• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Chuyển đổi số quốc gia là quá trình "dò đá qua sông"

Thời sự 10/06/2023 17:53

(Tổ Quốc) - Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, chuyển đổi số quốc gia là quá trình "dò đá qua sông", vừa làm vừa rút kinh nghiệm; vừa phải bảo đảm tiệm cận với trình độ phát triển công nghệ của thế giới, vừa đặt ra yêu cầu về quản lý.

Ngày 10/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Chuyển đổi số quốc gia là quá trình "dò đá qua sông" - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ

Đánh giá, nhận định tình hình thì phải bằng các "con số biết nói"

Phát biểu thảo luận tại Tổ 9, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, cơ sở chính trị để xây dựng luật là các Nghị quyết Trung ương về chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ số, cải cách hành chính… Về cơ sở pháp lý, Hiến pháp cũng quy định rất rõ về quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là tài sản quốc gia được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật, liên quan đến an ninh quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng để đáp ứng cấp độ 4 về bảo đảm an toàn thông tin.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn là cơ sở gốc để làm căn cước công dân. Qua tổng kết, đánh giá, Chính phủ và các cơ quan cho rằng, việc cấp căn cước công dân là bước tiến mới trong chuyển đổi số quốc gia. Thực tế, chuyển đổi số quốc gia là quá trình "dò đá qua sông", vừa làm vừa rút kinh nghiệm; vừa phải bảo đảm tiệm cận với trình độ phát triển công nghệ của thế giới, vừa đặt ra yêu cầu về quản lý.

Qua giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, một trong những nguyên nhân khó đánh giá tình hình nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia. Số liệu rất mênh mông, dù khoa học thống kê đã phát triển, nhưng để đánh giá, nhận định tình hình thì phải bằng các "con số biết nói". Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu không nhanh chóng phát triển hệ thống dữ liệu quốc gia thì sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Chuyển đổi số quốc gia là quá trình "dò đá qua sông" - Ảnh 2.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, nếu như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước tốt, kết nối và chia sẻ được, thì chỉ cần căn cước công dân, thay vì phải dùng đến 5 loại giấy tờ, tiết kiệm được chi phí.

"Nhưng quá trình làm, chúng ta phải chấp nhận "sự quá độ" nên trong chừng mực nào đó còn có hạn chế. Đơn cử như hiện nay chúng ta có chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sau đó căn cước công dân có gắn chip và không có gắn chip và thẻ căn cước - như vậy là có 5 loại cùng song hành. Một là quy định thời hiệu hết hiệu lực như trong dự thảo Luật; hai là khi nào hết hiệu lực thì tự tiêu vong. Trong thành công chắc chắn còn có hạn chế, quan trọng là chúng ta phải làm sao có giải pháp kỹ thuật để khắc phục hạn chế này", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

"Có đai, có rào" để không làm lộ lọt bí mật thông tin, vi phạm quyền công dân

Đối với việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải làm rõ giải pháp công nghệ như thế nào, "có đai", "có rào" để khai thác hiệu quả thông tin, không làm lộ lọt bí mật thông tin, không vi phạm quyền công dân, quyền con người.

"Cụ thể cấp quyền khai thác ra sao, ai được truy xuất và quyền truy xuất đến đâu? Chứ không phải ai cũng có quyền khai thác. Ví dụ: tích hợp giấy hợp giấy phép lái xe, cơ quan nào cần truy xuất giấy phép lái xe thì chỉ truy xuất giấy phép lái xe; cơ quan nào cần truy xuất thẻ bảo hiểm thì chỉ được phép khai thác dữ liệu về bảo hiểm. Và cần được quy định trong luật hay văn bản dưới luật cho các cơ quan có thẩm quyền. Cũng có ý kiến đặt vấn đề tại sao không truy xuất trong cơ sở dữ liệu quốc gia mà phải truy xuất trong thẻ căn cước? Đây là vấn đề cần nghiên cứu thêm", Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Có ý kiến băn khoăn về việc tích hợp thông tin cá nhân vào thẻ căn cước trong trường hợp mất thẻ và chờ được cấp lại thì sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng các thông tin (cũng là các giấy tờ) đã được tích hợp trong thẻ căn cước, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền công dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Chuyển đổi số quốc gia là quá trình "dò đá qua sông" - Ảnh 3.

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Cùng băn khoăn về nội dung này, đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, việc thẻ căn cước tích hợp nhiều thông tin cá nhân, nên cơ quan, tổ chức, người khai thác có thể khai thác được bí mật cá nhân của người khác thông qua thẻ căn cước. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định, chỉ cấp quyền khai thác thông tin tích hợp trong căn cước phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể. Và cần có sự đồng ý, giám sát của công dân.

Ngoài ra, đề nghị cần cân nhắc lại việc tích hợp các thông tin như: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, khai sinh, chứng nhận kết hôn... vào căn cước là không phù hợp với nội hàm "căn cước" theo định nghĩa tại Khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật. Cụ thể "Căn cước là thông tin về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người". Do đó, biểu đại Lương Văn Hùng nhận thấy, việc tích hợp các thông tin nêu trên vào căn cước là không phải về lai lịch, nhân dạng…của một người.

Liên quan đến quy định về việc cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam tại Điều 7, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, quy định này không hợp lý và thiếu logic. Bởi vì, người gốc Việt Nam là đối tượng không được cấp Căn cước theo quy định tại Điều 20 dự thảo Luật nên không thể cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không có căn cước. Nghĩa là nội dung quy định của Điều 7 và Điều 20 mâu thuẫn nhau.

Đồng thời, đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn liên quan đến quy định "Người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch" để đảm bảo không xung đột với Luật Quốc tịch Việt Nam và các quy định luật pháp liên quan khác.

Đại biểu Lương Văn Hùng cũng đề nghị thay đổi thông tin "Nơi đăng ký khai sinh" thành "Nơi sinh" trên thẻ căn cước để bảo đảm cơ sở khoa học hơn cho việc nhận diện công dân và giúp hạn chế sự trùng lặp trường thông tin công dân. Hơn nữa, đại biểu cho rằng, việc sử dụng thông tin "Nơi đăng ký khai sinh" trên thẻ căn cước là không hợp lý, vì trong thực tế và theo quy định của pháp luật hiện hành, một người mất giấy khai sinh có thể đăng ký lại ở một nơi khác và trong trường hợp này có thể dẫn đến sự thay đổi thông tin về nơi đăng ký khai sinh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Chuyển đổi số quốc gia là quá trình "dò đá qua sông" - Ảnh 4.

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) đề nghị cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Công an, sự phối hợp giữa Bộ Công an với các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp trong khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu hoặc Chính phủ phải có lộ trình để đạt được các mục tiêu đặt ra trong luật này.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định thời gian có hiệu lực thi hành của Luật bảo đảm đủ để các cơ quan, tổ chức chuẩn bị tốt, đầy đủ về trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để thực hiện hiệu quả các quy định này.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