(Tổ Quốc) - Ngày 8/3, bệnh nhân nhiễm HIV sẽ bắt đầu được nhận thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT thông qua dự án Hỗ trợ kỹ thuật Hướng tới Chương trình phòng chống HIV/AIDS Bền vững. Theo dự kiến, đến cuối năm 2019 sẽ có 40.000 bệnh nhân HIV được nhận thuốc từ BHYT. Đây được xem là “cột mốc” quan trọng trong việc đảm bảo điều trị cho người HIV tại Việt Nam.
Nhân sự kiện quan trọng này, Báo điện tử Tổ quốc đã có cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
PV: Xin ông cho biết lợi ích của sử dụng BHYT trong khám, chữa bệnh đối với người nhiễm HIV/AIDS?
Ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
Ông Hoàng Đình Cảnh: Với những người không nhiễm HIV tham gia BHYT để khi đi khám, chữa bệnh sẽ được BHYT chi trả. Nếu may mắn không bị bệnh thì số tiền đó có cơ hội giúp những người khác không may bị bệnh nhất là những người phải chi phí điều trị lớn, đó là tính nhân văn hay nhân đạo của BHYT.
Đối với người nhiễm HIV tham gia BHYT thì bảo hiểm y tế càng có ý nghĩa quan trọng hơn, bởi vì người nhiễm HIV phải điều trị bằng thuốc kháng vi rút liên tục, suoosty dời, bên cạnh đó họ còn hay bị mắc các nhiễm trùng cơ hội hoặc mắc bệnh tật. Chi phí điều trị HIV/AIDS bao gồm thuốc ARV, các xét nghiệm CD4, tải lượng vi rút, các xét nghiệm chức năng gan, thận...
Số tiền mua thẻ BHYT nhỏ hơn nhiều so với số tiền họ được hưởng khi điều trị HIV/AIDS. Như vậy tham gia BHYT đem lại nhiều lợi ích cho người dân nói chung, đặc biệt có ý nghĩa giảm gánh nặng tài chính với người nhiễm HIV.
PV: Thủ tục tham gia BHYT của người nhiễm HIV có gì giống và khác so với người không nhiễm HIV, thưa ông?
Ông Hoàng Đình Cảnh: Với người nhiễm HIV có đủ giấy tờ, đủ điều kiện kinh tế thì việc tham gia BHYT tương tự như người dân không nhiễm HIV. Mua BHYT theo hộ gia đình ở đại lý BHXH tuyến xã, phường.
Đối với người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT hoặc hết hạn BHYT thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm y tế, cơ sở điều trị HIV/AIDS sẽ hướng dẫn người nhiễm thực hiện các thủ tục đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế và lập danh sách những người đó gửi đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố mua tập trung.
Như vậy, những khó khăn khi tiếp cận BHYT của người nhiễm HIV đã được giải quyết khi Thông tư 27/2018 hướng dẫn thực hiện BHYT liên quan đến HIV được ban hành.
Bệnh nhân HIV được nhân viên y tế tư vấn về chăm sóc sức khỏe.
PV: Thưa ông, việc điều trị ARV thông qua BHYT có ý nghĩa như thế nào đối với ngành y tế nói chung và công cuộc phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam nói riêng trong bối ảnh hiện nay?
Ông Hoàng Đình Cảnh: Như các bạn biết, điều trị ARV đã triển khai tại VN hơn 10 năm nay, hầu hết từ nguồn tài trợ quốc tế. Hiện nay, có trên 115 nghìn người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và con số này sẽ ngày một tăng. Trong khi đó, nguồn viện trợ đang giảm dần và sẽ kết thúc vào năm 2018. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ trương sử dụng BHYT là nguồn thay thế và chỉ đạo các địa phương phải đảm bảo 100% người nhiễm có thẻ BHYT.
Người nhiễm HIV thuộc rất nhiều các đối tượng khác nhau và sẽ tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng đã quy định trong Luật BHYT. Tuy nhiên, phần đông người nhiễm HIV thuộc nhóm người không được hỗ trợ của nhà nước mà phải tham gia BHYT theo hộ gia đình. Các địa phương cân đối kinh phí hỗ trợ cho những đối tượng thuộc hộ cận nghèo, khó khăn để đảm bảo 100% người nhiễm có thẻ BHYT.
Với chủ trương BHYT toàn dân thì việc điều trị ARV thông qua BHYT sẽ khuyến khích mọi người tham gia trong đó bao gồm cả người nhiễm HIV vì BHYT không chỉ phục vụ khám điều trị HIV/AIDS hay cấp thuốc ARV mà còn để khám và chữa các bệnh khác.
Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời nếu không tham gia BHYT người nhiễm HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hàng năm. Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam.
PV: Ông có thể cho biết về phía cơ sở khám, chữa bệnh đã chuẩn bị như thế nào để chuyển đổi khám và điều trị HIV/AIDS qua BHYT?
Ông Hoàng Đình Cảnh: Để triển khai khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT, cơ sở y tế đó phải đủ điều kiện ký hợp đồng với BHXH. Vì vậy, các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải được kiện toàn lại. Để thực hiện, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn để hướng dẫn địa phương thực hiện công tác này, đồng thời tổ chức rất nhiều đoàn hỗ trợ kỹ thuật; đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện tại các tỉnh, thành phố. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án, đối tác quốc tế, đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT. Năm 2019, năm đầu tiên sẽ triển khai khám chữa bệnh BHYT ở 188 cơ sở, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT.
Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV để tránh tình trạng nhận thuốc nhiều nguồn.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông bằng các kênh truyền thông trực tiếp và đại chúng nhằm cung cấp thông tin về lợi ích của điều trị ARV, lợi ích của điều trị ARV sớm, lợi ích và quyền lợi khi tham gia BHYT để được điều trị liên tục tới người nhiễm HIV nhằm khuyến khích, vận động người nhiễm HIV tự tham gia BHYT. Các nhân viên y tế đã được cung cấp đầy đủ thông tin về BHYT và điều trị ARV và được tập huấn nhằm tăng cường kỹ năng tư vấn, truyền thông, giáo dục cho người nhiễm HIV tầm quan trọng tham gia BHYT và tự nguyện tham gia BHYT.
Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!