà nước. Vì vậy, để có đủ số lượng phim truyền hình phát sóng, việc xã hội hóa truyền hình là điều vô cùng cần thiết. Nếu việc xã hội hóa sản xuất phim truyền hình thành công thì những người có lợi nhất đương nhiên là khán giả xem truyền hình.

Đến việc triển khai

Việc bảo đảm 40-50% thời lượng phát sóng phim Việt Nam trên truyền hình từ nay đến 2010 là thử thách để các hãng phim truyền hình Nhà nước vượt qua. Các đài, các hãng đang từng bước đầu tư cho việc sản xuất phim truyền hình dài tập.

Năm nay, VFC sẽ tăng thời lượng phát sóng hơn với năm 2006. Khán giả sẽ được theo dõi tiếp những tập phim trong xê-ri phim Cảnh sát hình sự và hàng loạt những phim bộ phim truyền hình dài tập như: 15 tập Gia đình thợ mỏ (đạo diễn Phạm Thanh Phong), 26 tập phim Luật đời (đạo diễn Mai Hồng Phong, Hồng Nhung), 16 tập phim Kẻ giấu mặt (đạo diễn Đỗ Đức Thành, Vũ Hồng Sơn), 18 tập phim Đêm cuối của mùa đông (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần), 12 tập Nữ trinh sát (đạo diễn Vũ Minh Trí), 11 tập Phóng viên tập sự (đạo diễn Trần Quốc Trọng), 22 tập phim Chạy án phần 2 (đạo diễn Vũ Hồng Sơn)... Bên cạnh đó, năm 2007 này cũng đánh dấu bộ phim Sitcom (hài kịch tình huống) đầu tiên của VFC: Chuyện vui vẻ.

Đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ làm phim truyền hình hiện đại của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... phải kể đến Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (TFS). Từ năm 2005, TFS đã làm quen với thể loại phim Sitcom thông qua bộ phim Lẵng hoa tình yêu. Với việc sản xuất phim theo công nghệ phim trường mới: nhiều máy quay cùng làm việc, thu tiếng, thu hình đồng bộ, phim của hãng đã đạt hiệu quả hấp dẫn hơn, nhanh hơn, giá thành sản xuất rẻ hơn. Bên cạnh đó TFS vẫn tiếp tục đưa vào sản xuất những bộ phim dài theo phương pháp truyền thống và gây được tiếng vang nhất định như: Hướng nghiệp, Hương phù sa, Xóm suối sâu, Nghề báo... Năm 2007 này, một loạt phim dài tập của hãng sẽ được triển khai và công chiếu: Ba chàng trai tuổi Đinh Hợi (đạo diễn Mỹ Khanh), Thám tử tư (đạo diễn Mỹ Hà), Giọt đắng (đạo diễn Đinh Đức Liêm), Trò chơi sinh tử (đạo diễn Bùi Cường). Ngoài ra năm nay, TFS sẽ tiếp tục phát huy sở trường của mình với việc sản xuất khoảng 20 tập phim thiếu nhi, 50 tập phim về đề tài lịch sử.

Công ty Nghe nhìn Hà Nội thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tuy chưa phải là đơn vị sản xuất phim mạnh, nhưng đều đặn năm nào Công ty cũng cho xuất xưởng những bộ phim có chất lượng. Sắp tới khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được theo dõi 10 tập Con đường sáng (đạo diễn Phạm Việt Thanh). So với các phim truyền hình hiện nay Con đường sáng được đầu tư khá lớn 2,2 tỷ đồng/10 tập. Đồng thời với việc hoàn thành phần hậu kỳ của Con đường sáng, Đài Hà Nội cũng đang triển khai dự án làm phim: 12 tập Hắn là tôi (đạo diễn Nguyễn Quang), 20 tập phim Men say về chủ đề ngành y, Mạnh hơn công lý 13 tập (phần 2, dự kiến có 2 tập quay ở Nga).

Các hãng tư nhân cũng bắt đầu nhập cuộc sản xuất phim truyền hình, bước đầu đã tạo được dấu ấn với khán giả. Năm 2007, bộ phim Mùi ngò gai của Hãng phim Gia đình Việt vẫn tiếp tục được thực hiện. Sắp tới, hãng phim này sẽ tiếp tục khuấy động truyền hình với dự án 500 tập phim Vườn ảo thuật. Hãng phim Chánh Phương đăng ký chiếu phim hành động và kinh dị lúc 23h. Truyền hình cáp thành phố Hồ Chí Minh (HTVC) cũng tham gia với phim Ký túc xá vừa khởi quay. HK phim và MT Picture sẽ cùng hợp tác làm một bộ phim về nghề dẫn chương trình...

Mỗi hãng phim đều tìm cho mình một hướng phát triển riêng. Làn sóng xã hội hóa phim ảnh Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh với sự vào cuộc của hàng loạt hãng phim tư nhân. Không thể phủ nhận sự năng động nhạy bén của những người dám bỏ tiền túi ra làm phim. Và muốn tồn tại không gì hơn là phải làm những bộ phim có khán giả.

(Theo ĐCSVN)

NỔI BẬT TRANG CHỦ