• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng: Cổ phần hoá không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính

Kinh tế 25/07/2018 22:03

(Tổ Quốc) - Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp vừa sơ kết 6 tháng thực hiện nhiệm vụ của năm 2018 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Tính từ đầu năm tới hết tháng 6, cả nước có 16 DNNN đã IPO và bán gần 46% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược, thu về 22.457,29 tỷ đồng, gấp 4,5 lần số thu từ IPO của cả năm 2017.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. Ảnh: Thành Chung

Các bộ, địa phương cũng bán vốn Nhà nước tại 42 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng (gấp 3,08lần giá trị sổ sách).

Như vậy, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm đạt 28.055,29 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2011 - 2015 (khoảng 78.000 tỷ).

Về cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, tính từ trước đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa của 32 đơn vị sự nghiệp công lập...

Theo Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ, việc thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, các bộ, ngành địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm nay.

Trước hết, Ban chỉ đạo, các bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành quan trọng nhằm hoàn thiện khung khổ pháp luật, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, tài chính, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, bán vốn, cơ cấu lại DNNN. Các quy định này góp phần công khai hoạt động, thủ tục quy trình cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước, mang lại nhiều lợi ích hơn cho Nhà nước.

Đi vào các kết quả cụ thể, Phó Thủ tướng nhận định: “Mặc 6 tháng đầu năm số lượng DNNN cổ phần hoá, bán vốn ít, chậm so với kế hoạch nhưng đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn, số vốn Nhà nước thu về nhiều. Đây là độ sâu của cổ phần hóa hiện nay khi mà trước đây cổ phần hoá, bán vốn ở nhiều doanh nghiệp nhưng số vốn Nhà nước bán ra lại nhỏ”.

“Phải đề cao chất lượng cổ phần hóa là Nhà nước có lợi nhiều nhất, nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN sau cổ phần hoá”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tính tới nay, TPHCM và Hà Nội là hai địa phương có nhiều DNNN chưa cổ phần hóa nhất, trong khi các bộ, ngành Trung ương còn rất ít các DNNN chưa cổ phần hóa. Đồng thời, số lượng DNNN cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán rất thấp, mới chỉ có 150 trong số khoảng 700 DNNN đã cổ phần hóa thực hiện niêm yết. Chính điều này đã làm giảm tính hiệu quả trong bán vốn nhà nước, theo Phó Thủ tướng.

Đối với việc chậm thực hiện kế hoạch cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt, Trưởng Ban chỉ đạo chỉ ra vướng mắc lớn nhất là xác định, phê duyệt đất đai của DNNN cổ phần hoá. Ví dụ trường hợp của Vinafood2, sở hữu diện tích đất nông nghiệp hàng triệu ha, ở nhiều địa phương, trước khi cổ phần hóa, Bộ chủ quản và các địa phương phải xác định xong phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa nhưng chỉ TPHCM chậm xác định đã làm chậm kế hoạch cổ phần hóa của doanh nghiệp (sau này Vinafood2 phải đưa chi tiết này vào cáo bạch trước khi cổ phần hoá).

Bên cạnh đó là các nguyên nhân số lượng DNNN thực hiện kiểm toán (để bảo đảm số liệu trung thực, khách quan) trước khi cổ phần hóa tăng mạnh; nhiều DNNN có quy mô lớn thực hiện cổ phần hóa. Ngoài ra, việc chậm cổ phần hóa, bán vốn theo kế hoạch là do các hướng dẫn chưa được các bộ ban hành đầy đủ, thị trường chứng khoán giảm mạnh trong vài tháng qua.

Để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban chỉ đạo nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tình hình, kế hoạch triển khai trong 6 tháng cuối năm để trình Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan để đôn đốc, giám sát; các bộ rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, thông tư hướng dẫn các nghị định của Chính phủ về cổ phần hoá, bán vốn.

Thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với các bộ tổng hợp, rà soát, điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn để “định vị” kế hoạch bổ sung, làm căn cứ đánh giá kế hoạch thực hiện từ nay tới cuối năm. Phương châm đặt ra là: “Không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép mà không đạt hiệu quả tối đa”.

Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Văn phòng Chính phủ đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại DNNN và kiến nghị với Chính phủ, các bộ tại Hội nghị toàn quốc về DNNN sắp tới do Thủ tướng chủ trì; yêu cầu rà soát danh mục bàn giao về SCIC theo tinh thần các bộ, địa phương bàn giao hết các DNNN đã cổ phần hóa về SCIC; đôn đốc các bộ, địa phương chủ động rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần, sớm xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục.

Ảnh: Thành Chung

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính công khai các DNNN đã cổ phần hóa mà không niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng thời hạn; sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục bàn giao tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kịp thời về Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI; chỉ đạo Tổng cục Thống kê phối hợp với VCCI công bố Chỉ số phát triển doanh nghiệp đầu tiên vào Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2018.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường quan tâm chỉ đạo các sở tham mưu kịp thời cho lãnh đạo địa phương xác định kế hoạch sử dụng đất của DNNN sau cổ phần hoá để bảo đảm tiến độ cổ phần hoá của các DNNN./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