• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phim truyện nhựa 2008: Chờ đợi và hy vọng tin tốt lành

28/12/2007 18:39

Năm 2007, đất nước ta gia nhập WTO, Luật điện ảnh đầu tiên của Việt Nam chính thức có hiệu lực, tình hình sản xuất phim chiếu rạp tại Việt Nam có khởi sắc hơn hẳn, đa dạng hơn và có nhiều hướng mở, đặc biệt là sự “hợp tác” nâng tầm phim Việt đầy năng động của các hãng phim tư nhân cả mới lẫn cũ, với trong và ngoài nước.

Năm 2007, đất nước ta gia nhập WTO, Luật điện ảnh đầu tiên của Việt Nam chính thức có hiệu lực, tình hình sản xuất phim chiếu rạp tại Việt Nam có khởi sắc hơn hẳn, đa dạng hơn và có nhiều hướng mở, đặc biệt là sự “hợp tác” nâng tầm phim Việt đầy năng động của các hãng phim tư nhân cả mới lẫn cũ, với trong và ngoài nước.

Phim cổ trang Duyên trần thoát tục của hãng SenafilmPhim cổ trang Duyên trần thoát tục của hãng Senafilm

Công chúng và giới làm nghề điện ảnh Việt Nam đều khấp khởi mừng cho phim truyện nhựa Việt có dấu hiệu trở lại thời “thịnh vượng”... Chia tay năm cũ 2007, chúng ta cùng làm một cuộc tổng kết toàn cảnh, và từ đó có thể dự đoán đôi điều về phim Việt 2008, để xem điện ảnh có thực sự “lên ngôi”...

Phim Việt 2007: “Khởi sắc” chưa đồng đều

Là phim hành động-võ thuật đầu tiên đạt chuẩn quốc tế, Dòng máu anh hùng với doanh thu 10 tỷ đồng còn lập “kỷ lục” là phim Việt đầu tiên “trụ rạp” lâu nhất, từ cuối tháng 4 đến tháng 12.2007

Không thể phủ nhận, năm 2007 điện ảnh Việt Nam đã có những bước đi khởi sắc đáng kể trong việc sản xuất và phát hành phim truyện nhựa. Đầu tiên là doanh thu “đến hẹn lại lên” của một số bộ phim giải trí chiếu tết Đinh Hợi như Võ lâm truyền kỳ (13 tỷ), Trai nhảy (9 tỷ), Chuông reo là bắn (7 tỷ)...Tháng 3, doanh thu hơn một tỷ đồng và trụ rạp dài cả tháng vào dịp “trái mùa” của Áo lụa Hà Đông, tuy không thấm tháp gì so với 1 triệu USD tiền làm phim, cũng khiến những người làm phim nghệ thuật được “ an ủi”.

Tháng 4, Dòng máu anh hùng (kinh phí 1,5 triệu USD) ra mắt tưng bừng, công chúng và người làm nghề đều hân hoan. Là phim hành động-võ thuật đầu tiên đạt chuẩn quốc tế, Dòng máu anh hùng với doanh thu 10 tỷ đồng còn lập “kỷ lục” là phim Việt đầu tiên “trụ rạp” lâu nhất, từ cuối tháng 4 đến tháng 12.2007... Dòng phim hành động - võ thuật được “nhấn” thêm với Vũ điệu tử thần (ra mắt vào tháng 8) nửa tỷ doanh thu xấp xỉ tiền làm phim được xem là “hiện tượng”.

Năm 2007, đánh dấu sự “trở lại” của dòng phim kinh dị Việt Nam với Mười - phim hợp tác giữa hãng Phước Sang và Hàn Quốc (kinh phí kỷ lục 3 triệu USD); Ngôi nhà bí ẩn - Suối oan hồn của Chánh Tín Film tiên phong làm phim ngắn (45 phút) và kỹ thuật thủ công, kinh phí ít. Ra mắt khán giả vào cuối tháng 11.2007, Ngôi nhà bí ẩn - Suối oan hồn khá “ăn khách” dù phải “cạnh tranh” quyết liệt với 5-7 bộ phim kinh dị của Mỹ. Sau Mười, Ngôi nhà bí ẩn- Suối oan hồn là một loạt dự án làm phim kinh dị được khởi động. Tháng 8.2007, Cục Điện ảnh đã ra công văn số 308-ĐA/ PBP hạn chế nhập và sản xuất phim ma.

