• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng: Điểm trừ của Bộ Tài chính là giải ngân vốn đầu tư công quá chậm

Kinh tế 05/07/2017 14:10

(Tổ Quốc) - Dù khẳng định việc giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, trách nhiệm chính là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, Bộ Tài chính cần phải chia sẻ về trách nhiệm này.

Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2017 (sáng 6/7), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong 6 tháng, Bộ Tài chính đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng. Cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đúng thời hạn và đóng góp xứng đáng trong thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của cả nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ   (Ảnh: Nam Nguyễn)

Mặc dù có nhiều áp lực lớn, trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất liên tiếp hai lần, áp lực nhập siêu.. song vấn đề tỷ giá, lãi suất, lạm phát... đều cơ bản vẫn được kiểm soát. Lạm phát thực 6 tháng chỉ tăng 0,2%. Tăng trưởng cũng khởi sắc hơn so với quý I/2017. (Quý I/2017 là 5,15 % thì quý 2 là 6,17%). Cả 6 tháng đạt 5,73%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Đây là bước nhảy khá lớn.

Về thu ngân sách, Phó Thủ tướng cho rằng đã đạt khá. Dù chưa đạt 50% dự toán nhưng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo quy luật, 6 tháng cuối năm sẽ thu ngân sách tốt hơn. Vậy nên, triển vọng để đảm bảo cân đối thu chi là hiện thực.

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, 6 tháng đầu năm tăng khá, xuất khẩu tăng 19% trong khi cùng thời điểm này năm 2016 rất khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, thị trường vốn tiếp tục khởi sắc. Trong đó tín dụng tăng 8% trong 6 tháng. Trái phiếu phát hành thành công trong nửa năm đạt 68,6% kế hoạch và đây là con số rất đẹp.

Một “nét son” nữa khiến Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính là ở lĩnh vực điều hành giá.

“Chưa bao giờ chúng ta chỉ đạo bám sát thị trường, nhịp nhàng như vậy! Lạm phát kiểm soát được như hiện nay một phần cũng là nhờ sự điều hành giá của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Bộ Tài chính cũng là một trong những bộ sớm hoàn thành các dự án về tái cơ cấu DNNN...”, Phó Thủ tướng nhận định về những nỗ lực của Bộ Tài chính.

Dù vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã nêu ra những “điểm yếu” của Bộ Tài chinh trong điều hành 6 tháng đầu năm.

“Bộ trưởng Tài chính phải tính toán là kể cả vốn tồn từ năm trước chuyển sang và năm nay chưa giải ngân ước lượng khoảng 300.000 nghìn tỷ..."- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Cụ thể, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng. “Để đạt được mục tiêu đề ra 6,7% là rất gian nan”, Phó Thủ tướng nói.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhận định, giải ngân đầu tư công còn quá chậm. 6 tháng mới chỉ giải nhân được khoảng 25% vốn theo dự toán... Điều này tác động đến sản xuất, việc làm, thu nhập của người lao động, thu ngân sách, tác động trực tiếp đến nền kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn. Huy động vốn khá như vậy nhưng giải ngân không được.

“Bộ trưởng Tài chính phải tính toán là kể cả vốn tồn từ năm trước chuyển sang và năm nay chưa giải ngân ước lượng khoảng 300.000 nghìn tỷ. Nếu chúng ta tính tỷ lệ là vốn ngân sách theo vốn mồi thì từ 300.000 nghìn tỷ này có thể huy động thêm khoảng 700.000 tỷ. Vậy là nền kinh tế có khoảng thêm một triệu tỷ. Mà tổng GDP của chúng ta từ đầu năm đến nay chỉ có khoảng hơn hai triệu tỷ.

Vì thế, đây là điểm yếu then chốt. Trách nhiệm chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng bộ Tài chính cũng cần phải chia sẻ. Vấn đề này cần phải có sự phối hợp của cả hai bộ Tài chính và Kế hoạch và Đầu Tư”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hạn chế tiếp theo, Phó Thủ tướng cho rằng, đó là tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng cao nhưng số doanh nghiệp giải thể cũng cao. Doanh nghiệp hoạt động nhưng vốn chủ sở hữu rất mỏng, chủ yếu dựa vào vốn vay....

