(Tổ Quốc) - Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hành trình xử lý nợ xấu còn gian nan nên chúng ta mới phải ra Nghị quyết chuyên đề về xử lý nợ xấu, để từ có có các cơ chế đặc thù giải quyết “cục máu đông” của nền kinh tế.
Tổng nợ xấu trên 160 nghìn tỷ đồng
Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Hành trình xử lý nợ xấu còn gian nan (Ảnh: Nam Nguyễn) |
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV chiều 22/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Nghị quyết mới về xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ được ban hành và nhanh chóng có hiệu lực từ 01/07/2017.
Trong Dự thảo Nghị quyết mới có 3 nội dung chính đáng chú ý: Thứ nhất, dự thảo đưa ra những cơ sở, điều kiện để tháo gỡ những nút thắt quan trọng đang cản trở việc đẩy nhanh hoạt động mua bán nợ xấu. Theo đó, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các pháp nhân, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ… Nội dùng này hứa hẹn sẽ giúp tăng mạnh thanh khoản trên thị trường mua bán nợ xấu, khi đối tượng tham gia không còn bị giới hạn như trước, cùng với đó là cơ chế đã mở hơn khi cho phép bán nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ.
Dự thảo Nghị quyết cũng khẳng định và đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD. Thực tế các vụ việc qua tòa án liên quan đến nợ xấu được ngành ngân hàng thống kê lại mất tới khoảng hai năm. Theo đó, chi phí liên quan chiếm tới khoảng 29% giá trị đòi nợ. Do vậy, có thể kỳ vọng nghị quyết mới giúp rút ngắn thời gian và chi phí đối với các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập đến cơ chế hỗ trợ phân bổ lãi dự thu, chêch lệch khi bán khoản nợ xấu của TCTD. Cụ thể, dự thảo mở ra hướng hỗ trợ, cho phép phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định giãn ra trong lộ trình không quá 10 năm.
Dự thảo Nghị quyết sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hình thành thị trường nợ xấu thứ cấp sau nhiều trở ngại trong việc đưa ra các quy định, chính sách để tạo lập thị trường này.
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, trong giai đoạn 2012-2016, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 610 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý (chiếm trên 56%), còn lại là bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác. Tính đến 31/3/2017, tổng nợ xấu nội bảng hệ thống các TCTD trên 160 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,56% tổng dư nợ tín dụng.
Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ thì đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Cơ chế đặc thù để xử lý “cục máu đông”
Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Đức Kiên cho rằng, sau 4 năm (2012 – 2016), 610 tỷ đồng nợ xấu được giải quyết – con số này cho thấy nhận định của chúng ta ở năm 2012 về thực trạng nền kinh tế Việt Nam là rất chuẩn xác.
“Mặc dù sau bốn năm, chúng ta đã giải quyết được nhiều vấn đề đối với nợ xấu nhưng nay vẫn phải ban hành Nghị quyết chuyên đề về xử lý nợ xấu – điều đó cho thấy bối cảnh trước đây khủng khiếp thế nào! Và thành công của chúng ta, đó là bên cạnh việc giữ ổn định, không để xảy ra sụp đổ thì vẫn đảm bảo được tăng trưởng của các tổ chức tín dụng. Đây là một thành công lớn trong lĩnh vực ngân hàng”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.
Hiện tổng nợ xấu nội bảng hệ thống các TCTD đến cuối tháng 3/2017 vẫn còn trên 160 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,56% tổng dư nợ tín dụng, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hành trình xử lý nợ xấu còn rất gian nan, thậm chí còn gian nan hơn bốn năm trước.
“Chính vì vậy chúng ta mới ra Nghị quyết chuyên đề về xử lý nợ xấu, từ đó để có các cơ chế đặc thù xử lý “cục máu đông” của nền kinh tế.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐB TPHCM) cho rằng, việc ra dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu trong thời điểm này là vô cùng cần thiết để tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu.
Nghị quyết nếu được thông qua sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
“Quy trình xử lý tài sản khi ra toà có rất nhiều khâu. Thậm chí toà có thể không xử nếu người đi vay vắng mặt. Vì vậy, nợ xấu bị “ùn tắc” rất nhiều năm, trong khi nếu để lâu thì tài sản bị xuống cấp.
Vì vậy, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nhanh tài sản thế chấp. Điều này đã thành thông lệ quốc tế và các nước đều làm như vậy!”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh./.
Hà Giang