Tháng 12 này, Mười ra mắt cùng với sự kiện “Phân loại phim theo độ tuổi khán giả” được chính thức thực thi ở Việt Nam. Và Mười là phim “made in Việt Nam” đầu tiên được gắn mác (16 +) - cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Có nhiều dự án phim từng “tồn kho” từ vài năm trước được đưa vào sản xuất trong năm 2007. Có thể kể đến các phim: Trái tim bé bỏng, Trung úy, Trăng nơi đáy giếng, Đừng đốt bên trong đã có lửa, Người vớt củi... và trở thành những cái tên khá xôm tụ dành cho mùa phát hành năm 2008.

Từ tháng 7.2007 phim Tết đã sôi động, đa dạng với nhiều thể loại phim khác nhau, và đề tài mở rộng hơn hẳn: cổ trang có Duyên trần thoát tục (Senafilm); tâm lý - tình cảm - hài - kinh dị có Nụ hôn thần chết (Thiên Ngân); tâm lý - hài có Phát tài (Phước Sang) ; tâm lý - tình cảm - ca nhạc có Em muốn làm người nổi tiếng (Hodafilm) ; và phim tâm lý xã hội Thủ tướng (Thanh niên- Giải phóng). Lâu lắm mới xuất hiện lại thể loại phim cổ trang; có một hãng phim Nhà nước ở Hà Nội làm phim chiếu Tết (Hodafilm) và lần đầu tiên phim Tết có đề tài chính khách (Thủ tướng) ...

Công bằng mà nói, thì năm 2007 khán giả đã có sự quan tâm nhiều hơn đến phim Việt. Nhiều diễn đàn bình luận, đánh giá về phim được khán giả, đặc biệt là những người trẻ tham gia rất sôi nổi, khen nhiều mà chê cũng rất quyết liệt. “Chiêu” mới quảng cáo, tuyên truyền phim trên mạng internet đã được một số hãng phim “tận dụng” một cách hiệu quả. Đáng kể nhất là Dòng máu anh hùngSài Gòn nhật thực, hai bộ phim Việt đầu tiên được lên trang web: IMBD.com của Mỹ. Dòng máu anh hùng khi chưa ra mắt nhưng đã gây nên những cơn sốt thực sự với những diễn đàn bình luận trên mạng, khiến phim càng được chú ý.

Nụ hôn thần chết của đạo diễn Quang Dũng và hãng Thiên Ngân khai thác triệt để lợi thế của PR mạng, khi ngay từ khi còn viết kịch bản đã gửi lên blog để khán giả góp ý; rồi cộng tác với mạng Cryworld... tổ chức những cuộc thi rất “đình đám”. Kịch bản Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên cũng nhờ công nghệ mạng để PR tìm tài trợ và casting...

Trên bức tranh nhiều gam màu sáng của phim Việt 2007, còn những mảng tối thuộc diện “biết rồi khổ lắm, nói mãi”. Từng háo hức biết bao với một mùa phim hè đầu tiên, khán giả đã bị “quả lừa” bởi ngoài Dòng máu anh hùng có thứ để xem và hấp dẫn thì Sài Gòn nhật thực, Giá mua một thượng đế quá nhạt nhòa. Mười, Ngôi nhà bí ẩn- Suối oan hồn trở thành phim “hứa” khi cứ lùi mãi ngày ra mắt.

Đã không thành một mùa phim hè đúng nghĩa, lại “lẻ loi” dòng phim kinh dị cho... mùa phim Thu. Bao hy vọng về phim Việt một năm xôm tụ cho 4 mùa, vẫn chỉ trọn vẹn mỗi mùa phim Tết... Dù các nhà làm phim tư nhân rất nỗ lực để nâng tầm chất lượng, kỹ thuật cũng như PR, quảng cáo cho phim, song chỉ hiệu quả như ý ở những “đại gia” có kinh nghiệm làm phim là Phước Sang, Thiên Ngân, Chánh Tín Film, còn lại “lính mới” không có gì đáng kể.

