• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng Thường trực: Sửa luật theo hướng tăng hình phạt đối với vi phạm ATGT

Thời sự 24/04/2019 20:44

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì cùng bộ ngành rà soát lại để sửa Nghị định 46/NĐ-CP theo hướng tăng cao mức phạt như: Tịch thu phương tiện, xử lý nghiêm chống người thi hành công vụ, cản trở giao thông, buộc người vi phạm phải lao động công ích. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực: Sửa luật theo hướng tăng hình phạt đối với vi phạm ATGT - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Quý I: Giảm trên 10% cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thôngĐây là chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm ATGT quý I/2019, ngày 25/4.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, nêu bật những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I. Dưới chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính Phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và các đoàn thể chính trị-xã hội tình hình TTATGT có những chuyển biến rất tích cực, TNGT trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi giảm sâu, tạo đà kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí trong quý I sâu nhất trong nhiều năm, cụ thể giảm 644 vụ (giảm 13,78%), giảm 244 người chết (giảm 11,35%), giảm 486 người bị thương (giảm 13,4%); dịch vụ vận tải cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết.

Đặc biệt, việc Bộ Công an ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về ma tuý, nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải, xử lý vi phạm về mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy… đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân; ngành GTVT cả nước cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo về chấn chỉnh kết cấu hạ tầng, xử lý điểm đen TNGT và siết chặt quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; đội ngũ bác sĩ cả nước đã nỗ lực rất lớn trong việc cứu chữa nạn nhân TNGT, kéo giảm thiệt hại về người do các vụ TNGT gây nên.

Thay mặt Thủ tướng Chính Phủ, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận và đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2018, trong đó 15 địa phương giảm trên 30% số người chết là: Bạc Liêu, Tây Ninh, Cà Mau, Sơn La, Quảng Ninh, Kiên Giang, Phú Yên, Bến Tre, Thái Bình, Hà Giang, Ninh Thuận, Tuyên Quang, Bình Định, Hậu Giang. Đặc biệt: Bạc Liêu, Tây Ninh, Cà Mau và Sơn La giảm trên 50% số người chết do TNGT.

Báo động tình trạng lái xe sử dụng ma tuý, rượu bia

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, nhất là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia chưa được khắc phục triệt để.

Đó là, tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT, vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt và các đô thị còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi… kinh phí bố trí để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ hành lang ATGT ít được quan tâm; việc xử lý điểm đen TNGT trên quốc lộ, tỉnh lộ, xử lý lối đi tự mở qua đường sắt có triển khai thực hiện nhưng còn chậm. Nếu xử lý triệt để đường ngang, lối mở thì TNGT còn giảm sâu hơn nữa.

Tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích rất đáng lo ngại trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của CSGT và các đợt khám sức khoẻ bắt buộc tập trung do ngành GTVT, y tế thực hiện, tỉ lệ còn thấp so với thực tế; vai trò chủ động phát hiện, ngăn ngừa lái xe sử dụng ma tuý, chất kích thích của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn rất hạn chế.

Theo đó, cần xử lý nghiêm như sửa đổi luật, tước giấy phép lái xe, buộc người vi phạm lao động công ích. Nếu doanh nghiệp vận tải vi phạm thì xử lý nặng, như tội giao phương tiện có nguồn nguy hiểm cao độ cho người không đủ năng lực, điều kiện để tham gia giao thông. Xem xét xử lý nhà xe bởi không thể nào là nhà xe mà không biết tài xế của mình nghiện ma tuý.

Chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, bộ ngành, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ: Khi có TNGT xảy ra, phải truy lại toàn bộ trách nhiệm về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép của cơ sở đào tạo lái xe và địa phương cấp bằng lái xe để tìm nguyên nhân, rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức có liên quan.

Hoàn thành khám sức khoẻ định kỳ cho toàn bộ lái xe

Về nhiệm vụ trọng tâm quý II, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, cần phát huy những kết quả đã đạt được và nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo đảm TTATGT trong quý I. Trên cơ sở đó, Uỷ ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai Nghị quyết 12 của Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021; quyết liệt triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia và những giải pháp đã nêu trong báo cáo của Uỷ ban ATGT Quốc gia để tiếp tục duy trì đà kéo giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng và khắc phục ùn tắc giao thông trong quý II/2019 và thời gian tới.

