Ngày 9/1, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) đã đi thị sát công tác chống buôn lậu tại tỉnh An Giang, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh về phát triển KTXH, quốc phòng an ninh, phòng chống tội phạm trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực và đoàn công tác Trung ương, tỉnh An Giang cho biết: Năm 2016, kinh tế-xã hội của tỉnh An Giang phát triển khá toàn diện, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt với 19/22 chỉ tiêu theo nghị quyết, 3 chỉ tiêu không đạt. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 160 triệu đồng/ha, tổng thu ngân sách đạt gần 5 nghìn tỷ đồng (đạt 109%), tiếp nhận 63 dự án với số vốn đăng ký 14,7 nghìn tỷ đồng (tăng 3,8 lần về vốn so với cùng kỳ).
Đối với công tác chống buôn lậu, gian lận và hàng giả trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm giảm nhưng giá trị hàng hoá bị bắt giữ lại tăng. Năm 2016, các lực lượng chống buôn lậu đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 2.636 vụ (giảm 20%) so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hoá bắt giữ trên 54 tỷ đồng (tăng 58% so với năm 2015), khởi tố 18 vụ với 28 bị can.
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém về công tác này, tỉnh An Giang cho rằng, việc trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng chống buôn lậu chưa tốt, chính sách giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống người dân khu vực biên giới hiệu quả chưa cao, một số quy định còn vướng mắc chưa được các bộ, ngành tháo gỡ kịp thời…
Về tình hình trật tự an toàn giao thông, năm 2016 tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương.
Công tác phòng chống tội phạm có chuyển biến mặc dù vẫn còn diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng đã mở nhiều đợt tấn công trấn áp tội phạm. Qua đó, tội phạm về trật tự xã hội giảm 21% so với năm 2105, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng giảm 7,6%, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 83,4%...
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2017, tỉnh An Giang xác định tập trung vào 3 lĩnh vực đột phá, gồm: Nông nghiệp, du lịch và nguồn nhân lực. An Giang chọn năm 2017 là “Năm doanh nghiệp” để tập trung giải quyết những vướng mắc đang là rào cản đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, quyết tâm xây dựng bộ máy Nhà nước liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thị sát khu vực biên giới tỉnh An Giang - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm để nhân dân có được cuộc sống bình yên; tuyên truyền, vận động và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; có nhiều biện pháp đồng bộ nhằm giảm tai nạn giao thông.
Bên cạnh những kết quả lớn mà tỉnh An Giang đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra các bất cập, hạn chế mà tỉnh cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là, tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế-xã hội như diện tích lớn, dân số đông, đất đai màu mỡ, có kinh tế cửa khẩu…
Một trong những yếu kém được Phó Thủ tướng Thường trực đề cập là tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, nhất là buôn lậu đường cát có dấu hiệu tăng.
Với chủ đề năm 2017 là “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục tạo chuyển biến mới về cơ cấu kinh tế, như đẩy mạnh năng suất chất lượng của ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào nông nghiệp, tăng giá trị trong nông nghiệp. Với công nghiệp, cần lựa chọn hướng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, công nghiệp chế biến thuỷ hải sản, tránh tình trạng tiếp nhận công nghệ lạc hậu trong khi kêu gọi đầu tư, phát triển nhiều loại hình kinh doanh với các hợp tác xã kiểu mới để nâng cao chuỗi giá trị hàng hoá cho người dân.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hoá để huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, chuẩn bị tốt các điều kiện để chủ động đón bắt cơ hội trong hội nhập quốc tế; phát huy lợi thế của tỉnh để lựa chọn phát triển ngành, lĩnh vực theo hướng tăng năng suất, chất lượng và cạnh tranh, kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, lấy tăng trưởng theo chiều sâu làm chủ đạo; tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới; tập trung công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo nhanh, bền vững; làm tốt công tác giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao và du lịch.
Chăm lo tốt việc đón Tết, vui xuân của nhân dân thực sự vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách để mọi người đều được đón Tết cổ truyền đầm ấm.
Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, tỉnh cần tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về đấu tranh, phòng chống tội phạm, cần làm tốt công tác chuyển hoá địa bàn, xác định trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền và thủ trưởng công an các cấp trong đấu tranh chống tội phạm. Theo đó, nắm chắc tình hình, quản lý chặt địa bàn, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi lên về an ninh trật tự, chủ động phòng ngừa kết hợp với tấn công truy quét, kiên quyết không để tội phạm lộng hành, hoạt động phức tạp.
Các cấp uỷ, chính quyền phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, xác định công tác chống buôn lậu là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Chú trọng đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, phẩm chất, đạo đức công vụ, quan tâm phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới để người dân có cuộc sống ổn định, không tham gia tiếp tay cho buôn lậu. Đặc biệt, mở cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán, kiểm soát tốt thị trường nội địa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các loại hàng hoá không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, kiên quyết không để thực phẩm bẩn, pháo nổ xâm nhập thị trường trong nước.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, tỉnh cần tổ chức cơ sở với sự giúp đỡ của nhân dân kết hợp với tuần tra, kiểm soát cho thật tốt có sự chỉ huy thống nhất và kịp thời, phối hợp hiệu quả, xử lý thông tin nhanh nhạy, rèn luyện và nâng cao phẩm chất lực lượng thực thi công vụ thì công tác này sẽ có chuyển biến mạnh mẽ với việc sẽ phát hiện được nhiều vụ việc, phá được nhiều vụ buôn lậu lớn. Qua đó, bảo đảm sản xuất trong nước, sức khoẻ của nhân dân và chống thất thu ngân sách.
Đặc biệt, phân bón và thuốc trừ sâu giả và kém chất lượng đang gây nhiều khó khăn cho nông dân. Các lực lượng phải kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực giao các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tháo gỡ để tỉnh An Giang ngày càng phát triển.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thăm Đồn biên phòng cửa khẩu Tịnh Biên - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
* Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đến thăm Đồn biên phòng cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang).
Nói chuyện thân mật với cán bộ chiến sĩ, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Các cấp chính quyền của huyện và đồn biên phòng cần làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu. Muốn vậy, chính quyền cần có nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới, xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Đồng thời, phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương, thủ trưởng các đơn vị trong công tác chống buôn lậu. Kiên quyết thực hiện không có “vùng cấm” trong việc xử lý vấn đề này, không để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thẩm lậu với thị trường trong nước.
Đặc biệt, kiên quyết xử lý đơn vị, cá nhân để xảy ra tiêu cực, bao che, dung túng cho buôn lậu trên địa bàn.