Thông tin về bộ phim "Chơi vơi" bán được gần như hết vé cả ba buổi chiếu tại Liên hoan Phim (LHP) Quốc tế Toronto hay khán giả xem kín rạp ở LHP Quốc tế Bangkok, cùng với việc một vài phim Việt Nam phát hành ở nước ngoài càng làm dấy lên hy vọng về cơ hội phim Việt Nam chinh phục khán giả ngoại.
Thông tin về bộ phim "Chơi vơi" bán được gần như hết vé cả ba buổi chiếu tại Liên hoan Phim (LHP) Quốc tế Toronto hay khán giả xem kín rạp ở LHP Quốc tế Bangkok, cùng với việc một vài phim Việt Nam phát hành ở nước ngoài càng làm dấy lên hy vọng về cơ hội phim Việt Nam chinh phục khán giả ngoại.
Phim nào hút khách?
Phim Việt Nam phát hành nhiều nhất ở Pháp, cả về số lượng rạp và thời gian công chiếu. Có thể kể đến Chung cư, Những người thợ xẻ, Mùa ổi, Mê Thảo thời vang bóng... 12 rạp chiếu bóng ở các thành phố lớn của Pháp chiếu "Mùa ổi" được coi là đợt phát hành khá lớn đối với phim Việt Nam cho tới thời điểm đó. Năm 2003, bộ phim "Vũ khúc con cò" trụ được 2 tuần tại 8 rạp ở Paris, sau đó được chiếu ở 13 thành phố của Pháp. "Mùa ổi" còn "cầm cự" được ba tháng tại rạp với khoảng 17.000 lượt khách.
Các bộ phim Ai xuôi vạn lý, Lời thề, Lưỡi dao, Chiếc chìa khóa vàng, Chung cư, Mê Thảo thời vang bóng… từng được giới thiệu trên mạng lưới chiếu bóng ở Nhật và một số nước châu Á. Đầu tháng 4 năm nay, bộ phim hành động - dã sử "Dòng máu anh hùng" do Hãng phim Chánh Phương và Cinema Pictures hợp tác sản xuất, giành được những lời khen ngợi khi ra rạp ở Trung Quốc trong hơn một tháng. Báo chí và khán giả của quốc gia đông dân nhất thế giới này bày tỏ nhiều bất ngờ với các cảnh chiến đấu trong phim vì khác hẳn phong cách phim võ thuật Trung Hoa.
Tin tức mới nhất về phim Việt Nam ra rạp nước ngoài là doanh thu phòng vé trong hai ngày (9 và 11-10) của bộ phim tâm lý - tình cảm "Chuyện tình xa xứ" đạt 47.300 USD, đứng thứ 51 trong bảng xếp hạng doanh thu phòng vé khu vực Bắc Mỹ. Con số khả quan này nếu tiếp tục tăng thì số phòng chiếu sẽ tăng hơn 6 rạp và có nhiều cơ hội ra những rạp khác. Phim do Hãng Variance Films (Mỹ) phát hành. Đây là bộ phim Việt Nam đầu tiên chính thức phát hành tại Mỹ.
Ưu thế thuộc về đạo diễn Việt kiều?
Những phim nội ra được rạp ngoại thường gắn với tên tuổi nhà sản xuất hay đạo diễn Việt kiều, vì họ "thông tỏ" thị trường điện ảnh nước ngoài. Ngoài ra, sự bắt tay giữa hãng trong nước với nhà sản xuất hay nhà phát hành ngoại cũng thúc đẩy quá trình này.
