(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, cần tiếp tục cải thiện các sản phẩm du lịch, làm công tác quảng bá xúc tiến; đảm bảo liên kết chuỗi giá trị cũng như tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch.
Tiếp tục Chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, sáng 6/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Giải pháp đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết tình hình triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp để kích cầu phục hồi du lịch trong năm 2024 và các năm tiếp theo để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước?
Trả lời đại biểu về vấn đề kích cầu du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL làm rõ tại phiên chất vấn lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.
Cho ý kiến thêm, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần đảm bảo liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt là kết hợp các công ty du lịch lữ hành, nơi cứ trú, thương mại, vận chuyển cũng như kết nối giữa các địa phương với nhau để tạo ra những con đường di sản hay tạo ra những điểm đến hấp dẫn; đồng thời có sự hợp tác, phối hợp chung giữa các khu vực có sản phẩm tốt để quảng bá.
Bên cạnh đó, chúng ta cần cải thiện các sản phẩm du lịch, công tác quảng bá các sản phẩm du lịch cần làm tốt. Trên thực tế, các sản phẩm du lịch của chúng ta cũng đã phát triển nhưng chưa có một định hướng rõ ràng về các sản phẩm mang thương hiệu riêng biệt Việt Nam. Khi chúng ta xây dựng được thương hiệu, đưa ra tiêu chuẩn về chất lượng thì sẽ đạt được hiệu quả; Đa dạng hóa các loại hình sản phẩm nhưng không để trùng lắp giữa các địa phương.
Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch, có nhiều nơi khách du lịch đến khá đông nhưng chưa đảm bảo được cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Cũng cần xem xét yếu tố ngoại giao để khách nước ngoài có thể vào nước ta dễ dàng hơn, đảm bảo lợi ích quốc gia nhưng vẫn ưu tiên phát triển du lịch.
Phát triển du lịch khám phá tại các công viên địa chất ở Việt Nam
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, để tiếp tục góp phần nâng tầm giá trị cũng như quảng bá di sản văn hóa và tài nguyên du lịch của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, năm 2014, Đề án "Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam", đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1590/QĐ-TTg.
Hiện nay, Việt Nam đã có 3 công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đồng thời, đã có một số địa phương, trong đó bao gồm tỉnh Lạng Sơn, cũng đã và đang trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, chưa có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như chưa cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc triển khai Đề án nêu trên.
Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết các giải pháp trong thời gian tới để đẩy mạnh quá trình xây dựng, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam, để từ đó, góp phần kích cầu, phục hồi và phát triển du lịch bền vững, trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay cả nước chỉ có 3 công viên di sản địa chất, quy mô và phạm vi lớn, và Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong bảo tồn, quản lý và khai thác.
Bước đầu chúng ta đã xây dựng quy hoạch và đề xuất một số chương trình, dự án để triển khai thực hiện. Bất cập hiện nay đó là chưa phân định khu nào bảo vệ tuyệt đối, khu nào là khu vực vùng đệm và khu vực nào có thể cho phát triển.
Như vậy, cần giải quyết tốt bài toán bảo vệ, sử dụng và khai thác tốt, đặc biệt phát huy giá trị của các công viên này, xem xét xây dựng các hình thức phát triển du lịch khám phá và nghiên cứu, cần coi đây là sản phẩm du lịch đặc biệt.
Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần triển khai ngay các dự án phát triển hạ tầng để tiếp cận dễ dàng với các công trình này. Cùng với đó là tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm trong việc khai thác công viên địa chất ở các nước trên thế giới… huy động sự tham gia của xã hội, xây dựng hình thành các sản phẩm du lịch mang tính độc đáo.