Chiều 7/3, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về tình hình hoạt động khai thác cát trái phép.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo mở đợt cao điểm tấn công cát tặc. Ảnh: Lê Kiên/Tuổi Trẻ |
Có tình trạng cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí bảo kê cho hành vi khai thác cát trái phép” -Đó là nhận định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp chiều nay ở Trụ sở Chính phủ.
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết, thời gian qua, hoạt động khai thác cát sỏi trái phép xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước với diễn biến phức tạp, hoạt động công khai, gây bức xúc trong dư luận.
Trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu ở phía Bắc hay sông Sài Gòn, Đồng Nai ở phía Nam, hàng đêm có hàng nghìn đối tượng sử dụng hàng trăm tàu để khai thác vận chuyển mua bán cát trái phép với số lượng lên đến vài chục nghìn mét khối.
Chủ phương tiện và người quản lý thường xuyên tránh mặt và thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động. Nhiều trường hợp, các đối tượng sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi thanh, kiểm tra.
Nguyên nhân chủ quan của tình trạng này được các bộ, ngành địa phương đề cập đó là do sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương chưa chặt chẽ, có nơi còn buông lỏng quản lý, đùn đẩy trách nhiệm nhất là ở những địa bàn giáp ranh.
Thống kê đến đầu năm 2016, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra tại 20 tỉnh, thành phố gây thất thoát tài nguyên, thất thu thuế, làm mất trật tự an ninh. Việc thanh, kiểm tra chưa hiệu quả, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Qua thống kê của 22/63 tỉnh, thành phố, từ năm 2013 đến 2016, các địa phương đã phát hiện và xử lý hơn 2700 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 38 tỷ đồng, chỉ chuyển xử lý hình sự 7 vụ vi phạm.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Khó khăn trong quản lý khai thác cát chủ yếu là các đối tượng hoạt động rất tinh vi, đi khai thác từ 23h đến 3h sáng và canh chừng rất kĩ. Khi lực lượng chức năng phát hiện ra thì các đối tượng nhấn chìm ghe, hành động rất manh động. Bên cạnh đó, do địa bàn trải dài, lực lượng chức năng mỏng nên việc xử lý cũng có những khó khăn nhất định và chế tài chưa đủ sức răn đe.”
Các đại biểu đề nghị, cần lập quy hoạch, đấu thầu khai thác các mỏ cát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển sản xuất. Còn đối với những đơn vị đang khai thác có giấy phép thì cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng và giám sát của người dân.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp, thậm chí công khai, ngang nhiên giữa ban ngày mà không bị xử lý là do có tính trạng cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương buông lỏng quản lý, bao che, bảo kê cho hành vi vi phạm.
Phó Thủ tướng yêu cầu, tới đây, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, vận dụng các công cụ pháp luật trong đó có Bộ luật hình sự và các luật hiện hành để xử lý nghiêm những hành vi khai thác cát trái phép.
Cùng với đó là tăng cường công tác thanh, kiểm tra của các bộ, ngành chức năng, trong đó, trách nhiệm của bộ công an là thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi trái phép tại các địa phương. Trước mắt là mở đợt cao điểm đấu tranh chống cát tặc từ 15/3/2017 đến 1/6/2017.
Tăng cường mở các chuyên án đấu tranh phòng chống các loại khai thác vận chuyển và tiêu thụ cát sỏi xây dựng. Xem xét khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe giáo dục.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đặc biệt lưu ý, nơi nào để xảy ra sai phạm trong quản lý khai thác cát sỏi thì kiên quyết xử lý nghiêm chính quyền địa phương và người đứng đầu. Trường hợp phát hiện cán bộ có hành vi bao che, bảo kê cho vi phạm sẽ tùy tính chất, mức độ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.