"Thiếu kỷ luật thì tổ chức khó tránh khỏi tan rã. Kỷ luật gắn liền với tổ chức, đảm bảo cho tổ chức tồn tại, hoạt động và phát triển".
- 13.10.2019 Sau Hội nghị Trung ương 11: Củng cố thêm niềm tin giữa nhân dân với Đảng
- 12.10.2019 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Kỷ luật cán bộ thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác
- 11.10.2019 Ngày làm việc thứ 5 Hội nghị Trung ương 11: Khai trừ Đảng ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn
- 11.10.2019 Bộ Chính trị yêu cầu công khai kết quả xử lý kỷ luật tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm
Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng vừa được Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành đã thẳng thắn nêu ra những hạn chế, yếu kém của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và yêu cầu công khai kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm.
Ông Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ảnh: quochoi.vn)
Kết luận được đưa ra khi thời gian qua đã có 53.000 cán bộ đảng viên bị xử lý kỷ luật Đảng, trong đó nhiều cán bộ cấp cao, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, sự công minh, khách quan của cơ quan kiểm tra Đảng. Nhân dịp này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
PV: Tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đau sót khi nêu ra con số hơn 70 cán bộ diện Trung ương quản lý, 7 tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay. Ông có suy nghĩ gì về con số này?
Ông Hoàng Văn Trà: Con số cán bộ đảng viên bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm. Con số ấy đã cho thấy những vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên ngày càng tăng. Tính chất, mức độ ngày càng phức tạp và nghiệm trọng. Con số này cũng nói lên quyết tâm chính trị, sự nỗ lực cố gắng quyết liệt của tổ chức Đảng, cũng như Ủy ban Kiểm tra các cấp trong công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng với sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự chuyển biến, tự chuyển hóa trong đội ngũ cán bộ đảng viên.
Con số này cũng nói lên là công tác phòng chống tham nhũng, kiểm tra, xử lý kỷ luật Đảng không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đảng ta hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật cho nên mọi cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp đều bình đẳng trước pháp luật.
PV: Với hơn 53.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật Đảng, theo ông, đâu là nguyên nhân chính ?
Ông Hoàng Văn Trà: Những sai phạm của tổ chức Đảng và đảng viên có nguyên nhân do thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu tính chiến đấu trong thi hành kỷ luật Đảng. Theo tôi còn nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thứ hai, là buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra giám sát của cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp. Thứ ba, tinh thần trách nhiệm, trình độ, năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ đảng viên trong quá trình thi hành công vụ. Vấn đề này là thực tế quá trình kiểm tra giám sát thi hành kỷ luật Đảng, cán bộ kiểm tra nhận thấy, trước hết là việc phát hiện vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên. Nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ có chức, có quyền thì ngay cấp chi bộ ở cơ quan đơn vị, địa phương hạn chế. Đây là khâu yếu.
Vấn đề thứ hai, khi những vi phạm khuyết điểm được cấp trên, đoàn kiểm tra chỉ ra, đưa ra gợi ý kiểm điểm xin ý kiến tổ chức nhưng ý kiến phát biểu góp ý phần nhiều còn chung chung, không đi thẳng vào vấn đề, không phân tích làm rõ vi phạm khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp mình, nặng giải trình, trình bày nguyên nhân khách quan và còn có biểu hiện bao che, dĩ hòa vi quý.
PV: Như vậy, việc nhiều cán bộ cấp cao phải chịu trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật Đảng đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, sự công minh, khách quan của cơ quan kiểm tra Đảng?
Ông Hoàng Văn Trà: Việc nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý hình sự vừa qua, như trường hợp ông Đinh La Thăng, ông Vũ Văn Ninh... thể hiện quyết tâm làm trong sạch nội bộ của Đảng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, sự cố gắng, nỗ lực, công minh, khách quan của cơ quan kiểm tra và cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước ta.
Những cán bộ cao cấp bị xử lý hình sự, thực tế là họ có quá trình cống hiến, thành tích ghi nhận. Có cán bộ từng cầm súng chiến đấu vì dân tộc. Tuy nhiên, pháp luật là nghiêm minh và công bằng với mọi người. Có công thì được thưởng, vi phạm thì phải chịu trách nhiệm xem xét xử lý. Đáng tiếc là sự rèn luyện của một số cán bộ đó không được liên tục. Có cán bộ không vượt qua cám dỗ vật chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích, thoái hóa, biến chất. Những hành vi đó cần xử lý để giáo dục, răn đe theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “xử lý 1 người để cứu muôn người”.
PV: Như ông vừa trao đổi, rõ ràng không tăng cường kỷ luật Đảng thì những sai phạm của nhiều đảng viên sẽ trở thành nguy cơ lớn và thách thức đến uy tín và sự tồn vong của Đảng và chế độ?
Ông Hoàng Văn Trà: Tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Kỷ luật Đảng có tầm quan trọng đặc biệt trong thực nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Để đảm bảo cho sự tồn tại, hoạt động và phát triển của Đảng, mọi biểu hiện coi thường kỷ luật Đảng, tự đặt mình lên trên tổ chức, ra ngoài tổ chức và những hành động vi phạm kỷ luật của Đảng, dù nhỏ đều ảnh hưởng đến uy tín và làm giảm, suy yếu sức chiến đấu của Đảng. Kỷ luật chặt chẽ thì tổ chức vững mạnh. Kỷ luật lỏng lẻo thì tổ chức suy yếu. Thiếu kỷ luật thì tổ chức khó tránh khỏi tan rã. Kỷ luật gắn liền với tổ chức, đảm bảo cho tổ chức tồn tại, hoạt động và phát triển.
Trong tình hình hiện nay cùng với các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng khác thì đảng ta cần tăng cường kiểm tra, kỷ luật Đảng, xử lý nghiêm minh các vi phạm tổ chức Đảng và đảng viên như thời gian qua chúng ta đã thực hiện được.
PV: Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng cũng đã thẳng thắn nêu ra những hạn chế, yếu kém của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và yêu cầu công khai kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm. Với tinh thần thẳng thắn, nhìn vào sự thật thì rõ ràng, phải luôn kiên định trong công tác phòng chống tham nhũng, trong việc tăng cường kỷ luật Đảng hiện nay, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Trà: Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tăng cường kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Trong đó, tổ chức Đảng giữ vai trò nòng cốt. Với tinh thần nhìn thẳng sự thật, Đảng ta đã đánh giá đúng tình hình, chỉ rõ được nguyên nhân và đưa ra được biện pháp kiên quyết đấu tranh, làm giảm thiểu hành vi tham nhũng.
Thực tiễn công tác phòng chống tham nhũng và kỷ luật Đảng thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Thể hiện chúng ta đánh giá đúng tình hình, đi đúng hướng, làm đúng cách. Giúp cho chúng ta kiên định được niềm tin, không lẫn lộn giữa hiện tượng và bản chất trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và kỷ luật Đảng của chúng ta hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông./.