(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Điện Biên thu hút các doanh nghiệp du lịch lớn thiết kế sản phẩm đẳng cấp, độc đáo với "xứ sở hoa ban" như du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc.
Sáng 17/3, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ.
Về phía tỉnh Điện Biên có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường; Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh và nguyên lãnh đạo tỉnh Điện Biên.
Trở thành trung tâm du lịch của Tiểu vùng Tây Bắc
Quy hoạch tỉnh Điện Biên được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch chung cả nước.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm. Đến năm 2030 GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng (theo giá hiện hành), năng suất lao động đạt 190,0 triệu đồng (theo giá hiện hành); giảm tỉ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%.
Trao đổi một số vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai Quy hoạch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trước hết, Điện Biên cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho được các dự án hạ tầng quan trọng để liên kết vùng, với các địa phương của Lào, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giáo dục, y tế, văn hóa, nhằm dẫn dắt thúc đẩy thu hút các dự án có tính động lực, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa và trực tiếp phục vụ các định hướng, nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch tỉnh, cũng như của vùng Trung du và miền núi phía bắc.
Đồng thời, Điện Biên tiếp tục phát huy các lợi thế để chuyển dịch mô hình kinh tế dựa trên các nền tảng tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, chuyển đổi số trong thương mại, quảng bá du lịch, điểm đến để xóa nhòa khoảng cách và các khó khăn về địa lý, đến gần với Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Về mục tiêu trở thành trung tâm du lịch của Tiểu vùng Tây Bắc, Phó Thủ tướng đề nghị Điện Biên thu hút các doanh nghiệp du lịch lớn thiết kế sản phẩm đẳng cấp, độc đáo với "xứ sở hoa ban" như du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc; tăng cường quảng bá thương hiệu và kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch giữa các địa phương nhất là Lào Cai, Sơn La và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Trong thời gian tới, với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai, kinh tế nông, lâm nghiệp của Điện Biên tiếp tục phát triển hiệu quả, bền vững và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, cần sớm quy hoạch vùng trồng, quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng giá trị thương hiệu để vượt qua các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu.
Phó Thủ tướng lưu ý, khi Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành, sẽ "mở đường" cho nhiều chính sách về sử dụng đất rừng đa mục đích. Người dân có thể kết hợp trồng rừng với cây dược liệu, phát triển lâm nghiệp đa tầng và khai thác dịch vụ môi trường rừng cho mục đích du lịch,..
Bên cạnh đó, khi triển khai cam kết các mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng "0" vào năm 2050 sẽ ước tính 90% GDP toàn cầu nằm trong diện phải thực thi. Đây là cơ hội, sức hút đầu tư mới của Điện Biên, một tỉnh có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, kết hợp với thủy điện, thủy điện tích năng.
"Nguồn năng lượng sạch dồi dào có thể giúp Điện Biên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với tư duy mới, hình thành hệ sinh thái kinh tế số, các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số", Phó Thủ tướng gợi mở.
Gìn giữ những giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá, tôn vinh nét đẹp của thiên nhiên
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Quy hoạch tỉnh Điện Biên là bước khởi đầu thể hiện khát vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng.
Tỉnh Điện Biên cần tiếp tục cụ thể hóa bằng các quy hoạch kinh tế, kỹ thuật, quan trọng nhất là phát triển mạng lưới đô thị, nông thôn, các đô thị chức năng. Trong đó, nắm vững Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, coi đô thị hóa là động lực tăng trưởng, chuyển đổi mô hình, cơ cấu kinh tế, gắn với hệ sinh thái thương mại, dịch vụ, công nghiệp, du lịch… và hành lang kinh tế, giao thông kết nối liên vùng, quốc tế.
"Điện Biên xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư có tên tuổi, uy tín để tư vấn cho các quy hoạch phát triển đô thị, du lịch…vừa có tính hiện đại, vừa gìn giữ những giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá, tôn vinh nét đẹp của thiên nhiên, trong rừng có phố, trong phố có rừng. Đồng thời, khắc phục được tồn tại của các đô thị hiện nay như ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ùn tắc giao thông, quản trị mật độ dân số…", Phó Thủ tướng lưu ý.
Điện Biên cần đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù để đạt được những mục tiêu đặt ra, trước hết là có những dự án kết nối của vùng trung du, miền núi phía bắc và cả nước.
Cùng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và khát khao vươn lên của nhân dân, Phó Thủ tướng tin tưởng Điện Biên sẽ bước vào chặng đường phát triển mới; sớm đạt mục tiêu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện; phát triển thành tỉnh khá của vùng trung du và miền núi phía bắc trong những năm sắp tới.