Phim Nhà nước tài trợ vẫn cực kỳ kém cỏi ở công tác tuyên truyền và quảng cáo phim. Giá mua một thượng đế, Chớp mắt cùng số phận... vẫn chỉ dành để chiếu ngày lễ, ngày kỷ niệm truyền thống. Hà Nội - Hà Nội ngay sau khi đoạt giải Bông sen vàng tại LHPVN lần thứ 15 được Fafilm Việt Nam “nhanh nhạy” mua đem chiếu rạp. Bộ phim hợp tác với Trung Quốc, kinh phí xấp xỉ 6 tỷ đồng mà bán “bản quyền” phát hành có 50 triệu đồng và Fafilm chỉ in 4 bản phim chiếu rạp ở TP.HCM trong tháng 12.2007, chiến dịch PR im như tờ...

Rạp chiếu phim hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế được tăng lên kha khá với cụm rạp Megastar Hải Phòng, Biên Hòa, TP.HCM và Galaxy Nguyễn Trãi. Luật điện ảnh từ tháng 6.2007 quy định cụ thể về tỷ lệ phim Việt chiếu rạp, thế nhưng chiếm lĩnh trên hệ thống rạp chiếu phim toàn quốc vẫn là phim ngoại. Nhiều dự án làm phim được “nổ” búa xua đến tháng 12 này vẫn nằm trên... giấy hay trong ý tưởng của các nhà sản xuất, đạo diễn muốn mua danh.

“Ồn ào” nhất là quanh các dự án làm phim kinh dị và phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không có phim đủ để có việc thường xuyên, vì thế nhiều đạo diễn trẻ như Ngô Quang Hải, Lê Bảo Trung, Bùi Tuấn Dũng, Đào Duy Phúc... đều “bóc ngắn nuôi dài” quay sang làm phim truyền hình dài tập, hoặc “nằm chờ thời”. Thôi thì lại an ủi, năm nay không làm thì chờ đến năm 2008 vậy.

Phim Việt 2008: Dòng phim nào sẽ lên ngôi?

Hoạt động điện ảnh của một năm sôi nổi, tẻ nhạt hay không, vẫn phụ thuộc vào tình hình sản xuất và phát hành phim của năm đó ra sao. “Của để dành” cho năm 2008 rất khá, đủ các thể loại phim, và đủ các đề tài như : Thủ tướng, Phát tài, Nụ hôn thần chết, Duyên trần thoát tục, Em muốn làm người nổi tiếng, Trái tim bé bỏng, Trăng nơi đáy giếng, Người vớt củi, Đừng đốt, trong này đã có lửa (dựa theo cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm), Trung úy, Hoài vũ trắng...

Dường như đã có một quy luật bất thành văn, thành công của năm trước trở thành “cú hích” cho các nhà làm phim năm sau, và dòng phim “ăn khách” năm trước sẽ mở đường cho một loạt phim cùng thể loại ra đời. Điện ảnh Việt từng đã có những kiểu làm phim “ ăn theo” phong trào như thế: gái nhảy, chân dài, trai nhảy, đồng tính...; hài, kinh dị, rồi hành động võ thuật. Nhưng không dễ để đoán xem trong năm 2008 dòng phim nào, thể loại phim nào sẽ lên ngôi.

Người cho rằng, 2008 phim cổ trang được ưa thích; người dự đoán phim tình cảm - ca nhạc; người khác cho rằng phim hành động thắng thế; kẻ thì tin chắc phim khóc lóc kiểu Hàn được chuộng; những người thích phim kinh dị thì mong rằng “ma” sẽ hoành hành trên các rạp chiếu phim; cũng có thể là hài- nhảm hay phim “lẩu thập cẩm” thắng... Còn hơn một tháng nữa là phim Tết - mùa chính của phim Việt, bộ phim nào sẽ thắng về khán giả, rất khó đoán... bởi mỗi phim một kiểu “hút” người xem riêng.

