(Tổ Quốc) - Ngày 4/8, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tuyên Quang về công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn.
- 29.07.2018 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Để cán bộ thực sự là công bộc của nhân dân
- 30.07.2018 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo Quảng Nam về Cải cách hành chính
- 31.07.2018 Kiểm tra thông tin “đổi 100ha đất lấy 1,39km đường” ở Bắc Ninh
- 04.08.2018 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra công tác tha tù trước thời hạn có điều kiện tại Trại giam Quyết Tiến
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc: Nguồn VPCP |
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá những kết quả mà tỉnh Tuyên Quang đạt được. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh thực hiện thắng lợi của chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, đưa Tuyên Quang sớm trở thành tỉnh phát triển khá khu vực miền núi phía bắc.
”Tuyên Quang tự hào là ”Thủ đô kháng chiến” trước đây của đất nước, thì ngày nay với nhiều di tích lịch sử văn hoá lớn của quốc gia, tỉnh luôn là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ, xây dựng tỉnh ngày càng ấm no, giàu đẹp, xứng đáng là địa phương giàu truyền thống cách mạng”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Nhấn mạnh đến công tác CCHC của tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành CCHC, tập trung công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC); đã công bố chuẩn hóa 1.935 TTHC thuộc phạm vi giải quyết của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và của UBND cấp huyện, cấp xã; đã đơn giản hóa, giảm khoảng 30% thời gian thực hiện với 580 TTHC của các sở, ngành cấp tỉnh và 378 TTHC của UBND cấp huyện. Tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm hành chính công tại thành phố Tuyên Quang, UBND huyện Chiêm Hóa cùng với 04 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp huyện của các đơn vị: Sơn Dương, Hàm Yên, Na Hang và Yên Sơn; thực hiện kiện toàn, sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định; giảm 08 đơn vị sự nghiệp công lập và 205 điểm trường trong giai đoạn 2015-2017. Trong năm 2018, thí điểm hợp nhất Văn phòng Huyện ủy, Văn phòng HĐND và UBND huyện; Ủy ban Kiểm tra và Phòng Thanh tra; Ban Tổ chức huyện ủy và Phòng Nội vụ, Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND và UBND tại một số huyện; ban hành Quy định đánh giá thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị với tiêu chí, phương pháp, quy trình cụ thể, là một trong những căn cứ để đánh giá, phân loại hằng năm theo quy định của Chính phủ.
Tuyên Quang đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Cung cấp 790 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tính đến tháng 6/2018, tỉnh đã có 30 cơ quan cấp tỉnh, 84 cơ quan thuộc các đơn vị cấp huyện, 114 cơ quan cấp xã được trang bị chứng thư số và đang tích hợp chữ ký số vào Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành. Tạo lập và cung cấp 6.207 tài khoản thư điện tử cho các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh; 10.903 tài khoản thư điện tử cho các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá những kết quả mà tỉnh Tuyên Quang đạt được trong thời gian qua: Nguồn VPCP |
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tuyên Quang cần gắn CCHC với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; tạo chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, làm cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thấm nhuần lời dạy và tư tưởng của Bác Hồ là “công bộc của dân”, phải gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rút ngắn thời gian ban hành văn bản, đưa pháp luật nhanh chóng đi vào đời sống xã hội; đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường cải cách TTHC, nhất là các thủ tục liên quan đến xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiếp cận điện năng, phát triển du lịch..., tăng cường công khai, minh bạch, tổ chức tốt việc giải quyết TTHC, hạn chế tối đa việc giải quyết quá hạn, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.
Đồng thời, tỉnh cần có biện pháp tuyên truyền, khuyến khích, tận tình hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC để tăng số hồ sơ TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tiếp nhận, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích để đảm bảo hiệu quả, thực chất, tránh lãng phí và hình thức. Thực hiện tốt việc trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh tiếp nhận qua các kênh thông tin khác nhau. Có các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ của tỉnh thời gian vừa qua.
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, tỉnh đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành; nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm quản lý nghiệp vụ phục vụ quản lý, xử lý công việc chuyên môn trên tất cả các lĩnh vực, nhằm triển khai thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh, đáp ứng lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh.
Đặc biệt, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Triển khai việc khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm mục tiêu phục vụ của các cơ quan. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính.
Có những chính sách ưu tiên cho khởi nghiệp, thu hút doanh nghiệp vào Tuyên Quang đầu tư kinh doanh, nhất là lĩnh lực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Cũng trong chuyến công tác tại Tuyên Quang, sáng 4/8, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã kiểm tra công tác CCHC tại Sở Tư pháp và Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang. Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của cán bộ, công chức hai cơ quan nói trên đã có nhiều cố gắng trong công tác CCHC với nhiều cách làm mới, hiệu quả, thiết thực để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận cơ quan hành chính nhà nước cũng như giải quyết TTHC một cách đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tường Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập, yếu kém cần khắc phục như vẫn còn văn bản ban hành trái pháp luật, tình trạng quá hạn trong giải quyết hồ sơ TTHC do chưa thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, cần đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến như cấp phiếu lý lịch tư pháp cần kê khai trực tuyến.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý, các cơ quan cần có giải pháp thiết thực, rút ngắn thời gian phối hợp giữa các ngành, tạo điều kiện tối đa cho người dân, hướng dẫn cho người dân các quy trình thực hiện TTHC, kiên quyết không để tình trạng hướng dẫn, kê khai nhiều lần, đòi cung cấp nhiều loại giấy tờ thủ tục do việc cơ quan hành chính không hướng dẫn nhiệt tình, hiệu quả cho người dân, gây tốn kém chi phí và thời gian, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không chấp nhận nền hành chính công gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu người dân”.
Phó Thủ tướng lưu ý các cơ quan này cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 trong lĩnh vực thuế, tư pháp; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để triển khai có hiệu quả TTHC có liên quan đến thuế, tư pháp như thủ tục về đất đai, xây dựng, tư pháp hộ tịch; cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, phẩm chất, kỹ năng giao tiếp với nhân dân khi giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.
“Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng hướng dẫn chung chung, không cụ thể, hoặc yêu cầu người dân bổ sung các thành phần giấy tờ, hồ sơ ngoài quy định, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân khi thực hiện các TTHC”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, về các điều kiện kinh doanh vẫn còn tình trạng nơi này cắt giảm, nơi khác lại không, dẫn đến việc cắt giảm chung chưa hiệu quả. Đối với ngành thuế nói chung vẫn còn dư luận không tốt, nhất là qua khảo sát về sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, ngành Thuế phải cố gắng hơn nữa khi vẫn có dư luận về việc doanh nghiệp phải chi phí ngoài luồng. “Ở Tuyên Quang, dù không có tai tiếng vấn đề này là điều đáng mừng nhưng chúng ta cũng phải hết sức nghiêm túc đánh giá mình, không chủ quan mà cần tiếp tục làm tốt hơn nữa”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trao 200 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh Tuyên Quang: Nguồn VPCP |
* Nhân dịp công tác tại Tuyên Quang, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Chủ tịch Danh dự Quỹ bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo hiếu học của báo Công an nhân dân đã trao 200 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ các cháu học sinh nghèo hiếu học trước thềm năm học mới./.
Vi Phong