(Tổ Quốc) - Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, chỉ trong mấy tháng đầu năm 2017 mà giải cứu hàng loạt sự cố trong lĩnh vực nông nghiệp như: dưa hấu, lợn... là quá nhiều.
Cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 15/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Doanh nghiệp FDI lớn nhưng đóng góp ngân sách hạn chế do được ưu đãi, trong khi doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn. Vì thế, cần phải đánh giá lại để có biện pháp làm đòn bẩy để doanh nghiệp phát triển, nếu không những tháng cuối năm 2017 sẽ rất khó khăn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ: Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2017 mà giải cứu hàng loạt sự cố về nông nghiệp là quá nhiều. |
Bên cạnh đó, báo cáo cho thấy có 11/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (có 2 chỉ tiêu không đạt) - Vậy sao GDP vẫn thấp? GDP năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra còn Quý I/2017 đạt mức thấp nhất so với nhiều năm gần đây. Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Tại sao Chính phủ chỉ đạo quyết liệt như thế, đưa ra nhiều chương trình hành động quyết liệt vậy mà kết quả lại như vậy?
Minh chứng cho điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ví dụ về việc giải cứu thịt lợn, dưa hấu… đã và đang diễn ra trong thời gian gần đây.
Theo ông Đỗ Bá Tỵ, việc giải cứu là đương nhiên để giúp người dân vượt qua khó khăn và Chính phủ cũng không thể làm ngơ. Tuy nhiên, nếu nhiều lần phải xử lý như vậy thì sẽ không đúng tầm, xét về vĩ mô là không ổn.
“Trước khó khăn của dân mà không giải cứu thì không được! Nhưng cần đánh giá lại vì sao tình huống như thế ở cấp vĩ mô chúng ta phải lao vào giải cứu? Chỉ vài tháng đầu năm 2017 đã giải cứu mấy lần thì quá nhiều. Vậy khâu dự báo đã làm tốt chưa? Tôi cho rằng nếu dự báo tốt thì đã không phải giải cứu như vậy!”, ông Tỵ nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu có cơ quan chuyên môn đánh giá, dự báo tình hình trong năm tới, xu hướng tình hình như thế nào?… thì sẽ không xảy ra chuyện giải cứu như vừa rồi. Vì thế, cần xem xét, đánh giá, chỉ đạo vĩ mô dài hơi hơn, chủ động hơn.
“Đòi hỏi tầm nghiên cứu vĩ mô của cơ quan chiến lược, dự báo tốt sẽ hạn chế thiệt hại cho dân. Tôi cho rằng, giải cứu phải là những tình huống lớn, tác động về chiến tranh, thảm hoạ thiên tai là đương nhiên, chứ những việc thông thường thế này mà phải giải cứu thì cần xem xét lại. Để khi đưa ra Quốc hội, các đại biểu, cử tri thấy Chính phủ có trách nhiệm”, ông Tỵ nêu quan điểm.
Cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đặt câu hỏi: “Tại sao người chăn nuôi bán giá có 25 nghìn đồng/kg mà người tiêu dùng vẫn phải mua với giá 100 nghìn đồng/kg? Hệ thống phân phối bán lẻ của chúng ta đang bị các đại gia trên thế giới nắm giữ? Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc chúng ta đang ký hàng loạt các hiệp định thương mại… Coi chừng chúng ta đang bị lấn át. Phải quan tâm đến nông nghiệp, phân phối. Đừng để cho người dân sản xuất xong thì chúng ta phải giải cứu sản phẩm của họ. Ngay cả Thủ tướng cũng đã nói đến vấn đề này!”.
Cũng trong sáng nay, khi cho ý kiến về công tác quản lý đất đai, ông Đỗ Bá Tỵ cho rằng, vụ việc ở Đồng Tâm (Hà Nội) và nhiều nơi khác thời gian qua cho thấy cần phải rà soát lại để sao cho đúng nguyên tắc. Phải có hệ thống quản lý chặt chẽ từ Trung ương đến các cơ sở. Và quan trọng nhất là phải làm cho dân thấy được chính sách của nhà nước là đúng.
Ngoài ra, phải xem xét lại việc xử lý các tình huống, đối thoại với dân…
“Vụ việc kéo dài, các thế lực thù địch sẽ tranh thủ phá hoại khiến sẽ bất lợi cho chúng ta”, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ quan điểm.
Phát biểu ngay sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, chúng ta không thiếu hành lang pháp luật, vậy tại sao vẫn để trẻ em kéo nhau ra đường trong nắng nóng như vậy để phản ứng chính quyền? Tôi đề nghị vấn đề này cần phải đặt lên bàn Quốc hội thảo luận rõ ràng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề cập đến chất lượng cuộc sống của người dân. Bà nhấn mạnh: “Người dân chúng ta đã được hưởng an toàn về trật tự xã hội, an toàn về thực phẩm, nước uống, môi trường… chưa? Đây là các lĩnh vực cần phải tập trung đánh giá trong kỳ họp tới"./.
Hà Giang