Ngoài ra, những vấn đề căn cơ của nền kinh tế đã có định hướng tích cực nhưng chưa nhiều chuyển biến như: tái cơ cấu, giải quyết nợ xấu, nợ công...

“Đặc biệt, các dự án, doanh nghiệp yếu kém thua lỗ, tổ chức tín dụng yếu kém..., chúng ta còn mất nhiều thời gian, công sức để xử lý. Chúng tôi đang giao cho từng tập đoàn, tổng công ty trong phạm vi, chức năng của mình phải chủ động rà soát, xử lý”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Thêm một điểm trừ của Bộ Tài chính mà Phó Thủ tướng nhắc tới là cổ phần hoá, thoái vốn vẫn còn chậm và chưa đạt mục tiêu mong muốn. Một vài đề án tái cơ cấu của ngành: bảo hiểm, chứng khoán... cần phải đặt ra mục tiêu xây dựng trong thời gian tới.

Về định hướng 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng cơ bản tán thành với các mục tiêu mà Bộ Tài chính đã nêu trong Báo cáo, đồng thời bổ sung thêm rằng, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thành kế hoạch về thu – chi ngân sách trong năm 2017. Phải thu đúng, thu đủ và đặc biệt phải quản lý chặt chẽ thu. Đảm bảo chi theo dự toán.

"Phải đảm bảo chi theo dự toán. Nếu bộ, ngành, địa phương nào thu không đạt dự toán thì phải có nguồn tài chính hợp pháp bù đắp. Nếu không có thì dứt khoát phải giảm chi tương ứng"- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

“Về chi ngân sách phải theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, phải đảm bảo chi theo dự toán. Nếu bộ, ngành, địa phương nào thu không đạt dự toán thì phải có nguồn tài chính hợp pháp bù đắp. Nếu không có thì dứt khoát phải giảm chi tương ứng. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chi tiêu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ Tài chính phải đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu DNNN theo đề án đã được duyệt. Tập trung xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công thương. Chủ trì, rà soát để đưa vào danh mục cảnh báo và đề xuất xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém khác của nền kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống chứng khoán, bảo hiểm và sớm đưa thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động trong tháng 8/2017.

Cùng đó, ngành cần hoàn thiện pháp luật về cổ phần hoá, thoái vốn theo mục tiêu làm sao để bịt được kẽ hở, lỗ hổng. Tránh tiêu cực, thất thoát, lợi ích nhóm trong định giá, sử dụng đất đai khi cổ phần hoá doanh nghiệp. Đồng thời phải tạo điều kiện thông thoáng để đẩy nhanh tiến trình này.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế - xã hội an ninh quốc phòng, giảm chi phí cho doanh nghiệp; Tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát và có kịch bản điều hành lạm phát theo kết luận đã đưa ra.

“Chúng tôi đã tính toán ba kịch bản lạm phát. Kịch bản xấu nhất thì lạm phát thực cũng chỉ khoảng 3,5% và lạm phát bình quân khoảng 3,42%. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan bởi những trường hợp bất khả kháng có thể xảy ra. Vì vậy, mục tiêu điều hành giá từ nay đến cuối năm hơi khác năm ngoái. Bên cạnh kiểm soát lạm phát, chúng ta cần phải đẩy nhanh lộ trình giá dịch vụ theo giá thị trường (xăng dầu, điện, y tế, giáo dục...). Điều hành giá phải hỗ trợ cho tăng trưởng”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

"Bộ phải lắng nghe, có trách nhiệm trả lời về vấn đề thuế bảo vệ môi trường trong mặt hàng xăng – mà dư luận không đồng tình trong thời gian vừa qua"- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở Bộ Tài chính phải làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, kịp thời cung cấp thông tin xác thực về điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ cho các cơ quan thông tấn, báo chí. Ví như, Bộ phải lắng nghe, có trách nhiệm trả lời về vấn đề thuế bảo vệ môi trường trong mặt hàng xăng – mà dư luận không đồng tình trong thời gian vừa qua.

Thay mặt ngành tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, điều hành công việc của Bộ trong 6 tháng đầu năm còn nhiều hạn chế.

Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương...  quán triệt, cụ thể hoá ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng bằng các nghiệp vụ cụ thể, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao./.

Hà Giang

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