(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 31, chiều 15/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.
Cần giữ nguyên tắc "quốc lộ là Trung ương lo, tỉnh lộ là địa phương lo"
Phát biểu ý kiến về nội dung đền bù giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, dự thảo luật cần có sự rà soát để quy định cho phù hợp hơn.
“Bên cạnh đó, các quy định của dự thảo Luật lần này cần phải giữ nguyên tắc quốc lộ là Trung ương lo, còn tỉnh lộ là địa phương lo”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu quan điểm.
Bày tỏ quan tâm tới quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng công trình đường bộ, quy định tại Điều 32 của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, theo nghị quyết Trung ương, trong thời gian sắp tới Chính phủ sẽ trình đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để đảm bảo các điều kiện ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo.
Vừa qua, chúng ta đã phối hợp các nguồn ngân sách trung ương và địa phương để xây dựng các đường quốc lộ trên địa bàn các tỉnh.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thực tiễn này xuất phát từ nguyên nhân những năm qua, các địa phương thu ngân sách cao, có điều kiện tốt, nên Quốc hội đã thống nhất chủ trương sử dụng phần ngân sách của các tỉnh để tham gia cùng ngân sách trung ương, thực hiện việc xây dựng một số đường quốc lộ. Tuy nhiên, về lâu dài, ngân sách của trung ương cơ bản giữ vai trò chủ đạo.
Việc tập trung nguồn lực quốc gia để xây dựng hệ thống cao tốc quốc lộ trong những năm gần đây và trong thời gian sắp tới cũng chỉ tiếp tục trong một khoảng thời gian nhất định.
Vì vậy, việc phối hợp ngân sách địa phương và Ngân sách trung ương là tạm thời trong hoàn cảnh trước mắt, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng không nên vì tình hình đó mà sửa nguyên tắc trong Luật Ngân sách nhà nước.
Nếu đủ điều kiện địa phương có thể làm chủ đầu tư cao tốc
Quan tâm đến quy định về phân cấp quản lý ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng tình với ý kiến của đại biểu đã phát biểu trước đó. Trong đó, Luật Ngân sách đã quy định rất chặt chẽ, không phải là thiếu sót của Luật Ngân sách, trong đó ngân sách là thống nhất cấp quốc gia và đảm bảo vai trò chủ đạo ngân sách trung ương.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, điều quan trọng nhất là chúng ta cần phê duyệt quy hoạch về phát triển giao thông quốc gia để trong trung và dài hạn phân bổ nguồn lực để quyết tâm hoàn thành theo thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc xương sống nhằm kết nối vùng.
Do vậy, ngân sách quốc gia phải tập trung các nguồn lực ngắn hạn và dài hạn để đầu tư các quốc lộ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, an toàn và kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển. Còn các địa phương nên tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, đường huyện, còn trách nhiệm của Trung ương là đầu tư các tuyến quốc lộ để tạo sự kết nối liên thông.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc một số địa phương tham gia đầu tư quốc lộ có thể xem xét như trường hợp đặc thù.
"Không nên luật hóa vào trong luật, nhưng có thể phân cấp để địa phương tham gia vào quá trình đầu tư, tham gia vào quá trình giải phóng mặt bằng; nếu đủ điều kiện có thể làm chủ đầu tư cao tốc, nhưng đây vẫn chủ yếu là trách nhiệm của ngân sách quốc gia" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Kết luận nội dung cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tích cực chủ động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu để tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan thẩm tra căn cứ vào các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tránh chồng chéo về nội dung, bảo đảm tính khả thi của luật khi được ban hành; xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước; đánh giá kỹ tác động của các quy định mới, đảm bảo đạt được mục đích xây dựng luật; làm rõ các nội dung đề nghị sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan./.