Thôi thì “cầm đèn chạy trước...” xem các hãng chuẩn bị gì cho những mùa phim 2008. Dự đoán “phim tình cảm, sướt mướt lên ngôi” vì thế hãng Phước Sang đã ký hợp đồng làm các phim như Hồn ma - dạng phim thần tượng ca nhạc, thể loại tâm lý tình cảm - hài hước- kinh dị với công ty Thiên Thi, dự kiến diễn viên là các ca sĩ Minh Hằng, Tim, Ngân Khánh... Võ lâm truyền kỳ từng là hiện tượng “lạ” của phim Tết 2007, “ăn theo” hãng Phước Sang cùng với DMC (Liên doanh cụm rạp Diamond cinema) và VTC Intecom sẽ làm phim Miss Audition, lấy cảm hứng từ game online mang tên Audition, trò chơi giải trí thịnh hành nhất hiện nay. Phim này kết hợp cả thời trang, âm nhạc và vũ điệu, đòi hỏi diễn viên đẹp và nhảy giỏi. Cả Hồn maMiss Audition đều dự định ra mắt vào mùa hè 2008?

“Thừa thắng” với Dòng máu anh hùng, hãng phim Chánh Phương sẽ khởi quay vào đầu năm 2008 một bộ phim hành động - võ thuật mới với diễn viên chính dự kiến là Ngô Thanh Vân và Trí Nguyễn. Hãng này cũng làm một bộ phim dạng tâm lý tình cảm - hài có tên 14 ngày, kinh phí 3 tỷ đồng để “bóc ngắn nuôi dài”.

Ngoài ra, hãng còn dự án làm phim Lửa Phật (hành động - võ thuật) của Dustin Nguyễn rục rịch từ giữa năm 2007, nhưng chưa đủ điều kiện khởi quay. Cũng tâm đắc với thể loại phim hành động là hãng phim Giải trí Phương Nam và Del Production (Hồng Kông) làm phim Song long anh hùng (dự kiến mời Chung Lệ Đề đóng vai chính). Đạo diễn Lưu Huỳnh và diễn viên Trương Ngọc Ánh hợp tác làm phim Tình - tiền – tù tội (đủ thể loại: tâm lý- tình cảm - hài hước và hành động).

Đạo diễn Nguyễn Chánh Tín của hãng Chánh Tín Film khẳng định hãng này tiếp tục làm 6 phim ngắn 45 phút rồi bắn sang nhựa trong sê ri 100 tập Chuyện lúc nửa đêm, ngoài phim kinh dị còn làm cả phim tình cảm, phim giả tưởng. Các dự án làm phim kinh dị khác như Ngủ với hồn ma, Khách sạn không đèn, Ma triện... đều được khẳng định là sẽ tiếp tục quay trong năm 2008.

Ngoài ra còn một số dự án phim khác như Mùa hè lạnh lẽo của đạo diễn Quang Hải (đã chuẩn bị từ vài năm trước); Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên... thể loại tâm lý tình cảm; hay Đoạn đầu đài (hãng Sena Film, dự định giao cho đạo diễn Hồ Quang Minh, phim tâm lý – hành động, đề tài hoài cổ) ; Mưa đen – phim hành động của một số Việt kiều...

Năm 2008, “Phân loại phim theo độ tuổi khán giả” có hiệu lực. Các nhà làm phim, các đạo diễn sẽ được tự do hơn trong việc sáng tạo, chọn đề tài và thể loại làm phim, mà không phải e dè chuyện “búa rìu” dư luận hay kiểm duyệt. Những đề tài như bạo lực, sexy, kinh dị... bấy lâu vẫn là “chiêu” cực kỳ hấp dẫn khán giả của các nhà làm phim trên thế giới. Song biết là “ăn khách” bởi bằng chứng là phim kinh dị, hành động nước ngoài chiếu rạp ở Việt Nam vài năm nay rất có khán giả... nhưng làm phim dạng này đòi hỏi kinh phí và trình độ kỹ thuật kỹ xảo, diễn xuất của diễn viên, cũng như tiêu chuẩn rạp chiếu rất cao.

Vì thế, nhiều nhà sản xuất lại cho rằng, sẽ đa dạng các thể loại phim trong năm 2008, nhưng phim tâm lý tình cảm, khóc lóc... ít tiền và thời gian làm nhanh vẫn chiếm đa số ! Doanh thu và khán giả vẫn là nỗi lo lắng thường trực của các nhà làm phim Việt. Còn quá sớm để dự đoán... vẫn có thể tin rằng, điện ảnh Việt Nam đang trở lại thời thịnh vượng, trở thành lĩnh vực mà người ta đầu tư mà không quá e dè. Hãy chờ đợi một năm 2008 đầy tin tốt lành cho điện ảnh Việt!

Theo ĐA

NỔI BẬT TRANG CHỦ