• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng: Tài nguyên văn hóa, lịch sử là nguồn lực vật chất để Phú Thọ phát triển đột phá du lịch

Thời sự 10/01/2024 16:04

(Tổ Quốc) - Ngày 10/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nơi lưu giữ những trầm tích văn hóa, giá trị nguồn cội của dân tộc

Tỉnh Phú Thọ có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng, là cửa ngõ phía tây của Thủ đô Hà Nội; trung tâm kết nối tiểu vùng Đông Bắc với tiểu vùng Tây Bắc và trục hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc); nơi hợp lưu của ba con sông lớn: sông Hồng, sông Đà và sông Lô.

Đặc biệt, Phú Thọ là vùng đất Tổ, nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi, của truyền thống lịch sử và là nơi lưu giữ những trầm tích văn hóa, giá trị nguồn cội của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước.

Phó Thủ tướng: Tài nguyên văn hóa, lịch sử là nguồn lực vật chất để Phú Thọ phát triển đột phá du lịch - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía bắc, là một trong những trung tâm văn hóa, lễ hội gắn với cội nguồn dân tộc Việt Nam; một trong ba cực tăng trưởng trong trục động lực vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ; trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc; là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh bình quân thời kỳ 2021-2030 từ 10,5%/năm trở lên; trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 8,5-9,0%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt trên 12%/năm. GRDP bình quân người năm 2030 đạt 6.000-6.200 USD/người.

Du lịch phải được coi là ngành kinh tế mũi nhọn

Với việc mở ra không gian phát triển mới, dựa trên những tiềm năng lợi thế riêng có; khai thác thế mạnh về liên kết vùng đặc biệt là với vùng Thủ đô, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao đổi về định hướng phát triển một số ngành kinh tế trụ cột của tỉnh Phú Thọ.

Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý, du lịch phải được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. "Hình ảnh những đồi chè xanh tươi cho thấy du lịch của Phú Thọ không chỉ có thế mạnh văn hóa, lịch sử mà rất hấp dẫn, tiềm năng cho du lịch tự nhiên, sinh thái, nông nghiệp".

Phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, thông minh gắn với chuỗi giá trị, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong quá trình triển khai Quy hoạch, Phó Thủ tướng đề nghị Phú Thọ nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành, lĩnh vực quốc gia, quy hoạch vùng, về hệ thống đô thị, nông thôn để phát triển các đô thị kinh tế đồng bộ với các hệ sinh thái công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ.

"Phú Thọ cần có sáng kiến, ý tưởng tốt, lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực để lập quy hoạch chi tiết cho đô thị, nông thôn, phân khu chức năng công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… trên địa bàn toàn tỉnh, công khai đến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư", Phó Thủ tướng nói và lưu ý, quá trình phát triển đô thị phải hướng tới tiêu chuẩn đồng bộ, hài hòa, xanh, hiện đại, thông minh, giữ được bản sắc văn hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác được hết thế mạnh của tự nhiên, kết nối với hệ thống đô thị của vùng, giữa đô thị và khu vực nông thôn.

Phó Thủ tướng: Tài nguyên văn hóa, lịch sử là nguồn lực vật chất để Phú Thọ phát triển đột phá du lịch - Ảnh 2.

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong phát triển công nghiệp, dịch vụ cần ưu tiên các dự án động lực có tác động lan tỏa lớn, lựa chọn các dự án dự theo các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, sử dụng đất tiết kiệm.

Phú Thọ cần bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc, biểu tượng tự hào của triệu triệu con tim mang dòng máu Lạc Hồng về cội nguồn, khát vọng thống nhất, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết và minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc, làm nên sức mạnh Việt Nam.

"Tài nguyên văn hóa, lịch sử không chỉ là sức mạnh tinh thần nội sinh mà còn là nguồn lực vật chất để Phú Thọ phát triển đột phá về du lịch. Tỉnh cần tập trung nghiên cứu quy hoạch, đầu tư phát triển thành phố Việt Trì thành thành phố của lễ hội đặc sắc độc đáo, miền hội tụ của các di sản; Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng mang tầm vóc quốc gia.

Gắn kết du lịch văn hóa, lịch sử với du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, sinh thái, tự nhiên, nông nghiệp kết hợp chăm sóc sức khỏe; tăng cường quảng bá thương hiệu và kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng", Phó Thủ tướng phân tích thêm.

Từ bài học thành công của những năm qua, Phú Thọ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực quản trị thông qua xây dựng hạ tầng số, chính quyền số.

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, đặc biệt là với vị trí thượng nguồn của các con sông lớn, Phó Thủ tướng đề nghị Phú Thọ cần chú trọng bảo vệ nguồn nước và phát triển rừng, tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ về thiên tai, tai biến địa chất.

Phó Thủ tướng tin tưởng: Với truyền thống lịch sử văn hóa, lòng tự hào của quê hương đất Tổ, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên, phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, Phú Thọ sẽ sớm hoàn thành mục tiêu trở tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía bắc.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