• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Chủ tịch Quốc hội: Đầu tư của Nhà nước vào các di sản văn hóa thế giới, di sản quốc gia có giá trị đặc biệt đều phải rất thận trọng

Thời sự 19/06/2024 09:07

(Tổ Quốc) - Thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đa số các ĐBQH đều thống nhất về việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm thể chế hóa văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa và xây dựng pháp luật.

Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa cũng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009 như: Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong luật; Một số luật có sự đan xen với Luật Di sản văn hóa như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp… đã được sửa đổi, bổ sung có quy định liên quan đến di sản văn hóa cần được quy định trong Luật Di sản văn hóa đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật; các Công ước quốc tế, Chương trình có liên quan đến di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên cần nội luật hóa.

Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa cũng là nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Cần phân biệt theo loại hình di sản để có chính sách, cơ chế xã hội hóa phù hợp

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải quan tâm đến quy định tại khoản 6 Điều 89 dự thảo luật về sử dụng và trích lập các nguồn thu từ phí, lệ phí. Đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm cho ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Đầu tư của Nhà nước vào các di sản văn hóa thế giới, di sản quốc gia có giá trị đặc biệt đều phải rất thận trọng - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đề nghị cần rà soát, viết lại điều khoản này để phù hợp hơn với Luật Ngân sách Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh việc các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể như quy định tại Điều 7, Luật Ngân sách Nhà nước không hoàn toàn gây khó cho thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nêu ví dụ thực tế từ di sản văn hóa thế giới Hội An, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội An triển khai thu phí tham quan từ năm 1995 và trong một thời gian dài áp dụng cơ chế phần kinh phí thu được này sau khi bù đắp chi phí xong thì sẽ đầu tư trở lại cho di tích. Tức là “lấy từ di tích sẽ để lại đầu tư cho di tích”. Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, phần kinh phí này thu vào ngân sách không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Do vậy, tỉnh Quảng Nam đã quyết định không sử dụng nguồn thu này để cân đối lại cho Hội An. Phần cân đối cho Hội An được lấy từ nguồn khác và do HĐND tỉnh quyết định.

Tán thành với quan điểm khuyến khích mọi nguồn lực xã hội, các tổ chức, cộng đồng và cá nhân tham gia công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, việc xã hội hóa trong khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa cần có biện pháp phù hợp với từng loại di tích.

"Những di sản văn hóa như Hội An, Sa Pa, phố cổ Hà Nội… là những di tích “sống”, có người dân sinh sống trong đó thì cần thực hiện xã hội hóa, Nhà nước đầu tư phần nào còn nên để người dân tham gia và hưởng lợi từ khai thác những di sản này. Nhưng với những di sản khác như kinh thành Huế, thánh địa Mỹ Sơn thì không thể thực hiện xã hội hóa", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Với những di sản như kinh thành Huế, thánh địa Mỹ Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Nhà nước phải sử dụng các nguồn lực trong nước, huy động nguồn lực ngoài nước để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản, đặc biệt là cần huy động được các chuyên gia trong và ngoài nước am hiểu phương pháp đầu tư với những di sản rất đặc thù này vì có liên quan đến văn hóa, khảo cổ học...

“Đầu tư của Nhà nước vào các di sản văn hóa thế giới, di sản quốc gia có giá trị đặc biệt đều phải rất thận trọng, không thể thực hiện như dự án đầu tư công thông thường. Do đó, cần phân biệt theo loại hình di sản để có chính sách, cơ chế xã hội hóa phù hợp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quy định cụ thể chế độ, quyền lợi đối với người trông nom tại các di tích

Đề cập về nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, tại khoản 4 Điều 82 dự án Luật quy định: "Nguồn nhân lực trực tiếp trông nom, bảo vệ di tích và nguồn nhân lực không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức cần thiết khác phù hợp với công việc; được hưởng chế độ, quyền lợi của người lao động làm việc trong tổ chức đó theo quy định của pháp luật".

Trên thực tế hiện nay, tại một số di tích, nguồn nhân lực trực tiếp trông nom, bảo vệ là người cao tuổi, già yếu được cấp ủy, chính quyền và người dân giới thiệu ra trông nom, bảo vệ. Nguồn lực này chưa được đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên việc đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và các kiến thức cho những người cao tuổi nêu trên sẽ gặp khó khăn.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thể nghiên cứu, bổ sung quy định về độ tuổi đối với nguồn nhân lực trực tiếp trông coi tại các di tích để đảm bảo tính đồng bộ, phát huy được giá trị lịch sử văn hóa và tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công việc; đồng thời nên quy định cụ thể chế độ, quyền lợi đối với người trông nom tại các di tích xếp hạng.

Sửa đổi Luật Di sản văn hóa: Thực hiện tốt chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể  - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đóng góp ý kiến

Trong dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có nội dung về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể quy định tại Điều 13. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng thống nhất cao với ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có những quy định khắc phục một số bất cập, đảm bảo thống nhất, công bằng khi triển khai thực hiện việc công nhận danh hiệu nghệ nhân Nhân dân và nghệ nhân ưu tú trong tất cả các lĩnh vực.

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đề nghị Cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu quy định bổ sung việc tôn vinh, tuyên truyền, giáo dục về các danh nhân văn hóa thế giới.

Mặt khác, trong dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số chính sách về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặt ra yêu cầu cao hơn về nguồn nhân lực, tài chính. Do vậy, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ để bảo đảm thi hành luật hiệu quả.

Bảo vệ di tích nghiêm ngặt, nhưng tạo thuận lợi đối với người dân đã sinh sống trong khu vực di tích

Đề cập về khu vực bảo vệ của di tích; việc phân cấp trong việc cho phép đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khẳng định: Quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta luôn cho rằng di sản văn hóa là tài sản vô giá của dân tộc, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước, cần được bảo tồn một cách nghiêm ngặt.

Luật hiện hành và dự án Luật thống nhất về nguyên tắc, khu vực bảo vệ I của di tích là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Điều 26, Điều 27 dự thảo Luật quy định khu vực bảo vệ I của di tích được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian đối với những yếu tố gốc cấu thành di tích.

Tuy nhiên, dự án Luật lại quy định cho phép đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; đồng thời phân cấp phân quyền cho địa phương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định đối với dự án này ở các di tích được xếp hạng các cấp độ.

Với nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị phải có phương án để bảo vệ di tích nghiêm ngặt, nhưng đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân đã sinh sống trong khu vực di tích.

Sửa đổi Luật Di sản văn hóa: Thực hiện tốt chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể  - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Để bảo đảm yêu cầu bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian đối với những yếu tố gốc cấu thành di tích, theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, chỉ nên cho phép xây dựng, cải tạo nhà ở riêng lẻ đối với trường hợp di sản đã có cư dân sinh sống (như làng cổ Đường Lâm, đô thị cổ Hội An, khu vực bảo vệ I của Quần thể di tích Cố đô Huế...); phải bảo đảm nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, giữ nguyên "yếu tố gốc cấu thành di tích".

Về phân cấp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (khoản 2, Điều 27), điều 24 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền xếp hạng di tích rất chặt chẽ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định xếp hạng di tích quốc gia; Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, cần phải cân nhắc thêm việc quy định phân cấp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, bảo đảm thống nhất, chặt chẽ hơn.

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