Các bộ, ngành liên quan tiếp thu và có kế hoạch cụ thể thực hiện và tham mưu cho Chính phủ thực hiện những kiến nghị của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội về các giải pháp hạn chế TNGT, vi phạm pháp luật về tội phạm xâm phạm ATGT. Thực hiện nghiêm Công điện 402 của Thủ tướng về phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và bảo đảm TTATGT dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Uỷ ban ATGT Quốc gia, các bộ ngành, địa phương thực hiện kế hoạch Năm ATGT 2019, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT, tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT theo chuyên đề tại các địa phương có TNGT tăng trong quý I, trong đó có việc triển khai Nghị quyết 12 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về TTATGT, đặc biệt là việc thực hiện các chỉ đạo về xử lý “điểm đen” TNGT, lối đi tự mở qua đường sắt, kiểm tra ma tuý và nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải.

“Hoàn thành khám sức khoẻ định kỳ cho toàn bộ lái xe, có kiểm tra dấu hiệu sử dụng ma tuý, báo cáo kết quả về Uỷ ban ATGT Quốc gia để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 30/6”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Đặc biệt, sử dụng thông tin về giấy phép lái xe vi phạm bị tạm giữ tại cơ quan Công an để kiểm tra nhằm phát hiện những trường hợp xin cấp lại giấy phép lái xe trong thời gian bị tạm giữ do vi phạm, huỷ kết quả sát hạch, thu hồi giấy phép lái xe đã cấp; xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong cơ quan cấp giấy phép lái xe có liên quan. Mất bằng thì cấp lại, vi phạm nghiêm trọng thì xác minh, tước bằng lái xe.

Phó Thủ tướng Thường trực: Sửa luật theo hướng tăng hình phạt đối với vi phạm ATGT - Ảnh 2.

Ảnh: VGP/Lê Sơn


Sửa đổi quy định theo hướng tăng nặng xử phạt

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, Bộ GTVT chủ trì cùng bộ ngành rà soát lại để sửa Nghị định 46 theo hướng tăng cao mức phạt như tịch thu phương tiện, xử lý nghiêm chống người thi hành công vụ, cản trở giao thông, buộc người vi phạm lao động công ích. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 45 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 và ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12 của Chính phủ; chỉ đạo lực lượng CSGT tiếp tục tăng cường tuần tra, siết chặt hơn nữa việc kiểm soát, phát hiện xử lý lái xe vi phạm ma tuý, nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tối, xe máy... tăng cường kiểm tra phòng ngừa sai phạm trong hoạt động tuần tra kiểm soát và một số lĩnh vực của lực lượng CSGT.

Chỉ đạo công tác điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ TNGT, nhất là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận bức xúc, quan tâm; xử lý bằng pháp luật hình sự đối với chủ xe, chủ doanh nghiệp có xe gây ra TNGT khi có có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị của Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức tổng kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khoẻ cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định; tiếp tục yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc thực hiện kiểm tra chất ma tuý và nồng độ cồn đối với toàn bộ nạn nhân cấp cứu do TNGT, hằng tháng có báo cáo tổng hợp về Ban ATGT cùng cấp.

Tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát vào dịp nghỉ lễ dài ngày

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, MTTQ Việt Nam chủ trì cùng đoàn thể, cơ quan báo chí, Uỷ ban ATGT Quốc gia, các bộ ngành, địa phương tổ chức đợt phát động sâu rộng trong nhân dân về chấp hành ATGT ở phạm vi cả nước cho tất cả các đối tượng ở các địa phương như công nhân, người lao động, doanh nghiệp, học sinh sinh viên, tài xế và tất cả người tham gia giao thông về pháp luật giao thông, hậu quả nặng nề của TNGT mà xã hội và gia đình phải gánh chịu để thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử khi tham gia giao thông.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về bảo đảm TTATGT đợt nghỉ lễ 30/4 -1/5; tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp giấp phép lái xe; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT và lối đi tự mở qua đường sắt theo kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm vào kỳ họp trực tuyến ATGT quý II.

Đồng thời, kết nối hệ thống công nghệ thông tin và dữ liệu để phục vụ các yêu cầu quản lý, trong đó có việc xử lý vi phạm giao thông, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phân công trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương.

UBND TP. Hà Nội và TPHCM và các đô thị trực thuộc Trung ương thực hiện những giải pháp cụ thể, khả thi về nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; có giải pháp căn cơ để duy trì trật tự, kỷ cương lòng, lề đường, vỉa hè, tránh hiện tượng tái lấn chiếm xảy ra trên một số địa bàn thuộc Hà Nội, TPHCM trong thời gian qua; quản lý và xử lý nghiêm vi phạm về quy hoạch và xây dựng đô thị gây mất TTATGT, ùn tắc giao thông.


Theo Báo Chính phủ

NỔI BẬT TRANG CHỦ