• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: Tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Thực hiện: Thế Công | 03/05/2024

(Tổ Quốc) - Sáng 3/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (VHGD) tổ chức Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 7. Một trong những nội dung được các đại biểu cho ý kiến tại Phiên họp này đó là về dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: Tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp

Cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban VHGD Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của cơ quan chủ trì soạn thảo.

"Ban soạn thảo đã vất vả ngày đêm để dự án luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét. Trong quá trình phối hợp thẩm tra dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến góp ý; có báo cáo tiếp thu, giải trình đối với các nội dung cụ thể”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban VHGD để phục vụ cho công tác thẩm tra, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động ban hành kế hoạch, tiến hành thẩm tra theo quy trình, quy định; tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các chuyên gia về dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: Tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp

Qua nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các cơ quan, chuyên gia, có một số vấn đề cần tiếp tục được thảo luận kỹ lưỡng như: về sở hữu di sản văn hóa; khu vực bảo vệ di tích...

Trình bày báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề cập đến sự cần thiết xây dựng dự án Luật là nhằm thể chế hóa Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa và xây dựng pháp luật.

Theo Thứ trưởng, dự thảo Luật được xây dựng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện Luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009, như: Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong luật;

Rà soát các luật có liên quan trực tiếp với Luật Di sản văn hóa có quy định liên quan đến di sản văn hóa hoặc gián tiếp có liên quan để quy định trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Nội luật hóa các Công ước quốc tế, Chương trình về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tương thích và thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa và di sản văn hóa.

"Luật Di sản văn hóa sửa đổi là cần thiết, phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế" - Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Quy định di sản tư liệu trong một chương riêng để bảo đảm tính tương thích với các Chương trình, Điều ước quốc tế

Về nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho hay, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua tại hồ sơ lập đề nghị Luật.

Trong đó hoàn thiện các quy định về chính sách của nhà nước về bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa, vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu đối với di sản văn hoá, quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể gồm di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, bảo tàng, về trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành địa phương; Quy định cụ thể nội dung phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương, rõ trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Về tính thống nhất với hệ thống pháp luật, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương thông tin, Bộ VHTTDL đã rà soát dự thảo Luật với các Luật có liên quan để xây dựng các quy định tại dự thảo Luật bảo đảm chất lượng, khả thi; đồng thời, hoàn thiện Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: Tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa - Ảnh 3.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương báo cáo tại phiên họp

Riêng đối với vấn đề giao thoa giữa Luật Di sản văn hóa hiện hành và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ VHTTDL đã chủ động nghiên cứu kỹ 2 Luật, rà soát, quy định rõ 3 vấn đề then chốt giải quyết giao thoa.

Về bố cục Dự thảo Luật, đối với vấn đề cân nhắc thêm việc tách thành 1 chương riêng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu vì di sản tư liệu là 1 loại hình của di sản văn hóa vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể, Bộ VHTTDL đã nghiên cứu và nhận thấy, di sản tư liệu là 1 loại hình di sản độc lập, nội hàm bao gồm cả 2 yếu tố vật thể và phi vật thể, mang giá trị về thông tin có tính lan tỏa tầm quốc gia và quốc tế; đồng thời, UNESCO cũng quy định di sản tư liệu là 1 loại hình di sản mang tính độc lập, thông qua Chương trình Ký ức thế giới để ghi danh di sản tư liệu thế giới và di sản tư liệu của các khu vực (châu lục).

Vì vậy, để bảo đảm tính tương thích với các Chương trình, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Bộ VHTTDL đề nghị quy định di sản tư liệu trong một chương riêng; đồng thời, đã chỉnh lý, quy định rõ về khái niệm, tiêu chí nhận diện, các hình thức thể hiện để thấy rõ di sản tư liệu không trùng lắp với các loại hình di sản văn hóa khác, cũng như rõ các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị (tại khoản 5 Điều 3 và các Điều từ 51 đến Điều 61 dự thảo Luật).

“Bộ VHTTDL đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo các ý kiến góp ý tại Báo cáo Thẩm tra sơ bộ, ý kiến của các đại biểu, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Dự luật quan trọng, được dư luận xã hội trong và ngoài nước quan tâm

Tại phiên họp, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao ban soạn thảo đã dày công xây dựng, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật. Các đại biểu cũng đã đóng góp cụ thể vào một số nội dung cần ban soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn.

Cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các thành viên Ủy ban tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, thấu đáo thận trọng, vì đây là dự luật quan trọng, được dư luận xã hội trong và ngoài nước quan tâm, liên quan tới nhiều lĩnh vực và nhiều luật khác, bảo đảm không chồng chéo, không trùng lắp. Đồng thời, khắc phục được những bất cập, hạn chế, tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, cần tập trung thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thành các chính sách, quy định cụ thể, có tính khả thi cao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: Tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Quan trọng và cần nhất là "quy định chính sách gì để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa không bị mai một; nhất là chuyển đổi số trong văn hóa, số hóa di sản văn hóa; hợp tác công tư về phát triển văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; cải tạo, nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa, chúng ta phải nghĩ cho hiện tại và tương lai cũng như cho phát triển du lịch; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc ở miền núi, hải đảo, dân tộc ít người”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cần tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, phân cấp phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trên cơ sở thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 32, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban chủ trì, phối hợp với các cơ quan hoàn thiện công tác thẩm tra, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo đúng quy định.

Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban VHGD Nguyễn Đắc Vinh đề nghị ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp mà đại biểu đã nêu để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình ra Quốc hội.

Tại Phiên họp, các ủy viên Ủy ban VHDG cũng biểu quyết thống nhất về nguyên tắc đối với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGD về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