(Tổ Quốc) - Nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2019), sáng nay Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã tới dự lễ mít tinh kỷ niệm tại Học viện Tòa án; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự lễ kỷ niệm cùng thầy và trò trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Học viện Tòa án phải trở thành một cơ sở đào tạo đại học-sau đại học danh giá, có uy tín
Tham dự buổi lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Học viện Tòa án, nhấn mạnh truyền thống "tôn sư, trọng đạo" của dân tộc Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chúc mừng, biểu dương tinh thần cố gắng, vươn lên của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, giảng viên cùng toàn thể các em học viên, sinh viên đã đoàn kết, vượt mọi khó khăn, chung sức chung lòng xây dựng Học viện ngày càng trưởng thành và lớn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, Tòa án nhân dân là trung tâm của nền tư pháp, đòi hỏi chất lượng đội ngũ nhân lực của các tòa án phải không ngừng được nâng cao về mọi mặt, vì vậy, "công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, thẩm phán và các chức danh tòa án là hết sức cần thiết, có tính chất quyết định đến kết quả thực hiện chiến lược cải cách tư pháp nói chung và chất lượng hoạt động xét xử nói riêng, mang tính chiến lược lâu dài trong sự nghiệp bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Phó Thủ tướng đánh giá cao về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất- trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và nơi sinh hoạt cho sinh viên dần được bảo đảm theo tiêu chuẩn hiện đại, văn minh. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận Chiến lược phát triển Học viện Tòa án đến năm 2021, tầm nhìn 2030, "Đây là những việc làm hiệu quả và thiết thực trong lộ trình xây dựng Học viện Tòa án trở thành cơ sở đào tạo pháp luật và tư pháp có uy tín cao trong nước, khu vực và quốc tế".
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần xây dựng Học viện Tòa án trở thành một địa chỉ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý có uy tín trong cả nước, phải phấn đấu xây dựng Học viện Tòa án thực sự trở thành một cơ sở đào tạo đại học-sau đại học danh giá, có uy tín trong nước và khu vực.
Học viện cần bám sát và triển khai các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Song song với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ, cử nhân, cần phải xây dựng Học viện trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học các chuyên ngành tòa án có chất lượng, có uy tín của đất nước và quốc tế, tổ chức nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn xét xử. Học viện phải thực sự là một môi trường giáo dục lành mạnh, mỗi cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy phải thực sự là tấm gương cho học viên, sinh viên noi theo. Học viện tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế với các cơ sở đào tạo pháp lý, đào tạo các chức danh tư pháp của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới…
Được biết, tới nay, Học viện Tòa án đã tổ chức đào tạo 5 khóa (từ khóa 2 đến khóa 6) với 37 lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử, tổng số học viên là 2.034 người; tổ chức đào tạo 21 khóa đào tạo thư ký tòa án với tổng số lượng 2.883 học viên, một khóa đào tạo thẩm tra viên tòa án với số lượng 106 học viên, 2 khóa đào tạo thư ký viên chính, 2 khóa đào tạo thẩm tra viên chính. Riêng năm 2018 đã tổ chức đào tạo trực tuyến lớp nghiệp vụ thư ký tòa án cho hơn 1.100 học viên tại 109 điểm cầu trong toàn quốc; tổ chức được 21 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối với thẩm phán các cấp với tổng số 4.168 lượt học viên.
Bên cạnh đó, hằng năm, Học viện Tòa án còn hỗ trợ giảng viên, báo cáo viên cho tòa án nhân dân các địa phương để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và giải đáp các vướng mắc cho thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án và hội thẩm nhân dân các cấp trong công tác xét xử và giải quyết án.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng- điển hình để các trường khác tham khảo
Cũng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sáng nay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam cùng thầy và trò trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
Trong suốt 30 năm qua, là một trong những trường THPT dân lập đầu tiên ở Hà Nội, trường THPT Đinh Tiên Hoàng luôn kiên trì với mô hình: Không chọn lọc đầu vào nhưng phải bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, giúp đỡ những học sinh khó khăn về học tập và rèn luyện đạo đức.
Đúng như chia sẻ của thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Điểm đặc biệt nhất của trường Đinh Tiên Hoàng chính là luôn rộng mở với tất cả học sinh đến xin học, trong đó có nhiều học sinh yếu, hạnh kiểm kém. Để đáp ứng mục tiêu giảng dạy, nhà trường áp dụng "công thức" học sinh yếu có giáo viên giỏi.
Mục tiêu của Trường Đinh Tiên Hoàng trước hết là dạy các em nên người, thành người tử tế, thông qua truyền đạt kiến thức để giáo dục nhân cách cho học sinh. Kiên trì với mô hình giáo dục không chọn lọc đầu vào có nghĩa là chấp nhận mọi học sinh, nhiều nhất là học sinh cá biệt, khó khăn mọi mặt nhưng vì thế đội ngũ giáo viên trường Đinh Tiên Hoàng có những bài học kinh nghiệm về giáo dục đạo đức, lối sống học sinh đáng ghi nhận. Nhiều đặc trưng độc đáo ở trường Đinh Tiên Hoàng đã bắt đầu lan tỏa sang những ngôi trường khác.
Trân trọng và đánh giá rất cao cách tiếp cận, nỗ lực, tâm huyết của các thầy cô giáo trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong suốt những năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nguyên tắc đầu tiên của giáo dục phổ thông là phải bình đẳng cho tất cả mọi người, mọi học sinh. Nhà nước bằng cơ chế chính sách, đầu tư để có đủ trường lớp và các cơ chế cần thiết để mọi trẻ em còn trong độ tuổi đi học đều được đến trường và học 2 buổi/ngày. Trường Đinh Tiên Hoàng là một minh chứng sống động cho thấy nếu có tâm huyết của đội ngũ thầy cô giáo thì chúng ta sẽ làm được những điều mà bình thường cảm thấy rất khó khăn.
Phó Thủ tướng chia sẻ, "dạy con cháu tiếp nhận kiến thức là cần thiết. Dạy con cháu biết vâng lời là rất cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải khơi dậy những điều tốt đẹp, giá trị tốt đẹp trong từng học sinh. Điều đó không chỉ giúp các cháu tiếp thu kiến thức tốt hơn mà còn rèn luyện các kỹ năng cần thiết như làm việc theo nhóm, tự tin trình bày ý kiến, kể cả khác biệt, phản biện, ý thức trách nhiệm với cộng đồng…"
Phó Thủ tướng mong đội ngũ giáo viên trường Đinh Tiên Hoàng tiếp tục là những tấm gương tốt, từ đó nhân rộng ra cả hệ thống giáo dục. Làm sao mỗi ngôi trường giáo dục phải đi đầu khơi dậy điều tốt đẹp trong từng người, từng học sinh, thể hiện những giá trị tốt đẹp nhất được tôn vinh, lan tỏa ra toàn xã hội.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ, "Nhà trường không chỉ giúp hàng chục nghìn học sinh mà quan trọng là các thầy cô giáo kiên trì, dũng cảm đi theo mô hình hoàn toàn phù hợp với xu thế của thế giới và được khẳng định qua Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây là một điển hình để các trường khác tham khảo.
Mong rằng TP. Hà Nội, Bộ GDĐT có kế hoạch, bước đi cần thiết thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục khẩn trương, chắc chắn, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại của thế giới".