(Tổ Quốc) - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp, biện pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là khắc phục triệt để tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực, không tham mưu giải quyết công việc.
Kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo quận, huyện, thị xã Quý II/2023 diễn ra ngày 29/6, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, các nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đều là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống Nhân dân, có ý nghĩa to lớn đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố đã tạo được một số kết quả và có chuyển biến bước đầu trong thực thi nhiệm vụ. Qua kết quả các cuộc kiểm tra của Thành phố đã cho thấy, các cơ quan, đơn vị đã cơ bản nghiêm túc thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính của công dân; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, đem lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền Thành phố.
Tính đến ngày 10/6/2022, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố là: 1.875 TTHC, trong đó cấp Sở, cơ quan tương đương Sở: 1.385 thủ tục, cấp huyện: 339 thủ tục và cấp xã là: 151 thủ tục; 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết TTHC; chất lượng đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất của bộ phận một cửa, một cửa liên thông đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc.
Ngày 30/12/2022, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP Hà Nội.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính, trong 6 tháng cuối năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp, biện pháp đẩy mạnh công tác CCHC, nhất là khắc phục triệt để tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực, không tham mưu giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PARINDEX, PCI và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh ngiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy chế, nhất là các quy trình phối hợp để giải quyết công việc nội bộ (TTHC nội bộ).
Theo đó, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành TP, các Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cần vào cuộc quyết liệt, chịu trách nhiệm về hiệu quả, chất lượng công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị mình.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyến, Ban Thường vụ Thành ủy đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và chuẩn bị ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP Hà Nội và Kế hoạch triển khai thực hiện, vì vậy đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động nghiên cứu, sớm ban hành văn bản để tập trung triển khai mạnh mẽ, quyết liệt.
Các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, đẩy mạnh cải cách TTHC; Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, trong đó, cùng với phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, tập trung ủy quyền giải quyết TTHC.
Thành phố cũng sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả để tiếp tục đề xuất phương án thực hiện phân cấp, phân quyền trong giải quyết TTHC, nhất là các nhóm có thủ tục hồ sơ hành chính được giao dịch nhiều như: Tư pháp, đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm, thuế... Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC, các quy định hành chính, TTHC nội bộ, trọng tâm là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tư pháp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải...
Đối với nội dung thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND chỉ đạo phối hợp chặt chẽ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm cơ sở pháp lý để UBND TP ban hành Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá, giá dịch vụ vệ sinh môi trường phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường.
Đối với định hướng về giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn cần chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến ban hành trong năm 2023, mục tiêu trong năm 2025 triển khai trên địa bàn. Trước mắt, chỉ đạo xây dựng và thí điểm mô hình đổi mới công nghệ kết hợp với phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn song song với việc xây dựng, ban hành quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các quận huyện, thị xã cần nâng cao vai trò, chịu trách nhiệm quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn; Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đổ trộm, trộn lẫn chất thải; Quản lý chặt chẽ năng lực các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường và xem xét, đề xuất, giải quyết kịp thời các khó khăn của đơn vị nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
UBND các quận, huyện, thị xã phải đưa tiêu chí lắp đặt thùng rác bên cạnh các tiêu chí cần thiết khác vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu việc thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn, đồng thời có biện pháp giám sát để việc lắp đặt các thùng rác nơi công công được triển khai trên thực tế.
Thành ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP, các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát tình hình quản lý, vận hành các khu xử lý Nam Sơn, Xuân Sơn; Tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo chủ động tiếp nhận, xử lý khối lượng rác thải đến năm 2025 trong trường hợp nhà máy đốt rác có sự cố, chưa đầu tư đúng tiến độ, đảm bảo việc tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP không bị gián đoạn; Tiếp tục đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoàn thành và đi vào hoạt động chính thức trong năm 2023; Hoàn thành Nhà máy điện rác Seraphin vào quý I/2024.
Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh nội dung điều chỉnh Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô để tích hợp vào điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.