Nhưng không phải phim nào hợp tác với nước ngoài, kể cả các công ty phát hành phim ngoại quốc, đều ra được rạp ngoại. Quá trình tìm kiếm đối tác phát hành, thỏa thuận hợp đồng, đặc biệt là giá mua bản quyền hay tỷ lệ ăn chia giữa nhà sản xuất và nhà phát hành... không hề đơn giản. Hiện, có nhiều công ty trong nước tham gia vào việc phát hành phim Việt Nam ở nước ngoài. Họ góp phần đưa phim Việt ra quốc tế nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Theo nhiều đạo diễn, nội dung bộ phim có hợp "gu" khán giả nước ngoài là điều quan trọng quyết định chỗ đứng của phim. Đối với các phim nghệ thuật, con đường chinh phục khán giả ngoại ở các rạp chiếu dĩ nhiên không thể bằng với các phim thương mại, kể cả khi các đạo diễn tin tưởng phim mình mang "mẫu số quốc tế". Trường hợp "Vũ khúc con cò" được chú ý ở Pháp vì bộ phim đi sâu khai thác số phận của con người ở hai chiến tuyến - vấn đề mà khán giả Pháp lúc đó quan tâm.
Gần đây, khi các nhà sản xuất tư nhân bỏ tiền làm phim và đầu tư phát hành ở nước ngoài thì vấn đề doanh thu chiếu bóng ở nước ngoài dường như mới được quan tâm đúng mức. Còn trước đây, vì đơn vị làm phim trong nước là hãng phim nhà nước nên nhiều người động viên nhau, ra được nước ngoài là quý rồi, đạo diễn hay diễn viên được mời sang giao lưu là vui rồi...
Trong một cuộc trao đổi với các nhà làm phim Pháp, sau khi "Mùa ổi" được phát hành tại nước này, các nhà làm phim bày tỏ e ngại việc phía Việt Nam không kiểm soát được nguồn thu bán vé khi phim ra nước ngoài. Thậm chí, vì các phim phát hành ở nước ngoài thường có phần đóng góp vốn của đối tác nước ngoài nên chỉ mình họ được hưởng lợi nhuận từ doanh thu phòng vé. Trong nhiều trường hợp, phim Việt Nam ra nước ngoài coi như... được tiếng mà không có miếng. Nghĩa là, khía cạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam, văn hóa Việt Nam... đến với bạn bè quốc tế đạt được nhưng hiệu quả thương mại có thể bằng không.
Ra rạp Tây cho... ta xem?
Phim nội ra rạp ngoại nhưng nhiều bộ phim trước đây chỉ thu hút được khán giả là bà con trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, khán giả nước ngoài chỉ lác đác. Việc làm phụ đề bằng ngôn ngữ nơi phát hành hay tiếp thị quảng bá chuyên nghiệp thường không được quan tâm và đầu tư đúng mức ảnh hưởng ít nhiều đến việc đưa phim tiếp cận với khán giả ngoại.
So với bán bản quyền cho các đài truyền hình hay các đơn vị phát hành dưới dạng video gia đình, ra rạp luôn là bài toán "nan giải" hơn đối với phim Việt. Vì đơn giản, tên tuổi của Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới còn mờ nhạt nếu như không nói là... nhiều người không biết. Ngoài ra, phim Việt Nam thường chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật về âm thanh, in tráng, thu thanh để chiếu trên hệ thống các rạp quốc tế. Điều này làm giảm giá trị của từng bộ phim và khiến giá bán bản quyền không cao. Vì vậy, những phim Việt Nam ra được rạp ngoại thường được chăm chút phần hậu kỳ ở nước ngoài.
Phim Việt Nam không thu hút được "sao" quốc tế, diễn viên trong nước cũng chỉ mới được biết đến chủ yếu ở trong nước. Số tiền đầu tư làm phim chỉ ở một mức hết sức khiêm tốn, không bằng phần nhỏ mà các phim nước ngoài đầu tư cho công tác quảng cáo, tiếp thị... Vậy nên suy cho cùng, tình trạng phim nội ra rạp ngoại vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn bấy lâu của điện ảnh Việt, sản xuất nhưng chưa quan tâm đến phát hành... Và khi mà số phim nhựa hằng năm được Nhà nước đầu tư sản xuất chủ yếu là phim để phục vụ các ngày lễ lớn, các đợt chiếu phim kỷ niệm... thì mục đích không phải hướng tới khán giả ngoại. Còn các nhà làm phim trong nước vẫn chỉ loanh quanh làm phim chiếu Tết nên... hết Tết coi như là hết mùa phim Việt (!).
Theo HNM