Phố cà phê đường tàu Hà Nội: Đóng cửa điểm đến của "văn hóa hiếu kỳ", mở ra hướng đi cho du lịch bền vững?
(Tổ Quốc) - Sau đêm 14/9, muộn nhất trong 3 ngày từ 15 đến 17/9, quận sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh và đóng cửa hoàn toàn các quán cà phê nằm dọc đường sắt chạy qua.
Phố cà phê đường tàu chạy ngang qua ba phường: Điện Biên Phủ (quận Ba Đình), Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm). Địa điểm này thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến vui chơi, quay phim, check-in,...
Ngay từ sáng ngày 15/9, Công an phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm đã tiến hành dựng hàng rào trên các lối dẫn vào phố cà phê đường tàu trên tuyến phố Phùng Hưng, Trần Phú và Điện Biên Phủ (thuộc quận Hoàn Kiếm).
Các quán cà phê đóng cửa im lìm.
Các quán cà phê hiện đóng cửa nằm im lìm, lác đác còn một vài tiệm nhưng không mở hẳn. Đến đầu giờ chiều ngày 15/9, lực lượng chức năng, bảo vệ, dân phòng thay ca nhau túc trực, nhắc nhở du khách không vào khu vực có rào chắn.
Rất nhiều du khách nước ngoài đến đây chỉ có thể đứng ngoài check-in hoặc "quay xe" ra về. Lệnh đóng cửa được thông báo trên thông tin đại chúng nên khu vực phố cà phê đường tàu hiện chỉ có khách du lịch nước ngoài là chủ yếu.
Lực lượng dân phòng túc trực chốt Trần Phú cho biết, du khách không được đi vào khu vực này. Nếu là người dân sinh sống ở trong hoặc có người thân ở đây thì được ra vào. Các trường hợp còn lại không được đi vào chụp ảnh, quay phim hay tới hàng quán nào nữa, bởi hiện tại các quán cà phê tại đây đều đã đóng cửa.
Theo ghi nhận, một số khách lần đầu tiên đến Hà Nội, nghe giới thiệu và tìm đến phố cà phê đường tàu nên không biết về lệnh đóng cửa. Nhiều khách du lịch khi biết về thông tin này thì cùng bạn bè, hội nhóm cố check-in đoạn đường tàu nào còn trống.
Đoạn cà phê đường tàu bên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Ba Đình vẫn có thể đi lại được nên du khách tranh thủ ra check-in.
NGUY CƠ MẤT AN TOÀN
Nhu cầu mưu sinh của các hộ kinh doanh tại phố cà phê đường tàu là chính đáng. Tuy nhiên, điều này chính là mối lo ngại cực lớn về an toàn cho người dân lẫn khách du lịch.
Mô hình kinh doanh phố cà phê tại khu vực đường tàu đã vi phạm vấn đề hành lang an toàn đường sắt. Trước đó, đã nhiều lần các cơ quan quản lý vào cuộc để tuyên truyền, vận động đến xử lý các cơ sở kinh doanh. Thậm chí, các khách vi phạm an toàn hành lang đường sắt cũng xử phạt.
Đường tàu đoạn phố Phùng Hưng, Trần Phú có vài chục cơ sở kinh doanh cà phê. Hàng quán nằm sát đường ray, càng cuối tuần thì du khách đổ về càng đông vì hiếu kỳ quan sát tàu chạy.
Tháng 10 năm 2019, phố cà phê đường tàu đã từng đóng cửa do vi phạm hành lang đường sắt, đe dọa đến an toàn của người dân. Thêm vào đó là dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tất cả các cơ sở kinh doanh không được phép mở cửa.
Sau chỉ thị của chính quyền, đến trưa ngày 15/9, các quán cà phê đã đóng cửa, chỉ có khách du lịch nước ngoài chưa nắm được thông tin có tìm đến trải nghiệm nhưng rồi vẫn phải ngậm ngùi ra về.
Sau hai năm dịch bệnh, tháng 4 năm 2022, các quán cà phê tại đây bắt đầu hoạt động trở lại. Không dưới một lần, chính quyền đã yêu cầu giải tán đám đông tụ tập, ngồi ăn uống tràn cả vào đường ray trong khu phố cà phê này.
Những người làm quy hoạch quản lý cho rằng các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa, dẹp bỏ hẳn tình trạng trên, vừa gây ồn ào mất trật tự an ninh, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn tính mạng.
Những hộ kinh doanh, người làm du lịch và cả các khách du lịch thập phương thì mong muốn con phố này cần được "trân trọng" và giữ gìn, phát triển vì đây cũng là một nét đặc sắc thu hút, đẩy mạnh du lịch cho Hà Nội.
