(Tổ Quốc) -Đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Trương Hòa Bình trong buổi làm việc với Thành ủy TPHCM về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp trên địa bàn vào ngày 16/10.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.
Báo cáo của TP.HCM cho biết, sau hơn một năm triển khai Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng Hành chính với những quy định mới về thời hiệu khởi kiện, quy định về cung cấp tài liệu theo chứng cứ, quy định về gửi văn bản phát biểu ý kiến của kiểm sát viên cho Tòa án lưu hồ sơ vụ án, quy định về thời điểm yêu cầu độc lập hoặc phản tố… phát sinh khó khăn khi áp dụng thực tiễn.
Liên quan đến Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, báo cáo cũng cho rằng, việc xác minh tố giác, tin báo tội phạm; thực hiện ghi âm, ghi hình trong lấy lời khai… chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiến hành hỏi cung, ghi lời khai có ghi âm, ghi hình hay việc khắc phục tình trạng thiết bị bị lỗi phần mềm, hệ thống xử lý dữ liệu…
Ngoài ra, chỉ tỉ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm phải trên 90% là quá cao, khó thực hiện; thời hạn giải quyết, khởi tố chưa hợp lý, nhất là đối với những vụ việc phức tạp…
Đề cập đến những kiến nghị của TPHCM về sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các bộ luật mới để việc áp dụng pháp luật được thống nhất và đạt hiệu quả; xem xét tăng thêm thời gian giải quyết tố giác, tin báo tội phạm… Phó Thủ tướng cho hay, Đoàn công tác sẽ ghi nhận cùng với những ý kiến tại các địa phương khác, nếu phù hợp sẽ có kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Về biên chế cán bộ, đối với những cơ quan như tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, theo Phó Thủ tướng, những địa phương có số lượng án nhiều, hiện đang quá tải thì cần phải có điều chỉnh lại biên chế cho phù hợp./.
PV