(Toquoc)-Không quá khi nói 10 bộ phim truyền hình có nhân vật osin thì giống nhau cả 10.
(Toquoc)-Nếu thường xuyên xem phim truyền hình Việt Nam, nhất là phim phía Bắc, hẳn khán giả sẽ phải khó chịu trước cách xây dựng nhân vật, cách đặt lời thoại, cách mô tả hành động cứ lặp đi lặp lại từ phim này đến phim khác.
Làm phim kiểu nhân bản
Điển hình cho cách làm phim kiểu nhân bản là nhân vật “osin” - người giúp việc. Thật khó hiểu khi các nhà làm phim luôn dựng lên một kiểu “osin” vụng về, có một tính cách gì đó khác thường, nói giọng giả nhà quê (chứ không phải giọng nhà quê) với những lời lẽ và hành động ngu ngơ đến phi lý.
Không quá khi nói 10 bộ phim có nhân vật osin thì giống nhau cả 10. Thậm chí, khi nhân vật bắt đầu xuất hiện, khán giả đã có thể đoán được hành động tiếp theo sẽ là gì, sẽ nói năng ra sao, tính cách thế nào, sẽ đụng phải cái gì, làm rơi vỡ cái gì…
Nhân vật nàng dâu vụng về trong phim Việt kiểu gì cũng cắt dao vào tay hoặc làm đổ vỡ hay rán cháy một thứ gì đó khi làm bếp
Hẳn các đạo diễn nghĩ rằng, nhân vật như vậy sẽ tạo nên điểm nhấn cho phim, mang lại tiếng cười cho khán giả. Quả thực là đã gây nên vài tiếng cười. Song sự lặp lại nhiều và lộ liễu đến mức, cái sự vui vẻ, sảng khoái ban đầu đã chuyển thành nỗi khó chịu, bực bội mỗi khi phải nghe và xem những osin nói một giọng giống nhau và làm những việc chẳng khác nhau là mấy.
Khó chịu nhất là cái cách giả giọng nhà quê ẻo lả, nhừa nhựa. Người nhà quê không nói vậy. Và đó cũng không phải là đài từ của điện ảnh. Đó là đài từ của kịch. Các nhà làm điện ảnh liệu có nhầm lẫn giữa cách dựng kịch và dựng phim hay cho rằng như thế mới phù hợp với thực tế: người nhà quê phải nói giọng nhà quê? Tại sao khi làm phim về nông thôn, đạo diễn không yêu cầu diễn viên phải nói giọng nhà quê cho đúng với bối cảnh vùng miền?
Tương tự như vậy, phim nào có nhân vật “nịnh sếp” là y như rằng có hành động châm thuốc cho sếp hút, hai tay khúm núm xoắn xuýt lấy nhau, lưng cúi rạp, và kiểu “dạ, thưa anh” được kéo dài giọng. Một bà mẹ già nói với anh con trai thì kiểu gì cũng có câu “cha bố anh” kèm cái liếc yêu. Một cô con gái mới lớn bị mẹ phát hiện chuyện yêu đương thì sẽ hét lên “con ghét mẹ” và chạy vào phòng gục xuống bàn khóc. Một cô con dâu mới về nhà chồng không được khéo léo trong việc bếp núc luôn cắt dao vào tay và rán cháy một thứ gì đó.
Tất cả tạo nên những nhân vật giống nhau, những đoạn đối thoại giống nhau, những tình tiết giống nhau giữa các bộ phim hoàn toàn khác nhau.
Đó cũng là lý do vì sao mà khán giả phim Việt có “biệt tài” đoán nội dung phim, đoán diễn biến hành động của nhân vật giỏi đến vậy dù phim mới đang ở những tập đầu tiên.
Lười sáng tạo hay lối tư duy bị bó khung?
Bàn về thực trạng môtíp nhân vật bị “nhai đi nhai lại” trong phim truyền hình, nhà lý luận phê bình điện ảnh Trần Thanh Tùng cho rằng: “Lẽ dĩ nhiên đó là sự lười sáng tạo của cả người viết kịch, đạo diễn lẫn chính các diễn viên. Nhưng nguyên nhân sâu xa là lối tư duy làm phim kiểu cũ, lấy cách làm ca kịch quy ước cho truyền hình. Viết kịch bản không dựa vào quy luật tâm lý mà áp đặt hành động của nhân vật theo cách mà mình muốn”.
Đã là ôsin thì kiểu gì cũng nói ngọng và vụng về (Ảnh minh họa trong phim Tết cháy ôsin)
Cái bệnh tư duy kiểu ca kịch của các nhà làm phim truyền hình đã được nói tới rất nhiều trong các cuộc hội thảo chuyên ngành. Song không hiểu sao điều đó vẫn không được rút kinh nghiệm. Vẫn ra đời những bộ phim kiểu “tiểu phẩm”, kiểu “hài kịch” (chứ không phải “phim hài”) như Những người độc thân vui vẻ, Tết cháy osin. Vẫn có những kiểu đối thoại giữa đám trẻ con với giọng điệu lên gân, nhấn nhá, với nội dung đầy tính thông điệp giáo điều hệt như cách thoại của sân khấu kịch nói truyền thống như Bộ tứ 10A8, Bước nhảy xì tin, Chàng trai đa cảm…
Trong khi đó, chính các diễn viên cũng tự bó khung mình trong những lời nói và hành động được ngầm quy ước là mẫu mực cho tính cách đó, nhân vật đó. Đã là một Bí thư tỉnh ủy hay Chủ tịch huyện thì mang đi đứng thế này, phải cầm cái cặp thế kia, khuôn mặt phải giữ vẻ thế này, ngồi xuống ghế bành thì phải xoay xoay thế kia… Vậy mới có chuyện một diễn viên chỉ chuyên đóng vai “quan huyện”, “quan tỉnh”, mà vai nào cũng giống vai nào, chỉ khác duy nhất ở số phận của nhân vật khi phim kết thúc.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng: “Một diễn viên bị bó khung thường xuyên trong một dạng nhân vật là lỗi của đạo diễn, nhưng trước hết là lỗi của chính diễn viên đó. Chính anh không tự sáng tạo, không tự biến hóa trong cách diễn, không chịu tư duy theo lối khác mà luôn tự đặt mình vào cái mẫu quy ước sẵn. Mà với điện ảnh thì chẳng có cái mẫu nào cả. Nhưng thói quen sơ đồ hóa mọi việc dường như đã trở thành một cái tật thâm căn cố đế, một cái bệnh đã để ủ trong người quá lâu. Điều rất rõ nhận thấy là cả người viết kịch lẫn đạo diễn đều thích phát triển tình tiết phim theo ý tưởng, mục đích chứ không theo tính cách nhân vật. Theo lẽ thường, một anh nhát chết bị dọa ma thì sợ. Nhưng với phim Việt
Cũng chính vì ông đạo diễn muốn vậy, nên các osin nhất định phải nói cái giọng nhà quê như vậy, phải nói “em” thành “iem”, phải cắn móng tay khi xấu hổ và phải không biết dùng các vật dụng đã hết thời hiện đại từ lâu như tủ lạnh, nồi cơm điện, máy giặt…
Thành ra cứ nhìn thấy các chị osin trên tivi, lại thấy chán sự sáng tạo của phim truyền hình Việt. Trách gì khán giả chỉ thích xem phim Trung Quốc với phim Hàn?
Tùng Mai