• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là công tác quan trọng, khâu đột phá quyết định sự phát triển đất nước

Thời sự 16/07/2020 16:07

(Tổ Quốc) - Sáng 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và năm 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2020 và năm 2021.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương; đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện một số Bộ, ngành hữu quan.

Theo chương trình đã được Quốc hội quyết định, tại kỳ họp thứ 10 diễn ra vào cuối năm nay, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 4 dự án luật khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 1 dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng tại phiên họp tháng 8/2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là công tác quan trọng, khâu đột phá quyết định sự phát triển đất nước - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị (ảnh VGP)

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 cũng như năm 2021 là tương đối nặng: Số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong 6 tháng cuối năm 2020 và năm 2021 là 17 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Bên cạnh đó, các bộ còn phải xây dựng văn bản quy định chi tiết các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và 43 văn bản quy định chi tiết các luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định: Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật, bảo đảm đúng tiến độ; kiên quyết trả lại hồ sơ đối với các dự án, dự thảo không đủ hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cần thể hiện rõ quan điểm không đủ điều kiện trình Chính phủ và đề nghị không đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã nghe các cơ quan báo cáo việc soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật đưa vào Chương trình, đặc biệt các dự án sẽ trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 10, tháng 10/2020; đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình chuẩn bị các dự án gắn với trách nhiệm của từng cơ quan để bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cuối năm 2020 và năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, qua tình hình chuẩn bị các dự án Luật cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng thể chế nói chung và xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng. Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc tổ chức Hội nghị chuyên đề của Chính phủ về Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 8 năm 2020. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động, khẩn trương thành lập Ban soạn thảo; tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo theo kế hoạch. Có dự án luật mới được bổ sung vào Chương trình năm 2020”, nhưng đã được các bộ tích cực phối hợp soạn thảo để bảo đảm chất lượng và tiến độ trình.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 cũng như năm 2021 là tương đối nặng: số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong 6 tháng cuối năm 2020 và năm 2021 là 17 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là công tác quan trọng, khâu đột phá quyết định sự phát triển đất nước - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị (ảnh VOV)

Tại Hội nghị, các Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vân tải, Bộ VHTTDL đã báo cáo về việc triển khai xây dựng các Dự án Luật của Bộ, ngành như: Luật Biên phòng Việt Nam, Dự án Luật Khám bệnh chữa bệnh; Luật giao thông đường bộ (sửa đổi); Dự án Luật điện ảnh (sửa đổi)...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa 2 dự án luật sau vào Chương trình điều chỉnh xây dựng luật năm 2020 là dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo đó, 2 dự án này luật này đã được Chính phủ cơ bản thông qua và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình của Kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV tới đây. Hiện đang tổ chức lấy kiến nhân dân trên Cổng TTĐT Chính phủ và Cổng TTĐT Bộ Công an.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Bộ trưởng Tô Lâm từng báo cáo vấn đề này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét các dự án luật khác có liên quan. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Công an phải trình hồ sơ theo đúng quy định của luật. Hiện các cơ quan của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội chưa nhận được hồ sơ về 2 dự án luật này.

Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hoan nghênh sự tham gia đầy đủ của các đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương; đại diện một số Bộ, ngành hữu quan tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là công tác quan trọng, khâu đột phá quyết định sự phát triển đất nước. Tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cao với Nghị quyết 977/NQ-UBTVQH14 về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội kèm theo Bảng phân công cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh. Đối với những giải pháp để khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị các dự án Luật, đều là các giải pháp rất truyền thống; đề nghị các cơ quan, bộ ngành, đơn vị hữu quan nghiêm túc thực hiện để đảm bảo hoàn thành Chương trình đã đề ra./.

Hồng Hà (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