TIỀM NĂNG DU LỊCH
Phố cà phê đường tàu giúp người dân cải thiện cuộc sống không ít. Không chỉ vậy, những góc phố đầy tính "bản địa" này là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đông hơn mỗi ngày. Những kỷ niệm đẹp được ghi lại tại phố cà phê đường tàu, nhiều cuộc gặp gỡ mang lại niềm vui, sự gắn kết đã được diễn ra tại nơi đây.
Hiện tại, từ ga Hà Nội tuyến Hà Nội - Hải Phòng có ba đôi tàu hoạt động vào thứ Bảy, Chủ Nhật. Các ngày còn lại trong tuần có một đôi tàu. Bên cạnh đó, tuyến Hà Nội - Lào Cai khởi hành lúc 22h vào các ngày thứ Hai, thứ Năm và thứ Sáu, chiều về ga Hà Nội khởi hành lúc 6h sáng thứ Tư và Chủ Nhật.
Với tần suất tàu chạy như vậy, nếu đóng cửa toàn bộ thì phải chăng sẽ rất "lãng phí" cơ hội kinh doanh và thu hút du lịch?
Chú T. sống tại quận Ba Đình, gần khu vực đường tàu, khi nghe tin đóng cửa phố cà phê đã tranh thủ lên xem tình hình cuộc sống tại đây có gì khác biệt hay không. Chú cho rằng: "Khách du lịch tới đây muốn tham quan, trải nghiệm cảm giác hồi hộp. Để cho khách du lịch qua lại thì vẫn tốt hơn, đến giờ tàu chạy thì có biện pháp thông báo hoặc rào chắn để đảm bảo an toàn".
Quán cà phê nhiều góc "sống ảo" bên phía đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, chị chủ đang xếp gọn dần những chồng bàn ghế và tiễn chào đoàn khách Tây cuối cùng. Nhân viên tại đây cho biết, quán chủ yếu phục vụ khách đông theo đoàn, nên giờ trưa này cũng vắng khách. Đến khi có thông báo đóng cửa, quán cũng sẽ không tiếp đoàn nữa, chỉ lác đác vài khách đi qua đi lại khiến khu phố càng thêm đìu hiu.
Sau khi Tạp chí du lịch danh tiếng National Geographic Traveler chia sẻ bài viết về trải nghiệm đáng sợ nhưng thú vị tại con phố cà phê sát đường tàu, khách du lịch nước ngoài lại càng tìm đến trải nghiệm nhiều hơn.
Uống cà phê là một chuyện, tụ tập với nhau là một phần, phần còn lại là muốn trực tiếp được nhìn thấy những chuyến tàu băng qua xình xịch trước mắt mình. Trước khi có tàu khoảng 10-15 phút, chủ quán sẽ nhắc khách nép sát vào tường để đảm bảo an toàn.
Chính vì cảm giác kích thích ấy mà sau đại dịch, lượng khách đổ về phố cà phê đường tàu càng nhiều khiến cho chúng như "hồi sinh" sau những ngày ủ ê vì dịch bệnh.
TƯƠNG LAI NÀO CHO "PHỐ ĐƯỜNG TÀU"?
Hiện tại, trong tuần có 3 khung giờ tàu chạy, cuối tuần có 7 khung giờ. Trả lời báo chí, lãnh đạo phường Hàng Bông cho biết, hiện phường đang tham mưu cùng quận để xây dựng đề án báo cáo lên các cấp liên quan để tìm giải pháp phù hợp đối với việc đóng hay mở cửa tuyến "phố cà phê đường tàu".
Thời điểm hiện tại, sau khi phối hợp với chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), phố cà phê đường sắt tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm tạm thời đóng cửa. Quận Hoàn Kiếm cũng đang xây dựng đề án phục hồi, khai thác 131 vòm cầu liên quan đến tuyến đường sắt để phát triển du lịch, thương mại, mong rằng sẽ thu hút được khách du lịch.
Bài toán khó cho các nhà quy hoạch và quản lý khi phải đưa ra các giải pháp phù hợp với sự phát triển cơ sở hạ tầng vừa không phá vỡ nét đặc sắc kích cầu du lịch của Thủ đô. Tuy nhiên, để tìm được giải pháp bền vững không phải dễ, cần nhiều thời gian phân tích và ứng dụng thực tiễn.
Mặc dù vậy, phố cà phê đường tàu là một trong những nét đặc sắc của du lịch Thủ đô, cũng là một nét "văn hóa" đã len lỏi vào cuộc sống của nhiều người. Trong thời buổi hiện đại hóa, việc hòa nhập đã khiến nhiều nơi trở nên hòa tan mà không giữ được nét độc đáo. Với tiềm thức của nhiều người, phố cà phê đường tàu không chỉ là ký ức đẹp tuổi thơ mà còn là góc phố giúp người ta đến gần với âm thanh thường nhật, chân thật của cuộc sống nhất...