Sáng 31/10, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và đoàn công tác Trung ương đã làm việc với bà con ngư dân huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) về công tác bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm hồ nuôi thuỷ sản của một gia đình tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Báo cáo của UBND huyện Lộc Hà cho biết sự cố môi trường biển vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến sản xuất, kinh doanh thuỷ hải sản, dịch vụ nghề cá, du lịch biển trên địa bàn.
Theo đó, huyện có 54 thôn, 7 xã bị ảnh hưởng trực tiếp của sự cố môi trường biển (Thạch Kim, Thạch Bằng, Thạch Châu, Thạch Mỹ, Mai Phụ, Hộ Độ, Thịnh Lộc). Ngoài ra, một số xã lân cận cũng bị ảnh hưởng như Ích Hậu, Bình Lộc, Phù Lưu, An Lộc. Tổng số hộ gia đình bị ảnh hưởng là 5.859 hộ với 20.139 nhân khẩu.
Chính quyền địa phương đã thống kê, phê duyệt giá trị thiệt hại với tổng kinh phí đề nghị được bồi thường, hỗ trợ hơn 92 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt bồi thường, hỗ trợ đợt 1 cho huyện hơn 19 tỷ đồng.
Qua tập hợp, nắm bắt tâm tư của người dân trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung cho một số đối tượng như cơ sở làm nghề thu mua, tạm trữ, buôn bán muối; các cơ sở sản xuất lưới cụ, kinh doanh đá lạnh, số lượng hải sản còn tồn trong các tủ đông lạnh của các nhà hàng kinh doanh ven biển và các hộ buôn bán thuỷ sản… được hỗ trợ.
Tại cuộc tiếp xúc với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nhân dân trong huyện đề đạt lên Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương một số khó khăn, bất cập trong công tác kê khai bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường vừa qua.
Trao đổi với người dân trong huyện, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết từ ngày 22/8, sau khi xét nghiệm tại các vùng biển thì các tầng nước như đáy biển, tầng nước mặt đã bảo đảm an toàn cho việc nuôi trồng thuỷ sản, tắm biển, du lịch…
Sau sự cố vừa qua, Bộ TN&MT đã giám sát chặt chẽ việc xả thải của Formosa ra môi trường về nước, không khí, chất thải rắn… Trong đó, Formosa sẽ xả nước thải ra hồ chỉ thị sinh học rộng hơn 13 ha để xét nghiệm trước khi thải ra môi trường (hiện không còn thải qua ống ngầm) để nhân dân giám sát. Đặc biệt, trong hồ chỉ thị sinh học chứa nước thải này sẽ được trồng các loại tảo, san hô và nuôi trồng hải sản để khảo nghiệm có an toàn hay không trước khi cho thải ra môi trường.
Sau khi lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, trả lời của lãnh đạo các bộ ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của bà con bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển gây ra.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngay sau khi xảy ra sự cố, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trưng cầu các nhà khoa học trong và ngoài nước tập trung tìm hiểu, xác định nguyên nhân gây ra sự cố. Trước những chứng cứ chính xác, khoa học, khách quan, Công ty Formosa đã thừa nhận, xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cam kết bồi thường và không tái phạm. Hiện nay, môi trường biển đã bảo đảm cho việc nuôi trồng thuỷ sản, các hoạt động du lịch và dịch vụ đã an toàn.
Về ý kiến của bà con, đoàn công tác ghi nhận, nghiên cứu và có giải pháp cụ thể.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh quá trình thống kê bồi thường, hỗ trợ cho người dân thiệt hại phải làm chính xác, công khai, minh bạch trước nhân dân và có sự tham gia của các hộ gia đình, không để xảy ra kê khai không đúng đối tượng, số tiền bồi thường hay hỗ trợ. Đồng thời, kiên quyết không nghe theo các đối tượng xấu kích động, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Muốn vậy, rất cần sự đồng thuận, ủng hộ, thực hiện theo hướng dẫn của các cấp để thực hiện việc kê khai, chi trả tiền bồi thường nhanh chóng, chính xác, đúng quy định để ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, việc kê khai đền bù cần có sự đoàn kết chặt chẽ trong các tầng lớp nhân dân, không phân biệt lương giáo, giàu nghèo, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp… mà vì mục tiêu chung là sớm thực hiện xong việc bồi thường và hỗ trợ để ổn định sản xuất, cuộc sống của nhân dân.
Phó Thủ tướng khẳng định quá trình hoạt động của Công ty Formosa sẽ được các cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương giám sát chặt chẽ, có sự tham gia của nhân dân. Trong quá trình sản xuất, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, tái phạm sẽ xem xét đình chỉ hoạt động.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã và đang có giải pháp trong việc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con, khuyến khích và hỗ trợ bà con mua sắm các thiết bị, tư liệu sản xuất như tàu thuyền lớn để vươn xa đánh bắt hải sản làm giàu cho gia đình, quê hương và góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước.
Phó Thủ tướng tặng quà cho một gia đình tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại một số hộ nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh hải sản và buôn bán hàng thuỷ sản đông lạnh tại các xã Hộ Độ, Thạch Bằng để nắm tình hình nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh của các gia đình của huyện Lộc Hà.